Bắc Kinh ồ ạt trục xuất lao động phổ thông nhập cư

ANTD.VN - Chính quyền thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) vừa phát động chiến dịch kéo dài 40 ngày nhằm trục xuất hàng chục nghìn lao động phổ thông nhập cư ở thủ đô.

Bắc Kinh ồ ạt trục xuất lao động phổ thông nhập cư ảnh 1Lao động nhập cư bị buộc phải rời khỏi các khu nhà tạm ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 27-11

Nhà chức trách đã đẩy mạnh việc trục xuất sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng ở khu nhà chung cư Đại Hưng, ngoại ô phía bắc của Bắc Kinh hồi tuần trước, làm 19 người, chủ yếu là người nhập cư từ nông thôn, thiệt mạng.

Ngay trong buổi tối sau khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng chức năng đã được lệnh tiến hành kiểm tra an toàn cháy nổ ở thành phố, khởi động chiến dịch dỡ bỏ hoặc phá hủy những khu nhà tạm, vốn là nơi ở của hàng triệu lao động nhập cư vào Bắc Kinh nhiều năm qua.

Nhà chức trách cho rằng những ngôi nhà chất lượng thấp được dựng lên trái phép này gây nguy hiểm cho cuộc sống của chính người lao động nhập cư và cư dân thành phố. Chỉ sau một tuần, hơn 10.000 dân lao động nhập cư ở Bắc Kinh đã trở thành người vô gia cư.

Lao động nhập cư vào Bắc Kinh chủ yếu làm thuê ở các nhà hàng, công trường xây dựng, công nhân nhà máy, nhân viên chuyển phát nhanh hoặc mở cửa hàng dịch vụ nhỏ. Họ được liệt vào khái niệm “lao động phổ thông” hoặc cấp thấp. Rất nhiều trong số họ đã tạm trú tại Bắc Kinh đến 10 năm, song đều nhận được thông báo của chính quyền, yêu cầu trong thời gian 5 ngày kể từ 21-11 phải dọn đi, nếu không sẽ bị cưỡng chế hoặc bị chính quyền khu vực cắt điện và nước sinh hoạt. Người có nhà cho lao động phổ thông thuê cũng được lệnh chấm dứt hợp đồng.

Chiến dịch trục xuất được tiến hành đồng loạt và gấp rút, người nhập cư nhanh chóng bị đẩy ra đường vào thời điểm mùa đông ở Bắc Kinh đã bắt đầu, nhiệt độ trong một tuần qua dao động ở mức 0 độ C. Song song với chiến dịch dỡ bỏ các nhà tạm, Bắc Kinh cũng tiến hành lập lại trật tự đô thị thông qua yêu cầu các cửa hiệu, nhà hàng bình dân, chỗ kinh doanh “mất mỹ quan” phải đóng cửa.

Bắt đầu từ tháng 8 năm nay, để buộc những người lao động ngoại tỉnh rời khỏi Bắc Kinh, chính quyền không những tiến hành thu phí mà còn cưỡng chế dỡ bỏ nơi cư trú của người lao động cấp thấp. Trong khi đó, các công ty đa quốc gia, các chung cư cao cấp, tòa nhà biệt thự hay những tòa nhà chọc trời đang mọc lên như nấm ở phía đông Bắc Kinh. Chiến dịch trục xuất hàng loạt đã làm dấy lên quan ngại rằng các quan chức đang đẩy người nghèo đi nhằm mục đích phân chia các quận thông minh của Bắc Kinh và thực hiện mục tiêu lớn hơn: để giảm dân số thành phố.

Theo một báo cáo năm 2016 của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, có khoảng 8,23 triệu cư dân Bắc Kinh đến từ các vùng nông thôn, chiếm khoảng 40% dân số gần 22 triệu người của thủ đô. Hồi tháng 9, Chính phủ Trung ương đã phê duyệt kế hoạch của Bắc Kinh nhằm hạn chế dân số ở mức 23 triệu người vào năm 2020. 

Do đó, trong 5 năm tới, Bắc Kinh chủ trương sẽ hoàn thành việc giảm nhân khẩu, chỉ tiêu năm nay đã được thông báo đến các khu vực trong thành phố. Chính quyền thủ đô cũng dự kiến sẽ cắt giảm 15% dân số ở các quận trung tâm trong 2 năm tới - tương đương với 2 triệu người và phá bỏ các khu nhà ở bất hợp pháp nhằm xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại xứng tầm với “thành phố thông minh”.

Tuy nhiên, hơn 100 trí thức Trung Quốc đã ký một bản kiến nghị yêu cầu chính quyền thành phố Bắc Kinh chấm dứt chiến dịch trục xuất người nhập cư ồ ạt trên. Nhiều nhà nghiên cứu cho biết, trước Thế vận hội 2008, Bắc Kinh mở cửa đón chào người nhập cư phục vụ đại hội thể thao quốc tế, kết quả là dòng dịch chuyển của khoảng 1,5 triệu người dân. Đến nay, nhà chức trách lại muốn tiến hành chiến dịch tái cơ cấu cấu trúc dân số một cách bất hợp lý khi đóng cửa người nhập cư vào thành thị.

“Đây là mối lo ngại lớn, vì nó liên quan đến sự ổn định của xã hội. Nếu Chính phủ vội vàng thúc đẩy thành phố phát triển, thì những vấn nạn xã hội sẽ bùng nổ”, một học giả cho hay. Phần lớn người nhập cư bị trục xuất thấy hoang mang: “Không còn gì cho tôi ở quê nhà. Tôi rời quê đã quá lâu. Không biết tôi sẽ sống ở đâu trong tương lai”.