"Baby Milk" - mánh khóe "rủ lòng thương" ở Campuchia

ANTD.VN - Một người phụ nữ trẻ tuổi nhếch nhác, chân đi đất, mặc quần áo cũ và gần như kiệt sức đang ẵm một đứa trẻ nhem nhuốc, gầy nhẳng, 2 mắt lờ đờ như buồn ngủ. 

Baby Milk” là một trong những bẫy du lịch kiếm tiền phổ biến ở Campuchia

Đứng trước một vị khách du lịch, cô ấy xin - không phải xin tiền, mà “rủ lòng thương” mua giúp lon sữa bột cho đứa con sắp lả vì đói của cô ấy. Nếu câu trả lời là đồng ý kiểu như: “Tôi sẽ giúp”, “OK” thì vị khách ấy vô tình rơi vào một trong những cái bẫy ăn xin thông minh ở một số khu vui chơi ở Campuchia, có tên gọi “Baby Milk” (mua sữa cho trẻ con).

Đường đi của một lon sữa “tình thương”

Theo Nypost, “Baby Milk” (mua sữa cho trẻ con) là một trong những bẫy du lịch kiếm tiền phổ biến ở Campuchia. Những đứa trẻ được người phụ nữ bế trên tay thường là trẻ sơ sinh, vài tháng tuổi, lớn nhất cũng chỉ đang chập chững biết đi, còi cọc để lấy nước mắt, tiền của du khách.

Chúng thường là con, cháu của họ nhưng cũng có thể được thuê từ những người khác. Khi vị khách đồng ý giúp đỡ sẽ được “người mẹ trẻ nghèo” ấy dẫn đến một cửa hàng sữa - nơi mà cô ta và chủ cửa hàng đã móc nối với nhau từ trước. Ngay khi những người có tấm lòng đi khỏi tầm mắt, người phụ nữ đó bán lại cho chủ cửa hàng. Lợi nhuận sẽ được chia cho cả hai theo thỏa thuận của hai bên.

Lina Goldberg, tác giả của cuốn sách “Move to Cambodia: A Guide to Living and Working in the Kingdom of Wonder” (Tạm dịch - “Chuyển tới Campuchia: Cẩm nang sống và làm việc ở vương quốc của kỳ quan”) cho biết bẫy “Baby Milk” đã tồn tại trong nhiều năm ở Campuchia và trên thực tế rất khó ngăn chặn.

“Bẫy “Baby Milk” đã tồn tại trong nhiều năm ở Campuchia và trên thực tế rất khó ngăn chặn”.

Lina Goldberg (Tác giả của cuốn sách “Move to Cambodia: A Guide to Living and Working in the Kingdom of Wonder”)

Ngay lần đầu tiên tới Campuchia năm 2010, Linda tận mắt chứng kiến nhiều du khách đã không chút đắn đo hay hoài nghi, sẵn sàng bỏ tiền túi mua những lon sữa công thức to, đắt tiền ở khu phố Pub Street (Siem Reap). “Khi các du khách mua xong sữa cho đứa trẻ và trở về khách sạn, người phụ nữ sẽ trở lại cửa hàng để bán chúng lấy tiền. Quá trình này lặp đi lặp lại nhiều lần. Một đứa trẻ có thể kiếm được 12 hộp sữa một đêm”, Linda kể. 

Một vài du khách khi phát hiện ra sự thật phần lớn đều thắc mắc liệu những đứa trẻ đó có bị cho uống thuốc mê để chúng nằm ngoan ngoãn trên tay người phụ nữ hay không? Hoặc tệ hơn, chúng có thể bị bỏ đói, khát... để tình trạng xấu hơn, khiến du khách dễ mủi lòng mà làm phúc.

Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ trẻ em Campuchia cho biết, họ đã xem xét những cáo buộc về tình trạng sử dụng bẫy “Baby Milk” ở các trung tâm, thành phố, điểm du lịch… trong cả nước. Đồng thời, tổ chức bí mật điều tra việc những đứa  trẻ được “ru ngủ” như thế nào. Nhưng kết quả không tìm thấy bằng chứng cho thấy những đứa trẻ này bị cho uống thuốc hay bị đối xử tàn tệ một cách có chủ ý.

Không để lòng tốt bị lợi dụng

Nam du khách người Mỹ tên Doug kể rằng, trong một lần du lịch tới Campuchia cùng một nhóm bạn, họ đã sập bẫy “Baby Milk”. Ngay giây phút cả nhóm bạn xuống xe Tuk-Tuk, ghé vào một tiệm kem bên đường, một người phụ nữ trẻ độ 20 tuổi, cắp lấy 1 đứa trẻ tầm 12 tháng tuổi, tiến lại gần. Trên tay người phụ nữ này đang cầm 1 bình sữa rỗng. Cô ấy rảo mắt nhìn chằm chằm vào nhóm Doug và trình bày: “Vui lòng cho tôi xin một ít sữa. Tôi không muốn tiền, mà chỉ muốn xin sữa cho con tôi thôi”.

Mọi người trong nhóm của Doug không lạ mánh khóe xin tiền kiểu này - điều họ đã đọc được lời cảnh báo ở quán cà phê The Hive. Đối với Doug anh sẵn sàng bỏ tiền mua 1 lon sữa cho đứa trẻ, nhưng thật sự đau lòng khi thực tế đây chỉ là một mánh lừa của người lớn. Phần vì thương xót đứa trẻ vô tội, phần muốn tìm hiểu thêm chiêu lừa đảo này, Doug tỏ vẻ như không biết gì, gật đầu đồng ý. Người phụ nữ ấy đã dẫn Doug vào một cửa hàng sữa gần đó. Doug hỏi: “Cô muốn mua sữa gì?” và dĩ nhiên, cô ta chọn mua loại sữa đắt tiền nhất. 

Tuy nhiên, Linda chỉ ra rằng việc du khách tiếp tục giúp mua sữa không khác nào việc khuyến khích trò gian lận này. Điều này kéo theo sự phát triển của hành vi đen tối, khi trẻ em bị sử dụng vào những mục đích sai trái. Ngày nay, chính quyền sở tại cũng rất nỗ lực ngăn chặn tình trạng trên.

Tổ chức Bảo vệ trẻ em ChildSafe đã dán áp phích bằng tiếng Anh với màu sắc nổi bật quanh các điểm du lịch, trên tường, đường phố và buồng vệ sinh công cộng để cảnh báo du khách. Ngoài ra, Linda cũng gợi ý nếu bạn muốn giúp đỡ những em bé, gia đình khó khăn tại Campuchia, có thể liên hệ với các tổ chức uy tín như UNICEF có trụ sở ở đây để quyên góp tiền.