ASEAN bàn tương lai rộng mở

ANTD.VN - Các Bộ trưởng Ngoại giao của các quốc gia thành viên hiệp hội ASEAN đã bắt đầu cuộc họp hẹp (AMM Retreat) trong 2 ngày tại Thái Lan để thảo luận về những vấn đề lớn liên quan tới tương lai của khu vực.

ASEAN bàn tương lai rộng mở ảnh 1Hội nghị AMM Retreat 2019 bàn về nhiều vấn đề hệ trọng liên quan tới tương lai của ASEAN

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 2019 (AMM Retreat 2019) trong 2 ngày 17 và 18-1 tại thành phố Chiang Mai của Thái Lan để thảo luận về chương trình hợp tác nội khối, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Với chủ đề ASEAN 2019 là “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững” mà Thái Lan trên cương vị chủ tịch đề ra.

AMM Retreat 2019 tập trung trao đổi về 5 vấn đề lớn liên quan đến an ninh và sự ổn định khu vực, bao gồm Sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương, cuộc khủng hoảng ở Rakhine của Myanmar, tình hình trên bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Tầm nhìn ASEAN năm 2040.

Vấn đề lớn nhất, đang thu hút sự quan tâm của không chỉ tất cả các quốc gia thành viên ASEAN là Sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương, một chiến lược mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố tại Hội nghị cấp cao APEC tháng 11-2017 với nội dung cốt lõi nhằm khẳng định sự ưu tiên cao của Washington với khu vực. Sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương được cho nhằm cạnh tranh với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc.

Sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương vì thế đã gây ra nhiều “khó xử” cho ASEAN khi kẹt giữa hai “ông lớn”. Sau hơn một năm nghiên cứu, ASEAN đã đưa ra được phiên bản của riêng mình, bao gồm những nguyên tắc cùng đặc điểm tương tự sáng kiến của Mỹ cũng như một số quốc gia khác như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, song rộng mở hơn, có sự tham gia của nhiều quốc gia liên quan và quan trọng nhất là giữ vai trò trung tâm của ASEAN. Tại AMM Retreat 2019, các Ngoại trưởng ASEAN cũng sẽ bàn thảo về việc giữ tên sáng kiến là “Ấn Độ - Thái Bình Dương” như đề xuất của Mỹ hoặc đặt tên khác.

“Tầm nhìn 2020” được lãnh đạo ASEAN đưa ra năm 1997 nhằm vạch ra những nguyên tắc, định hướng lớn cho sự hợp tác và phát triển của hiệp hội. “Tầm nhìn 2020” do vậy đã không còn phù hợp trong bối cảnh khu vực và thế giới biến đổi nhanh chóng trong những năm gần đây và Thái Lan, với cương vị chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, đã “đặt hàng” Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á có trụ sở tại Jakarta (Indonesia) phác thảo “Tầm nhìn ASEAN 2040”. Những kết quả nghiên cứu cùng khuyến nghị về Tầm nhìn định hướng cho sự phát triển và hợp tác của hiệp hội trong 20 năm tới này được đặt ra để các Ngoại trưởng ASEAN thảo luận với tiêu đề “Vững bước tương lai: Tạo chuyển biến trong cộng đồng ASEAN”.

Mọi hợp tác phát triển ở khu vực sẽ bị ảnh hưởng, chi phối rất nhiều nếu khu vực không giữ được hòa bình, an ninh và ổn định. Vì thế, vấn đề Biển Đông với những căng thẳng bởi tranh chấp chủ quyền nếu không được kiềm chế và xử lý bằng biện pháp đối thoại. AMM Retreat 2019 là nơi mà các Ngoại trưởng ASEAN thảo luận việc thúc đẩy nhằm sớm đi tới việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, trước hết là làm sao hoàn tất đàm phán COC trong năm 2019 nhiệm kỳ chủ tịch của Thái Lan.

Không phải là vấn đề bao trùm cả hiệp hội, song không phải vì thế mà có thể xem nhẹ vấn đề nhân đạo tại bang Rakhine của Myanmar. Chủ nhà Thái Lan hy vọng tại ASEAN Retreat 2019 sẽ đạt được thỏa thuận thiết lập được một nguồn quỹ đặc biệt để hỗ trợ Myanmar trong việc hồi hương và hỗ trợ nhân đạo cho 720.000 người Rohingya.

AMM Retreat 2019 là cuộc họp hẹp của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, song rõ ràng những gì mà hội nghị thảo luận là vấn đề hệ trọng với tương lai của hiệp hội.