Áp lực kép lên tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giới phân tích cho rằng tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông phải chịu áp lực kép cả về các biện pháp pháp lý cũng như những hành động mạnh mẽ hơn trên thực địa, nhất là sau khi Mỹ tuyên bố bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này.

Áp lực kép lên tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc ảnh 1Mỹ được cho sẽ gia tăng mạnh hơn các hoạt động tuần tra ở Biển Đông để gây áp lực với Trung Quốc sau tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này

UNCLOS là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp

Một trong những điểm then chốt quan trọng trong Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về lập trường chính thức của Washington trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là lấy Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) làm cơ sở pháp lý để bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển chiến lược này. Nói cách khác, Mỹ chính thức đồng quan điểm với các bên có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông là lấy UNCLOS 1982 - văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất, được xem là “bản hiến pháp về biển và đại dương” -  để soi chiếu, nhìn nhận và giải quyết các vấn để về chủ quyền.

Trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, Mỹ đã lần đầu tiên nêu rõ những vùng biển ở Biển Đông mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền là không có căn cứ pháp lý, là bất hợp pháp. Theo đó, Mỹ bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc, bao gồm yêu sách hàng hải như vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) đối với các vùng biển thuộc bãi Scarborough và quần đảo Trường Sa. Trong đó, khẳng định Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với đá Vành Khăn hay bãi Cỏ Mây, mà theo Mỹ là cả 2 nằm hoàn toàn trong quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines. Trung Quốc cũng không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải nào được tạo ra từ những cấu trúc này. 

Điều rất đáng chú ý thể hiện điểm mới trong lập trường của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông là Mỹ đã viện dẫn UNCLOS 1982 là căn cứ pháp lý để bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc. Theo đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu rõ, do Trung Quốc không thể đưa ra một yêu sách hàng hải hợp pháp, rõ ràng tại Biển Đông. Và Mỹ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc đưa ra yêu sách tại quần đảo Trường Sa. Mỹ cũng chiểu theo quy định của UNCLOS 1982 bác bỏ bất kỳ yêu sách hàng hải nào của Trung Quốc đối với các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), cụm bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố, bất cứ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối hoạt động đánh bắt cá hay phát triển dầu khí của các quốc gia khác trong những vùng biển này, hay đơn phương thực hiện các hành động đó đều là bất hợp pháp. 

Cũng căn cứ theo UNCLOS 1982,  trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định, Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với bãi ngầm James - một cấu trúc chìm hoàn toàn cách Malaysia chỉ 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.000 hải lý. Bởi theo Ngoại trưởng Mỹ, luật pháp quốc tế đã nêu rất rõ ràng là một cấu trúc dưới nước như bãi ngầm James (nằm cách mặt nước biển khoảng 20m) không thể được bất cứ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền và không thể tạo ra các vùng hàng hải. Mỹ khẳng định bãi ngầm James không phải và chưa bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc (theo yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc) và Bắc Kinh không thể khẳng định bất cứ quyền hàng hải hợp pháp nào từ đó. 

Áp lực pháp lý và quân sự với tham vọng của Trung Quốc

Việc Mỹ căn cứ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là “hiến pháp về biển và đại dương”, để bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ tạo áp lực pháp lý đối với Bắc Kinh. Điều này để ngỏ khả năng Mỹ sẽ mở mặt trận pháp lý để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” năm 2009 hay thuyết “Tứ Sa” năm 2013.

Trong cuộc họp báo diễn ra chỉ 2 ngày sau khi ra Tuyên bố bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 15-7 cho biết, Mỹ sẽ hỗ trợ các nước bị Trung Quốc vi phạm tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thông qua các phương tiện ngoại giao cũng như pháp lý. Người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi sẽ ủng hộ tất cả các quốc gia trên khắp thế giới cho rằng họ bị Trung Quốc vi phạm tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cũng như lãnh hải hợp pháp. Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ, dù là tại các cơ quan đa phương, tại ASEAN hay thông qua phản ứng pháp lý, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả công cụ có thể”. Ngoại trưởng Mike Pompeo một lần nữa khẳng định, thế giới sẽ không cho phép Trung Quốc coi Biển Đông là “đế chế hàng hải của riêng mình”. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, Washington sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong bảo vệ chủ quyền của họ và các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo luật quốc tế.

Trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo cam kết sát cánh với đồng minh và các đối tác ở Đông Nam Á trong vấn để Biển Đông, Mỹ triển khai hàng loạt hoạt động mạnh mẽ để phản ứng điều mà nước này cho là những hành vi dọa nạt các nước láng giềng, thúc đẩy yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển này. Giới chuyên gia cho rằng, sau tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ còn gia tăng sức ép để Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế thông qua việc tiến hành các cuộc tuần tra, chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, hàng không của tàu chiến, nhóm tác chiến tàu sân bay và máy bay.

Cùng với đó, Mỹ còn phối hợp với các đồng minh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và châu Âu để bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Mỹ được cho sẽ cùng một số nước đồng minh như Nhật Bản, Pháp, Anh, Australia… tiến hành thường xuyên hơn các hoạt động tuần tra hải quan bảo vệ tự do đi lại ở Biển Đông.

Có thông tin giới chức quân sự Anh đã lên kế hoạch triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông vào đầu năm 2021 để tham gia chiến dịch đối phó với một Trung Quốc ngày càng khiêu khích. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng cho biết, Ấn Độ đã bày tỏ mong muốn tiến hành các hoạt động hàng hải trên biển Đông, tương tự Mỹ, Anh và những quốc gia khác để duy trì cân bằng sức mạnh trong khu vực.