Anh và Liên minh châu Âu gấp rút đối phó với Brexit

ANTD.VN - Bất kể kết quả cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh thế nào thì việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ khiến hai bên thiệt hại nặng nề về kinh tế. Hạn chế tác động tiêu cực của Brexit là điều mà Anh và các nước thành viên EU đang gấp rút tìm cách.

Thỏa thuận “ly hôn”, Anh và EU đều phải tính đến phương án hạn chế tác động tiêu cực sẽ xảy ra

Theo con số thống kê, Anh và EU sẽ thiệt hại khoảng 58 tỷ bảng Anh (80,4 tỷ USD) do Brexit. Trước hết là với Anh, nước chủ động “ly hôn”.

Nhìn tổng thể cả nền kinh tế,  Bộ  trưởng Tài chính Anh Philip Hammond dự báo kinh tế Anh sẽ chỉ tăng trưởng 1,2% trong năm nay, giảm mạnh so với mức dự báo trước đó của Chính phủ vào tháng 10-2018 là 1,6%.

Phát biểu trên đài phát thanh BBC, Bộ trưởng Hammond nêu rõ: “Sẽ xảy ra tình trạng đổ vỡ rất đáng kể trong ngắn hạn và tác động rất lớn tới nền kinh tế của chúng ta trong trung hạn tới dài hạn”.

Đi vào cụ thể từng ngành, theo báo cáo của công ty tư vấn Oliver Wyman và công ty luật Clifford Chance, nếu đàm phán Brexit kết thúc mà  không  đạt được thỏa thuận mới về thương mại, các doanh nghiệp EU xuất khẩu sang Anh sẽ phải trả khoảng 31 tỷ bảng tiền thuế mỗi năm. Con số tương ứng với các nước EU là 27 tỷ bảng. 

Với ngành sản xuất quan trọng là xe hơi. Năm ngoái, hãng sản xuất ô tô Honda đã thông báo sẽ đóng cửa một nhà máy lớn tại Anh, đẩy 3.500 người đứng trước nguy cơ thất nghiệp và trở thành công ty Nhật Bản đầu tiên giảm quy mô hoạt động do tác động từ Brexit.

Các hãng điện tử khác của Nhật Bản như Sony, Panasonic và Hitachi cũng đều thông báo giảm quy mô hoạt động tại Anh trước nguy cơ Brexit. Còn với người dân thường nước Anh thì sao? Kết quả khảo sát do Hiệp hội bán lẻ Anh quốc (BRC) cùng Công ty Barclaycard tiến hành và công bố ngày 5-3 cho thấy người tiêu dùng Anh trong tháng 2 đã “thắt chặt” hầu bao, chú trọng vào mua thực phẩm, trong đó có thực phẩm dự trữ, hơn là mua các mặt hàng không  thiết  yếu.

Chính phủ Anh đã phải lập ra một khoản quỹ đặc biệt trị giá 26,6 tỷ bảng (35,2  tỷ USD) để ứng phó với những thiệt hại có thể xảy ra do Brexit. Cùng trong tâm trạng lo ngại như Anh, các nước EU cũng gấp rút lên kế hoạch đối phó. Do mối quan hệ kinh  tế gắn bó với Anh, Bỉ bị cho là nằm trong số các quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất từ tác động của Brexit. Ngân hàng Trung ương Bỉ ước tính, ở kịch bản tồi tệ nhất của Brexit, GDP của nước này sẽ bị sụt giảm 2,3%, tức mức thiệt hại ở vào khoảng 9,8 tỷ euro. 

Để giảm bớt tác động của Brexit, Chính phủ Bỉ đã phải cầu viện tới Quỹ hỗ trợ toàn cầu hóa của châu Âu để lập ra một quỹ khẩn cấp giúp đỡ những người bị mất việc làm khi một doanh nghiệp lớn đóng cửa hoặc chuyển công xưởng sang nơi khác. Với biện pháp đó, Bỉ hy vọng thiệt hại của Brexit sẽ giảm xuống còn khoảng 4,5 tỷ euro.

Với Cộng hòa Czech, nước có tới hơn 100 nghìn công dân đang sinh sống và làm việc tại Anh. Chính phủ Czech đã thông qua dự luật nhằm tạo điều kiện cho các công dân Anh đang sinh sống tại nước Đông Âu này được đảm bảo quyền lợi như là công dân EU trong giai đoạn chuyển giao từ 30-3-2019 đến 31-12-2020 theo như dự kiến. Đây là biện pháp nhằm thúc đẩy London cũng có biện pháp tương tự để bảo vệ quyền lợi của công dân Czech ở Anh.

Ngoài các biện pháp tự bảo vệ của Anh và các thành viên EU, các chuyên gia kinh tế khuyên rằng, để giảm nhẹ tác động của các rào cản thương mại hậu Brexit, hai bên có thể xây dựng một hiệp định thương mại mới tương tự với liên minh thuế quan của EU. Một hiệp định như vậy có thể sẽ giúp giảm thiệt hại hàng năm xuống còn 14 tỷ bảng cho các doanh nghiệp  EU và còn khoảng 17 tỷ bảng cho Anh.