Ánh sáng tự do của người mang án tử hình suốt 28 năm

ANTD.VN - Suốt 28 năm mang án tử hình, ông Anthony Ray Hinton (61 tuổi) đã được Tòa án Tối cao Mỹ tuyên trắng án. Trong cuốn sách “Mặt trời tỏa sáng: Tôi đã tìm được cuộc sống tự do từ án tử hình như thế nào”, người đàn ông này đã hé lộ những chi tiết đến khó tin quanh hành trình đấu tranh để chứng minh mình vô tội.

Cuốn sách “Mặt trời tỏa sáng” của Anthony Ray Hinton

Khẩu súng trong nhà liên quan đến 2 án mạng

Một ngày vào năm 1985 thế kỷ trước, Anthony Ray Hinton (29 tuổi) đang ở vườn sau của ngôi nhà tại vùng quê cách thành phố Birmingham, Alabama, Mỹ khoảng nửa giờ xe chạy thì cảnh sát đến hỏi về vụ án mạng liên quan đến người quản lý nhà hàng John Davidson. Trong nhà, bà Buhlar Hinton - mẹ Anthony Ray có 1 khẩu súng lục.

Cảnh sát lấy nó để khám nghiệm. Kết quả kiểm tra đạn đạo cho thấy, khẩu súng đó không chỉ giết hại ông Davidson mà còn từng được sử dụng trong 2 vụ nổ súng khác khiến 1 người khác thiệt mạng. Anthony Ray Hinton bị buộc tội 2 tội danh giết người. 

Không có dấu vân tay hay bằng chứng cho thấy các vụ nổ súng tại nhà hàng liên quan đến nhau, nhưng một nhân viên cảnh sát đi đến kết luận đáng kinh ngạc rằng cả 3 vụ việc đều do người thanh niên da màu này gây ra. Một điều tra viên khác liên quan đến vụ án, Doug Acker 3 năm trước đã phải ra tòa vì cáo buộc dùng dùi cui điện bức cung nhưng sau đó được bồi thẩm đoàn tha bổng.

Ông Anthony Ray Hinton kể rằng, chính Acker nói với ông ký vào một tờ giấy trắng chỉ để xác nhận rằng ông đã được đọc về tất cả quyền mà mình có. “Tôi không phải là một kẻ ngốc. Không đời nào tôi lại ký vào một tờ giấy trắng”, Anthony Ray Hinton viết trong cuốn sách của ông.   

Trong thời gian ông Hinton chờ thi hành án tử hình, 54 tử tù khác đã được thi hành án và gần như lần nào họ cũng đi qua buồng giam của ông vì buồng này ngay sát phòng đặt ghế điện. Nhưng suốt những năm ròng ấy, ông vẫn nỗ lực kêu oan là nhờ niềm tin không bao giờ cạn của người mẹ và sự hỗ trợ của một người bạn thời thơ ấu - Lester Bailey - người cứ thu xếp được thời gian là lại đến thăm và động viên Hinton.

Anthony Ray Hinton được gia đình chào đón sau khi được minh oan và ra khỏi nhà tù hạt Jefferson ở Birmingham, bang Alabama, Mỹ

Theo Hinton, các tử tù ở đây chủ yếu là người Mỹ gốc Phi. Ông chỉ biết một tử tù da trắng duy nhất là Henry Hays, một thành viên của băng đảng KKK đã đánh chết thanh niên da màu Michael Donald (19 tuổi) năm 1981. Hinton nhận thấy, sau thời gian ở trong tù, Henry Hays đã thay đổi hẳn và anh ta chỉ là một nạn nhân bị đầu độc bởi tư tưởng hận thù của cha mình, ông Bennie Hays - một thủ lĩnh của KKK ở Alabama. Henry Hays đã bị thi hành án năm 1997.  

Nỗi ám ảnh dù được tự do 

Anthony Ray Hinton quả thực là một người không may mắn bởi ông không có tiền để thuê luật sư giỏi và luật sư biện hộ cho ông có vẻ như không đủ năng lực nên cứ bị xử thua hết lần này đến lần khác. Ánh sáng cuối đường hầm cứu rỗi cuộc đời Hinton xuất hiện khoảng 10 năm trước. Hồ sơ vụ án của ông Anthony Ray Hinton đã được đưa tới Tổ chức Sáng kiến Tư pháp bình đẳng ở Montgomery, Alabama, Mỹ. Tổ chức này do luật sư Bryan Stevenson thành lập, từng lật lại nhiều vụ án oan sai, đấu tranh chống lại án tử hình hay tù chung thân không được ân xá đối với tội phạm dưới 18 tuổi.

Ông Bryan Stevenson đã tiến hành các thử nghiệm đạn đạo mới do 3 chuyên gia thực hiện, trong đó có cựu Giám đốc bộ phận kiểm tra vũ khí của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Kết quả kiểm tra kết luận, các viên đạn thu được tại hiện trường không phải từ một khẩu súng và cũng không khớp nhau. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ để lật lại cáo buộc đối với ông Anthony Ray Hinton.   

Anthony Ray Hinton được Cảnh sát trưởng hạt Jefferson dẫn giải trong vụ án giết người năm 1986 tại Birmingham, Alabama

Tòa án ở Alabama không thể phủ nhận độ tin cậy của kết quả kiểm tra, tuy vậy Thẩm phẩn ở tòa phúc thẩm phải mất 2 năm rưỡi mới ra được phán quyết công nhận bằng chứng này. Bang Alabama từ chối bồi thường cho ông Hinton vì ông đã không chứng minh được mình vô tội.

Đến nay, ông Hinton vẫn ám ảnh về tai ương bất ngờ. Hiện giờ mỗi lần ra đường hay đến các cửa hàng tiện lợi, ông lại cố nán lại trước các camera giám sát cũng như một ngày phải gọi điện cho ai đó vài lần.

“Điện thoại có thể ghi lại thời gian và địa điểm. Vì thế, nếu bị buộc tội bất cứ điều gì một lần nữa, tôi có thể nói với nhà chức trách hãy kiểm tra điện thoại của tôi, vì đó là bằng chứng chứng minh tôi vô tội”, ông Anthony Ray Hinton nói.