Ấn tượng, ám ảnh với bức ảnh người tị nạn đưa con qua hàng rào thép gai

ANTĐ - Bức ảnh đen trắng, chụp một người tị nạn đang cố chuyền đứa con mình qua hàng rào dây thép gai của nhiếp ảnh gia tự do người Australia Warren Richardso đã giành giải thưởng danh giá World Press Photo 2016 (Ảnh báo chí thế giới 2016).

Ấn tượng, ám ảnh với bức ảnh người tị nạn đưa con qua hàng rào thép gai  ảnh 1

Bức ảnh có tên gọi "Hope for a New Life" (Hy vọng vào cuộc sống mới) của nhiếp ảnh gia tự do người Australia Warren Richardso đã giành giải thưởng danh giá 'Ảnh của năm' của cuộc thi World Press Photo 2016 (Ảnh báo chí thế giới 2016).

Bức ảnh với chất liệu đen trắng, không sử dụng ánh sáng nhân tạo đã mang lại cảm xúc mạnh với người xem. Đôi mắt của người đàn ông nhìn qua hàng rào dây thép gai như ám ảnh người xem, bao hi vọng, tương lai đang nằm trên tay anh và "nó" được cẩn thận chuyển sang bên kia hàng rào, nơi một cuộc sống có thể tốt hơn nhiều đang chờ đón. Người đàn ông này đại biểu cho cả triệu số phận con người đang có cuộc sống chông chênh, phải chạy trốn chiến tranh, và sự tàn phá khủng khiếp của nó. Bức ảnh đã phán ánh ấn tượng được cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II mà châu Âu đang phải đối mặt.
Bức ảnh được chụp vào ban đêm tại biên giới Serbia-Hungary, nơi hơn một triệu người di cư đi qua trong năm 2015 để tìm đường đến các nước châu Âu gi​àu có - hơn một nửa trong số đó là người dân Syria chạy trốn chiến tranh tại quê hương. Bức ảnh còn đặc biệt ấn tượng khi những nhân vật trong ảnh dường như không thấy nhiếp ảnh gia. Sự có mặt của nhiếp ảnh gia không phá vỡ hiện thực của bức ảnh. Đó là một trong những tiêu chí đặc biệt quan trọng của nhiếp ảnh: tôn trọng hiện thực đến cùng. Theo chia sẻ với Ban Tổ chức World Press Photo 2016, để chụp được bức ảnh này, nhiếp ảnh gia tự do Richardson đã phải cùng ăn ở trong trại tị nạn với những người di cư suốt 5 ngày.

Trưởng ban giám khảo World Press Photo, Giám đốc Ban Ảnh của Hãng thông tấn Pháp (AFP) Francis Kohn chia sẻ trên trang web của World Press Photo 2016 rằng, bức ảnh của Richardson có sức mạnh đối với người xem nhờ tính giản dị, song lại có ý nghĩa biểu tượng cao của những hàng rào dây thép gai ngăn chia các biên giới.
Câu chuyện về số phận đứa bé sẽ ra sao, người đàn ông này sẽ thế nào như một câu hỏi ám ảnh người xem. Bức ảnh không chỉ phản ánh một thực trạng mà còn đặt một câu hỏi với cả xã hội loại người, làm sao để chấm dứt chiến tranh, làm sao để những con người tìm thấy hi vọng và tương lai trên chính quê hương của mình...