An ninh khí đốt châu Âu: Run rẩy vì phụ thuộc vào Nga và Mỹ

ANTD.VN - Trong bối cảnh gặp rắc rối khi giải quyết vấn đề "Dòng chảy phương Bắc 2" của Nga đối với các nước châu Âu, Thủ tướng A. Merkel cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng mạnh nhu cầu khí đốt tự nhiên trong thời gian tới, đặt ra một số vấn đề đối với khu vực này.

Phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt

Vấn đề an ninh khí đốt thường xuyên nằm trong các chương trình nghị sự chính trị của Liên minh châu Âu (EU). Những dự án đường ống khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thu hút được sự chú ý của giới chuyên gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt trước bối cảnh: nhu cầu nhập khẩu năng lượng của EU ngày càng tăng; sản xuất khí đốt của khu vực đang giảm dần; một số thay đổi trong việc tiêu thụ khí đốt thời gian tới khi các nhà máy than và hạt nhân ở châu Âu ngừng hoạt động. 

Theo ước tính, EU cần đáp ứng thêm khoảng 1/3 lượng tiêu thụ khí đốt hiện tại vào năm 2025, phần lớn sẽ từ “nhà cung cấp” Nga và Mỹ. Về lâu dài, 3 vấn đề có thể tác động đối với an ninh khí đốt của EU, đó là: (1) lưu thông khí đốt trong chính EU; (2) sự thay đổi nhu cầu, nguồn cung khí đốt trong tương lai; (3) cơ sở hạ tầng khí đốt trong hệ thống năng lượng khử cacbon ở châu Âu.

Theo giới phân tích, sự phụ thuộc nhập khẩu khí đốt của EU (chủ yếu là Nga và Mỹ) là một phần của chương trình an ninh khu vực. Bất chấp sự gia tăng trừng phạt từ Mỹ/phương Tây, Nga vẫn nắm quyền chi phối thị trường khí đốt châu Âu và bắt đầu cạnh tranh nguồn cung LNG từ Mỹ:

(1) Về sản lượng: Bộ Năng lượng Nga cho biết, trong năm 2018, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Gazprom đã xuất khẩu sang thị trường EU khoảng 201 tỷ mét khối khí, hơn 6,6 tỷ mét khối so với năm 2017 và đạt kỷ lục trong 3 năm liên tiếp (từ năm 2016). Theo dự báo của cơ quan phân tích HIS và Wood Mackenzie, năm 2019, Gazprom sẽ xuất khẩu sang thị trường EU ít nhất 200 tỷ mét khối khí đốt, đến năm 2030, thị phần khí đốt của Gazprom trong EU có thể tăng lên 35-38% và năm 2035 tăng lên 38-41%.

(2) Về các dự án đường ống khí đốt, LNG của Nga tới EU.

 Thứ nhất, Nga triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), gồm 02 đường ống với tổng chiều dài 1.200 km, công suất khoảng 55 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên qua biển Baltic và một số nước châu Âu (Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch) tới Đức, dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2019, qua đó rút ngắn đường cung cấp khí đốt từ Nga tới Đức xuống 2.000 km và giảm chi phí 1,5 lần so với trung chuyển qua Ucraina.

Dự án Yamal LNG của Nga

Thứ hai, thúc đẩy dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turk Stream) giai đoạn 2 để xuất khẩu khí đốt từ Nga qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Nam Âu, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2020, góp phần mở rộng hệ thống phân phối khí đốt của Nga tới EU.

Thứ ba, khai trương dự án Yamal LNG, gồm 3 dây chuyền với tổng công suất 16,5 triệu tấn/năm.

Thứ tư, Tập đoàn Novatek (Nga) dự kiến triển khai Dòng chảy Bắc Cực 2 (Artic LNG 2), cách Yamal LNG 30 km, liên doanh với Tập đoàn dầu khí quốc gia Total (Pháp) chiếm 10% cổ phần.

Nhờ những đột phá về công nghệ khai thác năng lượng mới (đặc biệt là từ đá phiến và băng cháy), Mỹ gần đây đã đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt tới thị trường EU, đe dọa vị trí số 1 của Nga.

Năm 2018, Mỹ đã xuất khẩu gần 0,6 tỷ mét khối LNG/tháng sang các nước EU, chiếm khoảng 24% sản lượng LNG của Mỹ và dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2022. 

Mỹ xây dựng có sở hạ tầng, hậu cần tại cảng biển Swinoujscie (Ba Lan), thuộc biển Baltics với khoản đầu tư 1 tỷ USD, cho phép Ba Lan nhập khẩu tới 7,5 tỷ mét khối LNG; ký hợp đồng xuất khẩu LNG đầu tiên với Litva thông qua Công ty nhà nước Lietuvos Dujos và đối tác Cheniere Energy có trụ sở tại Texas; phối hợp với các đồng minh thiết lập các nhà máy LNG trên khắp châu Âu, đồng thời thay đổi phương thức vận chuyển LNG bằng các tàu biển chuyên dụng giúp thuận tiện tiếp cận thị trường EU.

Bên cạnh đó, để kìm hãm sự ảnh hưởng của Nga đối với thị trường khí đốt EU, Mỹ tiếp tục lôi kéo các nước Đông Âu phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga; trừng phạt các công ty có hợp tác kinh doanh với Gazprom - nhà thầu chính của dự án; đồng thời gia tăng sức ép buộc các nước EU, đặc biệt là Đức, giảm hợp tác năng lượng với Nga.

Bồn chứa khí hóa lỏng của Mỹ (Nguồn: Reuters)

Tháng 12-2018, được sự hậu thuẫn của Mỹ, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua Nghị quyết phản đối dự án với lý do đe dọa đến an ninh năng lượng châu Âu. Trước đó, Mỹ thực hiện các biện pháp trừng phạt hướng đến các Công ty, Tập đoàn châu Âu liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2 như: Tập đoàn năng lượng Anh-Hà Lan (Royal Dutch Shell), Công ty dầu khí Wintershall và Uniper (Đức), Công ty năng lượng OMV (Áo) và Tập đoàn đa quốc gia Engie SA (Pháp).

Tuy nhiên, Nga được dự đoán sẽ chiếm khoảng 1/3 nhu cầu cung cấp khí đốt của EU đến năm 2040 và có nền tảng tốt để duy trì và củng cố vị trí thống trị tại thị trường này. Từ đó, đặt cho EU sự thách thức về đảm bảo an ninh khí đốt giữa hai nhà cung cấp lớn Nga và Mỹ.  

Hướng tới một "liên minh năng lượng"

Châu Âu đang hướng tới một “Liên minh năng lượng” (lưu thông khí đốt qua biên giới các nước trong EU). Đây chính là chiến lược được Ủy ban châu Âu thông qua năm 2017 nhằm hạ giá thành khí đốt, đẩy mạnh kết nối giữa các khu vực, hướng tới một nền kinh tế ít carbon, tăng cường khả năng tiết kiệm năng lượng và chống lại “chính sách độc quyền” của Nga về nguồn cung khí đốt cho khu vực. 

Buổi thảo luận về an ninh năng lượng châu Âu (Nguồn: Energy Post)

Theo đánh giá, một mạng lưới năng lượng châu Âu hợp nhất giúp người tiêu dùng nội khối có thể tiết kiệm được 40 tỷ Euro mỗi năm. Đánh giá về vấn đề này, giới quan sát EU cho biết, thị trường năng lượng nội bộ EU đang hoạt động khá tốt, khoảng 75% khí đốt được tiêu thụ, có thể chuyển hướng linh hoạt qua biên giới của các nước có nhu cầu tăng “đột biến” hoặc bị thiếu hụt, tuy nhiên vẫn tồn tại hạn chế tại một số nước ở Trung và Đông Nam Âu.

Việc thực hiện “Dự án lợi ích chung” (PCI) của EU và chuyển đổi các đề xuất về thị trường khí đốt nội khối có thể giúp tháo gỡ các “nút thắt” năng lượng, từ đó giúp tăng cường an ninh và đa dạng nguồn cung khí đốt từ bên ngoài. 

Hiện nay, EU có thể nhập khẩu LNG từ Nga, Mỹ và các dự án đường ống mới như “Hành lang khí đốt phía Nam”, qua đó gia tăng các lựa chọn nguồn cung; thúc đẩy khả năng phục hồi trước các “cú sốc” trên thị trường khí đốt.

Tuy nhiên, điều này vẫn gặp phải khó khăn nhất định nếu đầu tư cơ sở hạ tầng khí đốt xuyên biên giới bị “đóng băng” hoặc gặp phải “rắc rối” trong hợp đồng giữa các nước. Do đó, các quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng đòi hỏi phải cần phân tích rõ về lợi ích, chi phí thực hiện, đặc biệt khi cuộc tranh luận về tốc độ khử cacbon ở châu Âu đang căng thẳng.

Yếu tố thứ hai ảnh hưởng tới an ninh khí đốt dài hạn của châu Âu là vấn đề nhu cầu tiêu thụ của khu vực. Theo các chuyên gia, EU tiêu thụ khí đốt vào mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau) gấp gần 2 lần so với mức tiêu thụ vào mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 9 cùng năm). 

Trong kịch bản chính sách mới của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), để đạt được các mục tiêu tham vọng của EU, mỗi quốc gia thành viên cần đầu tư thêm ít nhất 2% GDP vào xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ ngành khí đốt mỗi năm, bắt đầu từ năm 2021. Cuộc tranh luận về an ninh khí đốt của EU có xu hướng tập trung vào các yếu tố bên ngoài (chủ yếu là nguồn cung), nhưng trọng tâm thực sự phải là vai trò của cơ sở hạ tầng trong hệ thống năng lượng của châu Âu và khả năng cung cấp khí đốt của chúng.

Từ cuối năm 2019, hành lang vận chuyển khí đốt Nord Stream-2 sẽ vận chuyển khoảng 55 tỷ mét khối khí tự nhiên của Nga mỗi năm qua biển Baltic tới Đức (Nguồn: Sputnik)

Để hoàn thành mục tiêu, cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên của EU phải phát triển mạnh hơn để thực hiện các chức năng bổ sung ngoài vai trò truyền thống “vận chuyển khí hóa thạch”. An ninh khí đốt trong tương lai sẽ ngày càng phụ thuộc vào tính linh hoạt và các yếu tố bên ngoài như khí thải carbon, ô nhiễm không khí hoặc sử dụng đất. Cơ sở hạ tầng khí đốt của châu Âu sẽ cần phải thích ứng với nhu cầu phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Mặc dù EU rất muốn giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga từ sau cuộc khủng hoảng ở Ucraina năm 2014; triển khai nhiều bước đi để “cai” khí đốt của Nga và sự nỗ lực của các nhà sản xuất Mỹ tăng cường khí đốt đến EU, tuy nhiên, EU có thể vẫn sẽ phụ thuộc vào khí đốt Nga trong nhiều thập niên tới.