Ấn Độ tính xây căn cứ ở Seychelles ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc

ANTD.VN - Đảo quốc Seychelles không mang tính địa - chính trị chiến lược nhưng đang nổi lên như một nhân tố chủ chốt đối với Ấn Độ trong nỗ lực chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Cuối tháng trước, Ấn Độ và Seychelles ký một thỏa thuận sửa đổi, trong đó Ấn Độ được cấp phép xây dựng một cơ sở quân sự trên đảo Assumption của Seychelles, cách lục địa Đông Phi khoảng 1.650km về phía Đông. Thỏa thuận đạt được sau nhiều năm đàm phán ngoại giao này sẽ giúp Ấn Độ có được một cứ điểm quan trọng tại nơi đang nhanh chóng trở thành một khu vực chiến lược.

Ấn Độ tính xây căn cứ ở Seychelles ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc ảnh 1Tàu khu trục INS Ranvir của Hải quân Ấn Độ trong một cuộc tập trận ở vịnh Bengal hôm 18-4-2017

Cạnh tranh ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương

Vào năm 2016, khoảng 40 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm gần một nửa tổng cung dầu trên thế giới được vận chuyển qua Ấn Độ Dương nối eo biển Hormuz, Malacca với Bab el-Mandeb. Ấn Độ có đường bờ biển dài hơn 7.500km và nằm ở trung tâm Ấn Độ Dương nên ngành thương mại Ấn Độ phụ thuộc vào việc mở rộng và tiếp cận những tuyến hàng hải này. 

Việc Ấn Độ nỗ lực để bảo đảm an toàn hơn trong tiếp cận khu vực này tương tự như một chiến lược mà Trung Quốc đã triển khai. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, sự hiện diện của hải quân Trung Quốc đã gia tăng đáng kể và ngày càng vươn xa tới các khu vực mà trước đây chưa từng được nước này “ngó ngàng”. Điển hình là vào tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã thành lập căn cứ quân sự đầu tiên tại nước ngoài ở Djibouti, gần eo biển Bab el-Mandeb, nằm trong số những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới và là 1 trong 3 động mạch quan trọng của Ấn Độ Dương.

Vài tháng sau, Trung Quốc tiếp tục có động thái gây tranh cãi khi có được quyền xây cảng Hambantota ở Sri Lanka, cách tuyến đường biển qua Ấn Độ Dương khoảng 22km. Phát biểu với CNN, Malcolm Davis, một nhà phân tích cao cấp của Viện Chính sách Chiến lược tại Sydney, Australia đánh giá, thỏa thuận về Hambantota, trong đó Sri Lanka cho phép Trung Quốc thuê cảng 99 năm để thu xếp món nợ hàng tỷ USD là một phần “quyết tâm chiến lược của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng trên Ấn Độ Dương”. “Cảng đó không chỉ tạo cho Trung Quốc một cứ điểm tiếp cận chiến lược trong phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ mà còn giúp Bắc Kinh có được một vị trí thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa vào Ấn Độ, do đó cùng lúc nó nhắm trúng nhiều mục tiêu”, ông Malcokm Davis nói. 

Hồi đầu tháng này, Trung Quốc đã có một bước đi bất thường khi phủ nhận những cáo buộc rằng họ “lấy đất” tại một cảng biển quan trọng của Maldives, cũng ở Ấn Độ Dương. Giống như Sri Lanka, Maldives từ lâu đã được coi là đồng minh thân cận của Ấn Độ, nhưng trong những năm gần đây, Tổng thống Abdulla Yameen của Maldives đã gần gũi hơn với Trung Quốc, mời gọi đầu tư từ sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh.

Điều này, ở khía cạnh nào đó, đã gây ra lo ngại, ngay như lãnh đạo phe đối lập Mohamed Nasheed đã tuyên bố công khai rằng Trung Quốc đang “mua Maldives” dưới quyền cai trị của ông Yameen. Phát biểu với các phóng viên hồi tháng trước, ông Nasheed tuyên bố 80% số nợ nước ngoài của Maldives là nợ Trung Quốc, làm gia tăng viễn cảnh rằng quốc gia này, cũng giống như Sri Lanka có thể sẽ buộc phải bàn giao cơ sở hạ tầng để trả nợ.

Ấn Độ với đường lối ngoại giao “nhạy cảm, mềm mỏng”

Mặc dù Trung Quốc phủ nhận cáo buộc đó, Ấn Độ không khỏi lo ngại về thế bị Trung Quốc vây hãm, vì thế họ đang đẩy mạnh các liên minh khu vực. Phát biểu với CNN, ông Gurpreet Khurana, Giám đốc điều hành của Quỹ biển quốc gia Ấn Độ, cho biết hợp đồng mới với Seychelles là một phần trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nước này. “Ấn Độ có khu vực ưu tiên hàng đầu ở phía Bắc Ấn Độ Dương và thứ hai là khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chúng tôi có những mối quan tâm cần phải bảo vệ. Với việc Trung Quốc ngày càng tiến vào Ấn Độ Dương, lợi ích chiến lược của chúng tôi cũng cần phải mở rộng và đây là cách duy nhất Ấn Độ có thể tự bảo vệ mình”, ông Kurana nói.

Mặc dù các chi tiết cụ thể trong thỏa thuận mà Ấn Độ và  Seychelles mới ký kết vẫn chưa được công bố, bài báo trong tạp chí quốc phòng IHS Janes cho biết, thỏa thuận bao gồm cả điều khoản cho căn cứ hải quân và đường băng. Thỏa thuận trước đó, được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đề xuất vào năm 2015 đã không đạt được về điều khoản liên quan đến đường băng, do lo ngại về chủ quyền và chi phí. Lần này, có vẻ như các trở ngại đã được giải quyết bằng sự nỗ lực của cả hai bên. 

“Ấn Độ và Seychelles đã đưa ra một chương trình hợp tác từ chống cướp biển, tăng cường giám sát và theo dõi vùng đặc quyền kinh tế để ngăn chặn hành vi xâm nhập và vi phạm pháp luật như đánh bắt trái phép, buôn bán ma túy và buôn bán người”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo. Thỏa thuận mới sẽ có giá trị trong khoảng 20 năm và còn có điều khoản cho phép chính quyền Seychelles đình chỉ hoạt động cơ sở của Ấn Độ trong trường hợp gây bất lợi cho lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, đầu tháng 2-2018, một nhóm 50 người đã tuần hành phản đối thỏa thuận này vì cho rằng thiếu minh bạch và thiếu quan tâm đến môi trường. Ông Ralph Volcere, người đứng đầu nhóm biểu tình nói với Cơ quan Thông tấn xã Seychelles rằng đảo quốc này không nên tham gia vào “các xung đột của siêu cường”. “Chúng ta cần phải giữ bình đẳng, thân thiện với tất cả mọi người, không là kẻ thù của ai cả”, ông Ralph Volcere nói.