Ấn Độ giáng thêm một đòn vào tiền ảo

ANTD.VN - Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley nhấn mạnh tiền ảo không phải là tiền tệ hợp pháp và Chính phủ đã có kế hoạch ngăn chặn việc sử dụng đồng tiền này như một phương thức thanh toán. 

Bảng điện tử phát hình ảnh Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley công bố dự toán ngân sách thường niên trên nền hoạt động giao dịch của đồng tiền điện tử ở Mumbai ngày 1-2

Quyết định của Chính phủ Ấn Độ sẽ là đòn tiếp theo giáng vào giá trị của đồng Bitcoin sau khi nhiều nước không thừa nhận hoặc cảnh báo về nguy cơ rủi ro của đồng tiền ảo này.

Cũng như Ấn Độ, nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng các biện pháp ngăn chặn hoạt động liên quan đến tiền ảo vốn tăng giá đột biến trong năm qua. Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Tư pháp Park Sang-ki cho biết Chính phủ nước này đang chuẩn bị một dự luật cấm giao dịch tiền ảo trên các sàn giao dịch.

Cảnh sát và lực lượng thuế quan Hàn Quốc đã tiến hành chiến dịch thanh tra các sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất tại nước này như Coinone hay Bithumb với cáo buộc trốn thuế. Trước đó, giới chức tài chính Hàn Quốc cho biết đang kiểm tra 6 ngân hàng nội địa lập các tài khoản tiền ảo cho các thể chế trong bối cảnh có những quan ngại về việc sử dụng loại tiền này làm gia tăng tội phạm. 

Tại Trung Quốc, Cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các nguy cơ tài chính trực thuộc Quốc vụ viện đã yêu cầu tất cả các cơ quan quản lý ở cấp địa phương đóng cửa các sàn giao dịch chuyên mua bán các loại tiền tệ kỹ thuật số có liên quan tới đồng Nhân dân tệ. Lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng tới 3 hệ thống tiền ảo lớn ở Trung Quốc gồm OKCoin, Huobi và BTC China. Quyết định nói trên đồng nghĩa với việc các hệ thống tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi giữa các loại tiền ảo và đồng tiền pháp định sẽ không được phép hoạt động tại Trung Quốc. 

Ngay cả đối với Mỹ, quốc gia cho phép giao dịch tiền ảo, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cũng bày tỏ lo ngại về những rủi ro mà các đồng tiền như Bitcoin có thể gây ra, trong đó quan ngại nhất là chúng có thể bị sử dụng cho các mục đích phi pháp như rửa tiền hoặc tài trợ cho các hoạt động bất hợp pháp và người tiêu dùng có thể bị phương hại từ việc đầu tư tích trữ đồng tiền ảo này.  Ông cho biết Mỹ sẽ hợp tác với các nước thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhằm đảm bảo rằng các tài khoản đồng tiền kỹ thuật số này “không nằm trong tài khoản của ngân hàng Thụy Sĩ”.  

Bitcoin hiện đang khiến cả thế giới lên cơn sốt vì sự tự do và linh hoạt của nó. Đây là loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở. Đồng tiền này được một hoặc một nhóm nhà phát triển bí ẩn mang biệt hiệu Satoshi Nakamoto giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2009. Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần một tổ chức tài chính trung gian nào.

Giá trị của Bitcoin được xác định bằng việc người ta muốn mua và bán nó ở mức nào. Với những đặc tính như ẩn danh, giao dịch không mất phí, Bitcoin ngày càng được chấp nhận rộng rãi và có thể được dùng trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc trao đổi các loại tiền tệ khác, với điều kiện bên còn lại sẵn sàng chấp nhận giao dịch. 

Tuy nhiên, quy trình vận hành như vậy cùng với việc thiếu những quy định rõ ràng đã khiến cho Bitcoin trở thành miếng mồi béo bở đối với những kẻ buôn lậu và nhiều loại tội phạm khác. Theo các chuyên gia, “cơn sốt” Bitcoin cũng làm dấy lên mối lo ngại về một “quả bóng tài chính mới”.

Trong 3 năm qua, giá Bitcoin đã tăng 3.300% và có thể còn tăng nữa. Cơ quan giám sát tài chính ngân hàng nhiều nước liên tục báo động trước nguy cơ “thả mồi bắt bóng” và các nhà đầu tư lao vào cái gọi là “hiểm họa tài chính đẫm máu nhất của thế kỷ 21”. Nhưng thực chất, không một ngân hàng nào trên thế giới lo ngại Bitcoin mất giá làm khuynh đảo hệ thống tài chính toàn cầu bởi hiện nay, khối lượng Bitcoin “lưu hành” còn dưới ngưỡng 350 tỷ USD, quá ít so với 80.000 tỷ USD trong thanh khoản toàn thế giới. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là người ta nắm giữ Bitcoin hay tất cả những loại tiền tệ mật mã hóa khác để làm gì?