Ấn Độ: Ám ảnh những cao tốc "tử thần"

ANTĐ - Trong một thập kỷ qua, Ấn Độ đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng bằng việc xây dựng những đường cao tốc mới trên khắp các vùng nông thôn. Do luật quản lý phương tiện cơ giới lạc hậu và thực thi kém hiệu quả… Ấn Độ chỉ chiếm 1% tổng lượng xe trên toàn cầu nhưng lại chiếm tới 15% số người chết vì tai nạn giao thông.

Ấn Độ: Ám ảnh những cao tốc "tử thần" ảnh 1Mỗi năm Ấn Độ xảy ra 200 nghìn ca tử vong do tai nạn giao thông

”Cỗ máy giết người khổng lồ”

Chính thức thông xe vào năm 2001, con đường cao tốc bờ biển miền Đông (ECR) Ấn Độ đã đảm bảo giao thông thông suốt, là hệ thống đường hiện đại dẫn đến các khu nghỉ mát ven biển. Con đường cao tốc dài 685km này là một minh chứng rõ ràng giải thích tại sao Ấn Độ chỉ chiếm 1% tổng lượng xe trên toàn cầu nhưng lại chiếm tới 15% số người chết vì tai nạn giao thông, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Năm 2013, có 174 vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường ECR khiến 24 người chết. Trong một thập kỷ qua, số người đàn ông sống ở các ngôi làng ven đường cao tốc bị tử vong do những chiếc xe tốc độ cao  đâm vào hoặc  bởi những lái xe say rượu nhiều đến mức khiến những ngôi làng này giờ bị gọi là nơi cư trú của “góa phụ đường cao tốc”.

Ấn Độ có tỷ lệ đường giao thông nguy hiểm cao nhất thế giới, mỗi năm xảy ra 200 nghìn ca tử vong do tai nạn giao thông, theo Tổ chức Y tế thế giới. Tòa án tối cao Ấn Độ gọi hệ thống đường giao thông ở đất nước này là “cỗ máy giết người khổng lồ”.

Vi phạm nghiêm trọng nhưng không thể phạt nặng!

Năm ngoái, Chính phủ Ấn Độ tiến hành cải tổ những quy định về an toàn giao thông đường bộ, thêm vào đó mức tiền phạt 4.600 USD và 7 năm tù đối với các trường hợp lái xe bất cẩn, gây ra cái chết cho một trẻ em. Tuy nhiên, Hiệp hội Xe tải dọa sẽ đình công; các công ty sản xuất xe hơi phản đối quy định thu hồi xe liên quan đến vấn đề an toàn kỹ thuật, bất chấp việc một loạt xe bán chạy nhất Ấn Độ không qua được thử nghiệm  theo tiêu chuẩn toàn cầu vào năm 2014. Naveen Gupta, Tổng Thư kí Hiệp hội Giao thông Vận tải Ấn Độ nói: “Nếu áp dụng mức phạt quá cao, tình trạng người vi phạm hối lộ cảnh sát sẽ xảy ra và như thế kéo theo tham nhũng”.

Kết quả là chỉ 2 tháng sau, cơ quan chức năng chỉnh sửa lại các quy định này, giảm nhẹ một số hình phạt, chẳng hạn: mức phạt dành cho lái xe bất cẩn khiến 1 trẻ em tử vong chỉ còn bị phạt 780 USD và ngồi tù 1 năm. Và cho rằng Ấn Độ không thể bắt chước các nước phát triển, “chúng ta không thể áp dụng 100% luật giao thông Mỹ, Anh hay Canada trong điều kiện của Ấn Độ. Chúng ta phải nhìn vào điều kiện thực tế của đất nước mình: mật độ dân số, tình trạng ùn tắc giao thông, chất lượng đường, kinh tế - xã hội của người dân. Tôi không muốn áp dụng những hình phạt quá nghiêm khắc, bởi vì có thể sẽ làm tồi tệ thêm đời sống của người nghèo” - ông Nitin Gadkari, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ấn Độ nói.

Nhưng rõ ràng đời sống của người dân Ấn Độ ngày càng sung túc hơn, việc sở hữu một chiếc xe hơi không quá khó. Tuy nhiên, những thói quen xấu khi lái xe (như: chạy quá tốc độ, lái xe ẩu, cầm lái khi đang say rượu, vi phạm làn đường…) vẫn diễn ra phổ biến, và 25% giấy phép lái xe ở Ấn Độ là “mua”. Trong khi đó, các cơ quan chức năng ít đầu tư vào việc đào tạo lái xe, dịch vụ phản ứng khẩn cấp và chăm sóc chấn thương, nhiều con đường mới không có dải phân cách hoặc gương phản xạ.

Sumati Ravichandran, 35 tuổi, một góa phụ ở làng Vada Nemmeli cho biết chồng chị bị tai nạn và nằm trên đường hơn một tiếng đồng hồ mà không nhận được bất cứ sự cứu giúp nào. Các chuyên gia y tế cho biết, một nửa số nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông đường bộ lẽ ra có thể được cứu sống nếu được đưa tới bệnh viện trong vòng 1 giờ sau khi xảy ra tai nạn. Chỉ vì ngại phải tham gia những phiên tòa dài lê thê, sợ bị cảnh sát sách nhiễu, mà đa số người dân ngại ngần khi quyết định giúp các nạn nhân bị tai nạn giao thông.