Ai nhân nhượng ai?

(ANTĐ) - Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã tái khởi động cuộc đàm phán gay go nhằm mở ra một chương mới trong quan hệ. Nhưng việc khép lại bảng danh sách dài các bất đồng xem ra thật quá khó.

Ai nhân nhượng ai?

(ANTĐ) - Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã tái khởi động cuộc đàm phán gay go nhằm mở ra một chương mới trong quan hệ. Nhưng việc khép lại bảng danh sách dài các bất đồng xem ra thật quá khó.

Hiệp định hợp tác và đối tác chiến lược giữa Nga và EU tồn tại 10 năm và đã hết hiệu lực từ cuối năm 2007. Kể từ đó đến nay, hai bên đã nhiều lần ngồi lại với nhau nhưng mâu thuẫn không giảm mà còn xung khắc thêm, đến mức giới phân tích cho rằng tuần trăng mật giữa Nga và EU đã kết thúc và mối quan hệ này đã chuyển sang một giai đoạn mới biến động khó lường.

Đến khi cuộc xung đột Nga - Gruzia nổ ra hồi tháng 8 vừa rồi thì quan hệ Nga - EU coi như đóng băng và các cuộc đàm phán “quan hệ đối tác và hợp tác” giữa hai bên đã bị ngừng hẳn.

Trong bối cảnh đó, không có gì ngạc nhiên khi trước ngày hội nghị Nga - EU khai mạc vào ngày 13-11 ở Nice (Pháp), người ta lại thấy EU đặt ra các yêu cầu với Nga, trước hết là việc thực hiện các thỏa thuận về rút quân khỏi Gruzia, coi đó như điều kiện để hai bên có thể làm lành. Thế nhưng, đấy chỉ là cớ bên ngoài, còn thực ra cái gốc sâu xa trong mâu thuẫn Nga - EU chính là xung khắc về lợi ích kinh tế.

Lâu nay, EU luôn tỏ ra thèm muốn trước những mỏ dầu và khí đốt thuộc loại giàu tiềm năng nhất thế giới. EU muốn được quyền tự do đầu tư, tham gia liên doanh khai thác các mỏ dầu và khí đốt này, đặc biệt là được tham gia quản lý các tuyến đường ống dẫn dầu khí của Nga.

Đường ống dẫn khí đốt của Nga chạy sang châu Âu
Đường ống dẫn khí đốt của Nga chạy sang châu Âu

Chính vì thế mà EU ép Nga phải ký kết và phê chuẩn Hiến chương năng lượng của khối này để EU rộng đường tiến vào thị trường năng lượng của Nga. Một mâu thuẫn nữa là vấn đề lệ phí bay. Theo EU, Nga không được thu phí các hãng hàng không thuộc khối này bay qua vùng trời Siberia của Nga.

Trong khi đó, trong cả hai lĩnh vực trên, EU vẫn duy trì những chính sách mà Nga coi là phân biệt đối xử, gây thiệt hại cho lợi ích của Nga. Cách hành xử như vậy của EU đã làm cho các cuộc đàm phán về Hiệp định hợp tác và đối tác chiến lược Nga - EU đổ vỡ.

Nhưng nước Nga hiện nay đã không còn là nước Nga của năm 1997 khi phải chấp nhận vị trí “yếu thế” trước EU để ký được Hiệp ước đối tác và hợp tác cũ. Cả một thập kỷ phát triển nhanh đã đưa nước Nga trở thành một trong những nền kinh tế lớn trên thế giới.

Diễn đàn Saint - Petersburg hồi năm ngoái đưa ra dự báo đến năm 2020, nền kinh tế Nga sẽ trở thành một trong 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Năm 2008, GDP của Nga dự kiến sẽ đạt 1.100 tỷ USD, còn dự trữ ngoại tệ đứng thứ 3 thế giới.

Thêm vào đó, sức mạnh dầu khí của Nga có thể làm bất cứ đối thủ nào cũng phải suy tính thận trọng. Hiện nay, Nga cũng cấp cho EU đến 40% nhu cầu năng lượng của liên minh này. Tất nhiên để có nguồn thu ngoại tệ, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cũng không thể lơ là thị trường châu Âu. Thế nhưng, ưu thế vẫn nằm trong tay Nga.

Nếu EU làm căng, Nga sẵn sàng quay sang bắt tay với các đối tác châu á, những nước cũng đang rất khát nguồn nhiên liệu chiến lược này. Hiện nay, cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều muốn được tham gia vào tuyến đường ống dẫn khí đốt và dầu lửa chạy từ khu vực Viễn Đông của Nga ra Thái Bình Dương.

Với thế và lực như vậy, liệu EU có dám mạo hiểm để quan hệ Nga - EU đổ vỡ hoặc nằm trong trạng thái bế tắc kéo dài? Xem ra câu hỏi “Ai cần nhân nhượng ai?” đã phần nào có lời giải đáp. 

Hoàng Sơn