Ai đã sát hại Rapper Tupac Shakur và Biggie Smalls - thần tượng âm nhạc Mỹ thập niên 90?

ANTD.VN - Vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, thế giới âm nhạc rung chuyển khi các siêu sao nhạc rap Tupac Shakur và Biggie Smalls bị bắn chết cách nhau khoảng sáu tháng. Cả hai rapper đều là những nghệ sĩ hàng đầu cho các công ty thu âm của họ. Các vụ giết người đúng thời điểm sự cạnh tranh giữa các thương hiệu âm nhạc mà họ đang phục vụ lên cao trào. Đến nay có quá nhiều giả thuyết về vụ án và câu hỏi: “Ai đã sát hại hai rapper này?” vẫn còn là bí ẩn.

Ai đã sát hại Rapper Tupac Shakur và Biggie Smalls - thần tượng âm nhạc Mỹ thập niên 90? ảnh 1Hai rapper, Biggie Smalls (trái) và Tupac Shakur (phải)

Những điểm tương đồng giữa hai vụ án mạng

Vào tối ngày 7-9-1996, Tupac Shakur bị bắn khi đang dừng xe tại ngã tư đường Flamigo và Koval, Las Vegas. Anh được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung tâm phía nam Nevada nhưng đã không thể qua khỏi, sau 6 ngày trải qua nhiều đợt phẫu thuật.

Khi cả thế giới vẫn còn đang thương tiếc cho Tupac thì 6 tháng sau, vào tối ngày 9-3-1997, chiếc xe chở Biggie đang dừng lại chờ đèn đỏ tại ngã tư đại lộ Wilshire và South Fairfax thì bất ngờ có người gõ cửa kính. Không mảy may nghi ngờ, Biggie Smalls hạ kính và ngay lập tức dính 4 phát đạn. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay nhưng Biggie Smalls đã ra đi ngay trong đêm đó, ở tuổi 24.

Cả 2 rapper đều rất thành công trong sự nghiệp và là những tên tuổi sáng nhất ở thể loại nhạc này. Tupac Shakur đứng đầu danh sách những nghệ sĩ bán được nhiều đĩa nhất của Death Row trong khi Biggie Smalls cũng có được thành quả tương tự tại Bad Boy. 

Những thành viên chóp bu của hai hãng đĩa đều có mặt lúc án mạng xảy ra. Suge Knight, CEO của Death Row chính là người cầm lái xe của Tupac và ông đã bị một mảnh đạn sượt qua đầu. Knight túc trực cùng gia đình của Tupac tại bệnh viện khi rapper này bắt đầu cuộc chiến giành sinh mạng cùng tử thần.

Tương tự vậy, ông chủ của Bad Boy là Puffy Combs lúc đó đang ngồi trong chiếc xe ngay sau xe của Biggie Smalls khi rapper này bị bắn. Puffy ra lệnh cho các thành viên đi cùng chạy thẳng đến bệnh viện Cedar-Sinai ở Los Angeles và trực tiếp đưa Biggie Smalls vào phòng cấp cứu, quỳ gối cầu nguyện xin Chúa cứu mạng Biggie Smalls tại phòng chờ.

Ai đã sát hại Rapper Tupac Shakur và Biggie Smalls - thần tượng âm nhạc Mỹ thập niên 90? ảnh 2Nghi phạm David Anthony Mack

Mâu thuẫn bờ Đông- bờ Tây có phải là nguyên nhân?

Sự cạnh tranh giữa những hãng thu âm là điều hoàn toàn tự nhiên nhưng khi xuất hiện giữa hai hãng thu âm nhạc rap hàng đầu thời bấy giờ, Death Row và Bad Boy, nó đã trở nên hết sức đáng sợ trong cái vòng luẩn quẩn: khẩu chiến - xô xát - án mạng chỉ trong một thời gian ngắn. Cho dù cả hai hãng từng đưa ra nhiều giải thích lẫn những phủ nhận nhưng chính những ông chủ huênh hoang của họ là những người góp phần “châm” một lượng dầu đáng kể vào ngọn lửa đang cháy dữ dội này. Đó là Suge Knight, CEO của Death Row và Puffy Combs, ông chủ của Bad Boy.

Cuộc đối đầu bờ Đông - bờ Tây của dòng nhạc hip hop diễn ra vào khoảng những năm 1991 đến năm 1997. Tài năng của Tupac Shakur và Biggie Smalls đã khiến hai người nghệ sĩ này là đại diện đối đầu nhau của hai miền.

Tupac đã cho ra mắt nhiều bài hát mang ca từ ám chỉ hoặc đe dọa Biggie và hãng đĩa của đối thủ, Bad Boy như Against All Odds, Bomb First, Hit ‘”Em Up”... Không phải dạng vừa, Biggie cũng đáp trả lại đối phương bằng những lời bài hát trong ca khúc Long Kiss     Goodnight. Cả hai thường xuyên bị đem ra so sánh trên các phương tiện truyền thông, cộng đồng fan của họ cũng từng có những trận tranh cãi nảy lửa trong một thời gian dài.

Chính từ mâu thuẫn như truyền kiếp này nhiều giả thuyết về 2 vụ ám sát đã nảy sinh. Một số người tin rằng  Biggie Smallsđã ra lệnh hạ sát Tupac, còn cái chết của Biggie Smallsdo những thành viên trung thành của Death Row lên kế hoạch và được băng Blood với một số thành viên từng là cảnh sát California thực hiện. 

Một giả thiết khác lại chỉ ra rằng Tupac và Biggie Smalls chẳng qua là những nạn nhân bất đắc dĩ khi mục tiêu thực sự của hung thủ là những CEO của hai hãng thu âm này, Suge Knight và Puffy Combs.

Một ý kiến khác theo kiểu “thuyết âm mưu” cho rằng những thành viên của hai hãng đĩa đã lên kế hoạch ám sát những con chủ bài của mình vì họ tin rằng một khi những    rapper qua đời, nhất là những rapper đang có những tranh chấp pháp lí về tiền bạc với công ty chủ quản sẽ đem đến cho hãng đĩa nhiều lợi nhuận hơn khi họ còn sống.

Ai đã sát hại Rapper Tupac Shakur và Biggie Smalls - thần tượng âm nhạc Mỹ thập niên 90? ảnh 3Xe của Biggie Smalls với nhiều vết đạn

Kẻ nổ súng là ai?

Sau cái chết của Tupac, cảnh sát tập trung vào nghi phạm số 1 là Biggie Smalls. Thế nhưng sau khi Biggie Smalls lãnh trọn 4 viên đạn từ khẩu tự động 9 li, cảnh sát mới tập trung truy tìm kẻ nổ súng mà họ ngờ rằng hai ông chủ, Suge Knight (của Death Row) và Puffy Combs (của Bad Boy) đều biết mặt.

Thám tử Russell Poole thuộc Sở Cảnh sát Los Angles được giao vụ án này và sau nhiều cuộc điều tra không mệt mỏi, ông tin rằng kẻ đeo chiếc nơ con bướm đã nổ súng là Amir Muhammad, còn được gọi là Harry Billups, một tay môi giới cho vay thế chấp ở miền Nam California và là bạn thân của cựu cảnh sát Los Angeles David Mack, đã từng xuất hiện tại hiện trường vụ án.

Mack có thể là kẻ giả danh “fan” dụ Biggie hạ kính xe. Thám tử Poole phát hiện trong thời gian làm cảnh sát, Mack là thành viên của Mob Piru Blood và từng chơi thân với ông chủ Suge Knight của Death Row. Theo Poole, Mack chỉ là một trong số nhiều cảnh sát Los Angeles cũng từng là thành viên các băng đảng.

 Khi cảnh sát có được lệnh khám nhà của Mack, họ tìm thấy một “đền thờ” dành cho Tupac Shakur. Tuy nhiên, ngay khi các nhân viên điều tra tiến gần Mack nhất, hắn lại đang thụ án 14 năm vì tội cướp ngân hàng và đã từ chối hợp tác. Những nỗ lực truy lùng Amir Muhammad của cảnh sát đều thất bại. Hắn đã mất tích hoàn toàn. 

Suge Knight có phải là chủ mưu?

Suge Knight - CEO của hãng đĩa Death Row, đơn vị mà Tupac Shakur đang kí hợp đồng ghi âm thời bấy giờ, là cái tên được nhắc đến trong cả hai vụ án. 

Vào đêm Tupac Shakur bị giết, Suge Knight đã có hiềm khích với băng Southside Crip, chính Tupac là người xô xát với Orlando Anderson, một thành viên của băng đảng này. Một hành vi mà người ta để ý được rằng Suge Knight đã không hề ra can ngăn cuộc ẩu đả mà lập tức ra ngoài gọi điện thoại. Sau đó anh ta nằng nặc đòi Tupac phải đi chung xe với mình.

Việc Tupac ngồi xe nào và vị trí ngồi ở đâu chỉ có Suge Knight mới biết. Hơn nữa, anh này đang nợ Tupac một khoản 3 triệu USD, đây cũng có thể là động cơ gây án của Suge. Tuy nhiên Suge Knight cũng bị thương khi thủ phạm nã súng, vì thế giả thuyết này không chắc chắn.

Sáu tháng sau cái chết của Tupac Shakur, cái tên Suge Knight lại được đưa ra. Lần này giả thuyết chính là Suge Knight đã cấu kết với cảnh sát bẩn để giết Biggie nhằm trả thù cho Tupac.

Năm 1999, thám tử Russell Poole từ chức trong tâm trạng giận dữ và thất vọng khi ông nhận ra rằng mình không được phép đi đến cùng trong vụ giết hại Biggie Smalls. Hung thủ Amir Muhammad là kẻ có dính líu đến cảnh sát David Mack thuộc băng Mob Piru, người có quan hệ mật thiết với Suge Knight. Những bằng chứng được Poole thu thập được đều tố cáo ông chủ của Death Row. Tuy nhiên, Knight có nhiều bạn là quan chức cấp cao. Hơn nữa, Suge Knight cũng là người bị thương trong vụ xả súng, nên cảnh sát đã tạm gác việc điều tra CEO này lại.

Suge Knight thụ án gần 5 năm vì tham gia đánh Orlando Anderson trong thời gian được tạm tha. Giờ đây Knight đã được tự do và tiếp tục điều hành Death Row nhưng đã đổi tên hãng đĩa của mình thành Tha Row vào năm 2001. Puffy Combs đã đổi nghệ danh thành P. Diddy, vẫn là ông chủ của hãng giải trí Bad Boy. Vào năm 1998, Combs mở một nhãn hiệu thời trang dành cho nam giới có tên Sean John. Trong năm 2003, Combs quyên góp 2 triệu USD để phục vụ “những nhu cầu sức khỏe và giáo dục” cho “trẻ em thành phố New York”.