Ai Cập: An ninh sân bay yếu kém, khách du lịch... bỏ chạy

ANTĐ - Máy quét hành lý thường xuyên không hoạt động, nhân viên an ninh nhận hối lộ… chỉ là hai trong hàng loạt lỗ hổng an ninh tại sân bay Sharm el-Sheikh của Ai Cập, nơi máy bay của Hãng hàng không Nga Kogalymavia cất cánh 23 phút trước khi rơi tại bán đảo Sinai hôm 31-10.
Ai Cập: An ninh sân bay yếu kém, khách du lịch... bỏ chạy ảnh 1

Thiết bị soi chiếu hành lý tại sân bay Sharm el-Sheikh thường xuyên bị hỏng

Đưa tiền là cho qua

Hãng thông tấn AP của Mỹ dẫn lời 7 quan chức an ninh sân bay Sharm el-Sheikh giấu tên cho biết, máy quét hành lý bị hỏng đã không được thay thế mặc dù sự việc đã được đề cập nhiều lần trong các báo cáo an ninh họ gửi lên cấp trên. Tất cả quan chức an ninh sân bay trên đều nhắc đến chiếc máy quét CTX 10 năm tuổi đã bị hỏng ở khu vực lọc hành lý ký gửi. Một người trong số họ nói rằng, máy hỏng là do “sự ngu ngốc của con người” chứ không phải lỗi kỹ thuật.

“Tôi thấy có người còn rút phích cắm để tiết kiệm điện”, quan chức này cho biết. Điều đáng nói là chiếc máy quét trên lại hoạt động tốt mỗi khi các chuyên gia an ninh quốc tế tới thăm sân bay. “Khi họ nghe thấy có ai đó đến, lập tức mọi thứ được sửa chữa... Chúng tôi mong giá như có những chuyến thăm như vậy hàng ngày”, một quan chức khác nói. 

Không chỉ tại khu vực soi chiếu hành lý, công tác kiểm tra an ninh lỏng lẻo cũng xảy ra tại cửa  khu vực tiếp đồ ăn và nhiên liệu. Các quan chức an ninh sân bay giải thích rằng, các khách sạn địa phương cung cấp thức ăn cho một số chuyến bay và chuyển chúng trực tiếp tới máy bay. Theo họ, bảo vệ sân bay thường xuyên để những chuyến hàng này vào mà không kiểm tra đầy đủ vì họ quen mặt những người giao hàng. Những người này cũng thường xuyên hối lộ bảo vệ để họ không kiểm tra xe tải chở đồ để tiết kiệm thời gian. 

Ông Magdy Salim, cựu quan chức của Bộ Du lịch Ai Cập cho hay, bảo vệ sân bay đã hơn một lần bỏ qua việc kiểm tra an ninh đối với bạn bè hoặc đồng nghiệp. Ông này nói thêm rằng, bảo vệ thường ít kiểm tra những người nào trông có vẻ dễ thương hoặc nếu họ đi xe đẹp đến sân bay. Truyền thông quốc tế còn ghi nhận việc nhiều hành khách than phiền rằng nhân viên sân bay “gợi ý” họ trả tiền để qua cửa an ninh mà không phải xếp hàng.

Theo đó, chỉ cần dúi khoảng vài chục USD cho nhân viên sân bay, khách sẽ được dẫn qua cửa an ninh mà không cần phải xếp hàng chờ soi chiếu. Du khách người Anh Dale Parkyn, 47 tuổi, đi nghỉ mát cùng vợ ở Ai Cập trước vụ tai nạn, thừa nhận đã đưa cho nhân viên sân bay 20 USD để khỏi xếp hàng. “Không biết bao nhiêu lần tôi đã bắt được túi đầy ma túy hoặc vũ khí mà họ đã cho qua chỉ để lấy 10 euro”, quan chức này nói.

Du lịch Ai Cập lao đao

Ngành kinh tế Ai Cập phụ thuộc rất lớn vào du lịch khi ngành này chiếm 17% thu nhập ngoại tệ  của Ai Cập trong năm 2014 và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người. Theo số liệu của tổ chức Euromonitor, Anh là thị trường lớn thứ hai đối với ngành du lịch Ai Cập, chỉ sau Nga. Năm 2014, khoảng 2,8 triệu người Nga, 1 triệu người Anh và gần 600.000 người Đức đã tới thăm Ai Cập. Trong đó, 90% lưu lại trên bờ Biển Đỏ.

Thế nhưng, vụ máy bay của Hãng hàng không Nga rơi hôm 31-10 đã giáng mạnh vào ngành công nghiệp du lịch Ai Cập vốn đã lao đao mấy năm qua vì bất ổn chính trị. Như vậy, chỉ tiêu Bộ Du lịch Ai Cập đề ra là phấn đấu đạt 20 triệu du khách và 20 tỷ USD thu nhập vào năm 2020 có nguy cơ “tan tành mây khói” khi một số nước, trong đó có Nga và Anh lên kế hoạch đưa công dân từ Ai Cập về nước. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký quyết định cấm các hãng hàng không đưa người Nga đến Ai Cập, đồng thời cấm luôn các hãng lữ hành bán tour đến nước này. Ông Putin cũng quyết định tạm ngừng tất cả các chuyến bay từ Nga đến Ai Cập do lo ngại an ninh. Hiện Nga đang nỗ lực đưa công dân của mình ở Ai Cập về nước bằng những chuyến bay do chính phủ chỉ định. Khoảng 80.000 người Nga đến Ai Cập để nghỉ mát và mắc kẹt ở đây sau khi Điện Kremlin ra lệnh ngừng bay. 

Cũng như Nga, Chính phủ Anh cấm các hãng hàng không đưa khách tới Sharmel-Sheikh và đang tìm cách hồi hương ít nhất 9.000 công dân Anh tại đây. “Nếu người Nga và Anh không tiếp tục đến Ai Cập thì đây sẽ là một tổn thất nặng nề cho ngành công nghiệp du lịch, do họ đã chiếm tới 70% tổng số lượng khách du lịch”, Bộ trưởng Du lịch Ai Cập Mohamed Yousef nhận định. 

Chủ tịch hãng hàng không Emirates Tim Clark cho rằng: “Vụ tai nạn của máy bay Nga sẽ là một thay đổi cho ngành hàng không dẫn tới việc siết chặt an ninh hàng không trên thế giới”.