5 lí do Mỹ không thể tấn công Triều Tiên như Syria

ANTD.VN - Cuộc tấn công bất ngờ của Mỹ vào Syria và những tuyên bố hùng hồn Tổng thống Donald Trump đã khiến nhiều người đồn đoán rằng, Mỹ có thể sẽ sớm can thiệp quân sự vào Triều Tiên. 

Tuy nhiên, tờ SCMP mới đây đã đưa ra một vài lí do khiến Mỹ sẽ không thể hành động với Triều Tiên như những gì đã làm với Syria do một phương án quân sự với quốc gia này là vi phạm nhiều hiệp định và có thể gây ra nhiều rủi ro cho các nước trong khu vực. 

Có nhiều lí do để Mỹ không thể đối xử với Triều Tiên như  từng làm ở Syria

1. Vì sao Mỹ không thể tấn công Triều Tiên như từng làm với Syria?

Trên thực tế, bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Cuộc chiến chỉ tạm dừng vào ngày 27-7-1953 với một hiệp định đình chiến kí giữa Washington và Bắc Kinh. Nếu Mỹ tấn công trước, Washington sẽ phá vỡ một hiệp định được Liên Hợp Quốc bảo hộ.

2. Sự khác biệt giữa Triều Tiên và Syria 

Syria không hề có vũ khí hạt nhân, trong khi khả năng hạt nhân của Triều Tiên đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong những năm gần đây. Bình Nhưỡng đã thử hạt nhân 5 lần và khẳng định đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa. 

Triều Tiên đã phải hứng chịu rất nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa thất bại, tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, sự thất bại này khiến Triều Tiên rút ra được nhiều kinh nghiệm hơn và nước này có thể phát triển tên lửa với tầm bắn vươn tới Mỹ trong một vài năm tới. 

3. Vì sao Trung Quốc sẽ bảo vệ Triều Tiên nếu bị Mỹ tấn công?

Trung Quốc vẫn được coi là đồng minh của Triều Tiên. Vào năm 1961, 2 nước đã kí hiệp định hỗ trợ và hợp tác hữu nghị Trung Quốc – Triều Tiên, trong đó cam kết giúp đỡ quân sự tức thì khi một trong 2 nước bị tấn công từ một thế lực bên ngoài. Hiệp định này đã được gia hạn 2 lần và sẽ kéo dài đến năm 2021. 

4. Vì sao Trung Quốc kiên quyết tìm một giải pháp hòa bình và phản đối sự can thiệp quân sự của Mỹ?

Trung Quốc lo sợ người tị nạn Triều Tiên có thể tràn sang các tỉnh sát biên giới nếu Triều Tiên trong tình trạng chiến tranh. Từ quan điểm chính trị, Bắc Kinh cũng luôn coi Triều Tiên như một vùng đệm để hạn chế tầm ảnh hưởng quân sự đến từ các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc.

5. Nước nào cùng Mỹ ủng hộ biện pháp quân sự vào Triều Tiên?

Cả Hàn Quốc và Nhật bản đều ưu tiên các biện pháp phi quân sự. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng chỉ nằm cách biên giới khoảng 40km và rất dễ bị tấn công bởi tên lửa Triều Tiên.  

Đại tá về hưu của không quân Mỹ, ông Sam Gardiner, từng nhận định rằng, Mỹ “không thể bảo vệ Seoul trong 24 đến 48 giờ đầu nếu có xảy ra chiến tranh với Triều Tiên". 

Thậm chí cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng từng tranh luận gay gắt về khả năng ném bom lò phản ứng Yongbyon của Triều Tiên vào năm 1994. Thời điểm đó, ông đã bị các cố vấn quân sự thuyết phục rằng, cường độ chiến đấu với Triều Tiên “có thể lớn hơn bất kỳ cuộc chiến nào mà thế giới từng chứng kiến kể từ cuối chiến tranh Triều Tiên – Hàn Quốc”.