4 năm sau vụ pháo kích, hai miền Triều Tiên vẫn căng thẳng

ANTĐ - Ngày 23-11 là ngày kỷ niệm tròn 4 năm xảy ra sự kiện Triều Tiên pháo kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc. Sau sự kiện pháo kích đó, cả Seoul và Bình Nhưỡng đều tăng cường lực lượng quân đội và bố trí thêm vũ khí trang bị gần khu vực này, tình hình căng thẳng tại đây vẫn chưa hề lắng dịu.

4 năm sau vụ pháo kích, hai miền Triều Tiên vẫn căng thẳng ảnh 1 Pháo tự hành K-9 của quân đội Hàn Quốc có tầm bắn 40 km

Tháng 8 năm 2011, quân đội Hàn Quốc đã thành lập Bộ tư lệnh Phòng vệ đảo, dưới cấp có lữ đoàn số 6 và các lực lượng tác chiến khác trên đảo Yeonpyeong. Quân số của Bộ tư lệnh này được tăng lên 1200 người và được trang bị thêm pháo tự hành K-9 có tầm bắn 40 km, roket đa nòng, radar chống pháo binh kiểu mới, trực thăng tấn công AH-1 “Cobra”, hai xe vận tải đạn dược K-10.

Tháng 5 năm 2013, Hàn Quốc cũng đã hoàn tất việc bố trí tên lửa “Spike” để phòng vệ pháo binh bờ biển từ phía Triều Tiên. Ngoài ra, để đề phòng máy bay không người lái (UAV) của Bắc Hàn, Nam Hàn cũng đã bố trí tên lửa đất đối không tại khu vực này.

Được biết, đầu năm tới Seoul còn bố trí máy bay chiến thuật nhằm tăng cường khả năng giám sát và trinh sát của quân đội tại khu vực quần đảo phía tây bắc của mình.

Về phía Triều Tiên, sau sự kiện pháo kích, nước này cũng không ngừng hoàn thiện lực lượng pháo binh và hoàn thiện chiến lược trên biển khu vực tây nam. Lực lượng pháo binh của Bình Nhưỡng phụ trách khu vực biển liên quan đã được trang bị từ 50 đến 60 khẩu pháo 122 mm có tầm bắn khoảng 20km.

Ngoài ra, Triều Tiên còn bố trí hàng chục máy bay trực thăng Mi-2 và 60 đến 70 tàu đệm khí. Trong đó, trực thăng Mi-2 có thể vận chuyển lực lượng đặc công thực hiện hành động xâm nhập đường không.

Triều Tiên mới nghiên cứu thành công một roket có ống phóng cỡ lớn 300mm, loại roket mới này có tầm bắn xa hơn và tốc độ bắn được nâng cao hơn rất nhiều so với các kiểu cũ, hệ thống phóng có từ 12 đến 30 ống, 1 phút có thể bắn được từ 10 đến 20 quả roket.

Để phòng ngừa phản công từ phía Hàn Quốc, Triều Tiên cũng đã xây lô cốt cho trận địa pháo binh của mình, công việc này đã bước vào giai đoạn cuối cùng.

Một số nguồn tin cho biết, phía Bắc Hàn còn sử dụng máy bay không người lái cỡ nhỏ để làm nhiệm vụ trinh sát. Tháng 3 và tháng 4 vừa qua, sự kiện UAV bị rơi tại Paju và Baengnyeong, Hàn Quốc đã hé lộ sự thực Bình Nhưỡng sử dụng UAV để đối phó với Seoul. Tuy nhiên, sau đó phía Triều Tiên đã phủ nhận thông tin này.

Quân đội Hàn Quốc trong một cuộc tập trận

Vừa qua, hôm 21-11, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành cuộc diễn tập bắn đạn thật bằng pháo tự hành K-9, roket đa nòng “Kuryong”, tên lửa “Spike” với thời gian 2 giờ đồng hồ khu vực quần đảo tây bắc của nước này.

Ngày sau đó, Triều tiên đã có phản ứng kịch liệt về việc Hàn Quốc tiến hành diễn tập tại khu vực nhạy cảm này và cho rằng, việc làm này của Hàn Quốc là khiêu khích điểm nóng, khu vực nhảy cảm, đẩy tình hình theo chiều hướng cực đoan, đồng thời cũng không quên nhắc lại bài học pháo kích năm 2010.

Đáp lại phản ứng trên của phía Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-Seok đã có đáp trả rằng, Bình Nhưỡng không những không xin lỗi Seoul về sự kiện pháo kích đảo Yeonpeong, mà còn có ý đồ đổ lỗi cho phía Hàn Quốc khiêu khích, Bắc Hàn cần phải nhận thức rõ khiêu khích là tự thiêu. Nam Hàn đã nhiều lần khẳng định, nếu Triều Tiên còn khiêu khích, Hàn Quốc sẽ đáp lại không chút do dự.

Động thái tăng cường lực lượng và bố trí thêm trang bị vũ khí, tổ chức diễn tập tại khu vực gần đảo Yeonpyeong, cho thấy cục diện căng thẳng quân sự tại khu vực biển phía tây giữa hai miền Triều Tiên vẫn chưa hề lắng dịu kể từ sau sự kiện pháo kích ngày 23-11-2010.