300.000 nhà sư ở Thái Lan tham gia chiến dịch chống... béo phì

ANTD.VN - Mỗi buổi sáng, thức ăn được đưa đến cho các nhà sư ở Thái Lan khá phong phú, từ gạo nếp, bánh ngọt, bánh mì, bánh pudding, bánh bao, các loại bánh sữa, kem dừa... Tuy nhiên, truyền thống cho đồ ăn với nhiều chất béo này được cho là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng béo phì của các nhà sư ở Thái Lan. 

300.000 nhà sư ở Thái Lan tham gia chiến dịch chống... béo phì ảnh 1Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các nhà sư tại một bệnh viện ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan

45% nhà sư bị béo phì

Trái ngược với hình ảnh những vị Phật được khắc họa với thân hình bệ vệ, bụng to tròn và cằm nhiều ngấn, hơn 300.000 nhà sư ở Thái Lan đang tham gia vào chiến dịch chống béo phì bằng cách nhịn ăn trưa để giữ vóc dáng gọn gàng và khỏe mạnh. Mặc dù nhịn ăn vào buổi trưa nhưng thực phẩm và đồ uống họ tiêu thụ mỗi sáng bị đánh giá là “không lành mạnh”. Theo thống kê, hiện nay, số nhà sư thừa cân, sức khỏe không đảm bảo vượt quá mức trung bình quốc gia, với tỷ lệ béo phì 45%, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường 6,5% và tỷ lệ mắc bệnh tim, mỡ máu rất cao.

Lối sống hiện đại và thực phẩm nhiều đường được cho là nguyên nhân chính của tình trạng này. Thái Lan là một trong những quốc gia có tỷ lệ béo phì cao nhất ở châu Á, chỉ đứng sau nước láng giềng Malaysia. Các nhà sư không có lựa chọn nào khác ngoài việc ăn thức ăn được quyên góp. Theo truyền thống, mọi người được khuyên nên quyên tặng những thực phẩm mình yêu thích hoặc thực phẩm mà người thân quá cố của mình yêu thích. Điều đó có nghĩa là bánh pudding và đồ ngọt có rất nhiều trong “chế độ ăn kiêng” của các nhà sư.

Các thành viên cao cấp của Hội đồng Phật giáo cũng như Chính phủ Thái Lan và các chuyên gia đã cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng béo phì như một vấn đề cấp bách thông qua chương trình mang tên “Heath Charter For Monks”. Bác sĩ Supreda Adulyanon, Giám đốc Điều hành của ThaiHealth - cơ quan y tế của Chính phủ Thái Lan cho biết, đồ uống có đường phổ biến của các nhà sư là nguyên nhân chính làm tăng vòng hai. “Tất nhiên, nó còn liên quan đến thói quen không lành mạnh của họ. Chỉ 44% nhà sư tập thể dục 3 lần/tuần. Điều đó có nghĩa là phần lớn họ không tập thể dục”, bác sĩ Supreda Adulyanon nói.

Những rào cản từ quan niệm xã hội

Năm 2017, các nhà nghiên cứu ở Thái Lan đã tạo ra mẫu thắt lưng đặc biệt cho các nhà sư, giúp họ theo dõi sự tăng, giảm cân nặng thường xuyên. Bên cạnh đó, các đầu bếp đảm nhận công tác nấu ăn trong chùa cũng được đào tạo, trang bị kiến thức cần thiết về chế biến món ăn đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời, cơ quan y tế Thái Lan cũng xuất bản những cuốn sách nhỏ về thực phẩm tốt cho sức khỏe, khuyến khích mọi người tự nấu ăn và tặng thực phẩm lành mạnh cho các nhà sư.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, cái khó của các nhà sư là họ phải tiêu thụ những gì được cho, không thể tự chọn thức ăn. Các nhà sư thường sống một lối sống ít vận động và tập thể dục là một chủ đề đặc biệt nhạy cảm đối với họ. Gần đây, một nhà sư ở Thái Lan bị lên án mạnh mẽ vì cho rằng đã phạm “tội lỗi trần gian”, sau khi một phóng viên đưa hình ảnh nhà sư này với thân hình 6 múi lên mạng xã hội. 

Nhà sư Promwachirayan, trụ trì chùa Yannawa thừa nhận rằng, tập thể dục là một vấn đề phức tạp đối với các nhà sư nhưng không phải là không thể thực hiện. “Các nhà sư nên tập thể dục nhưng cũng có rất nhiều ý kiến từ quan niệm xã hội. Nhà sư có thể tập thể dục để tăng cường sức khỏe nhưng không làm cơ thể săn chắc như võ sĩ. Nhà sư không thể tập tạ hay chạy bộ nhưng có thể đi bộ nhanh hoặc thiền. Tập Yoga cũng tốt nhưng không phải tập ở nơi công cộng”, nhà sư Promwachirayan nói và nhấn mạnh có thể sử dụng máy chạy bộ nhưng nên đặt máy chạy bộ ở trong nhà hay căn hộ.