3 kịch bản va chạm Mỹ - Trung trên Biển Đông

ANTĐ - Việc Trung Quốc ráo riết hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, đáng lo ngại nhất là mở rộng quy mô lớn các “đảo” chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã khiến Mỹ không thể ngồi yên, phái tàu chiến và máy bay hiện đại tuần tra trên vùng biển chiến lược này.
3 kịch bản va chạm Mỹ - Trung  trên Biển Đông ảnh 1

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh hoạt động cải tạo các bãi đá ở quần đảo Trường Sa

Tàu chiến tác chiến gần bờ USS Fort Worth, một trong những tàu chiến thế hệ mới nhất của hải quân Mỹ, vừa kết thúc chuyến tuần tra đầu tiên kéo dài 1 tuần ở Biển Đông. Ngay sau khi kết thúc chuyến tuần tra chứa đựng nhiều thông điệp này, Mỹ tuyên bố đang xem xét khả năng điều máy bay chiến đấu hiện đại F-35 và tàu chiến tới khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh những bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc chiếm giữ và đang tiến hành cải tạo.

3 kịch bản va chạm Mỹ - Trung  trên Biển Đông ảnh 2

Hình ảnh của hải quân Mỹ cho thấy tàu chiến Trung Quốc (phía sau) đã theo sát hoạt động của tàu USS Fort Worth trong đợt tuần tra trên Biển Đông

Động thái trên của Mỹ diễn ra sau khi Trung Quốc ráo riết triển khai trên quy mô lớn việc cải tạo hàng loạt bãi đá ngầm và rặng san hô mà nước này chiếm giữ trái phép trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo đó, trong 1 năm qua, Trung Quốc đã cải tạo đất bất hợp pháp trên 7 bãi đá ngầm và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó chỉ riêng việc mở rộng Đá Chữ Thập với quy mô lớn nhất quần đảo Trường Sa với diện tích 0,96 km2 đã tiêu tốn hơn 73 tỉ nhân dân tệ (11,5 tỉ USD). 

Ngoài bãi đá Chữ Thập, Trung Quốc còn bồi đắp trái phép 6 bãi đá khác của Trường Sa: Đá Châu Viên, Đá Gạc Ma, Đá Tư Nghĩa, Đá Vành Khăn, Cụm đá Gaven và Đá Xu Bi. Ngang ngược hơn, Trung Quốc đã tuyên bố thẳng là việc cải tạo các bãi đá này thành “đảo” nổi cũng nhằm mục đích quốc phòng, trong khi giới phân tích cho rằng đó là tiền đề để Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nhằm khống chế bầu trời Biển Đông.

Sau yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn phi lý đòi độc chiếm 80% diện tích Biển Đông cùng các hành động gây hấn với các quốc gia quanh Biển Đông, việc ráo riết cải tạo quy mô lớn nhiều bãi đá trong khu vực quần đảo Trường Sa cho thấy Trung Quốc tiến thêm một bước rất đáng lo ngại hiện thực hóa tham vọng của mình. Từng nhiều lần tuyên bố là quốc gia châu Á-Thái Bình Dương có lợi ích sống còn gắn với Thái Bình Dương, trong đó có hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên Biển Đông, Mỹ tất nhiên không thể “khoanh tay” nhìn Trung Quốc độc chiếm vùng biển chiến lược này.

Song việc Trung Quốc đẩy nhanh tham vọng độc chiếm Biển Đông trong khi Mỹ cử máy bay chiến đấu và tàu chiếm tới “tuần tra” sẽ dẫn tới điều gì? Theo chuyên gia về chính sách quốc phòng và đối ngoại Michael Mazza thuộc Viện Doanh Nghiệp Mỹ, có thể có 3 kịch bản diễn ra trong cuộc đối đầu mới giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.

Kịch bản thứ nhất, theo ông Mazza, Trung Quốc tiếp tục các hoạt động cải tạo bất chấp các động thái răn đe của Mỹ. Thứ hai, Mỹ chuẩn bị “các phương án quân sự” để ứng phó với bất cứ động thái mới nào của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền đơn phương như tiếp tục ráo riết tiến hành các hoạt động cải tạo bãi ngầm trên Biển Đông. Thứ ba, Mỹ đưa ra “hồi chuông cảnh báo” với những phát ngôn mạnh mẽ về việc “xem xét các lựa chọn khác” để bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông, trong khi Trung Quốc cũng cứng rắn không kém để đáp trả và trong trường hợp này có thể xảy cuộc đối đầu quân sự Mỹ - Trung.

Nhận định của ông Mazza dù sao cũng chỉ là đánh giá của một chuyên gia, chưa biết thực tế diễn biến ra sao. Tuy nhiên có thể thấy rõ là tranh chấp, va chạm Mỹ-Trung sẽ còn nóng hơn khi Washington thực hiện chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương trong khi Trung Quốc gia tăng mạnh hành động hiện thực hóa tham vọng “đường lưỡi bò” độc chiếm Biển Đông.