10 sự kiện thế giới năm 2007
(ANTĐ) - Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới, ASEAN trở thành một định chế tổ chức liên chính phủ khu vực, Tổng thống Nga V.Putin, tiếp tục duy trì ảnh hưởng chính trị và uy tín, Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu thành công vào phút chót tại Bali, Indonesia... Đó là một vài trong 10 sự kiện thế giới nổi bật mà báo ANTĐ bình chọn trong năm 2007.
1. Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập bước vào “sân chơi” toàn cầu. Năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam trong Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, để vào tháng 7-2008 tới, Việt Nam sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an LHQ.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Tổng thư ký LHQ Ban Ki - moon |
2. Tiến trình đàm phán 6 bên giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có sự đột phá. CHDCND Triều Tiên cam kết vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân của mình để đổi lại việc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga viện trợ về năng lượng và tài chính, bảo đảm về an ninh và công nhận về ngoại giao. Việt Nam tích cực ủng hộ tiến trình đàm phán 6 bên giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh năm 2007 tiến hành thăm chính thức cả CHDCND Triều Tiên và Đại Hàn dân quốc.
3. Lần đầu tiên, ASEAN trở thành một định chế tổ chức liên chính phủ khu vực khi Hiến chương đầu tiên của ASEAN được các nhà lãnh đạo ASEAN ký kết tại Singapore, hướng tới mục tiêu đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối, xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
4. Tổng thống Nga V.Putin, tiếp tục duy trì ảnh hưởng chính trị và uy tín khi ông quyết định ủng hộ đảng “Nước Nga Thống nhất”. Nhờ đó, đảng này giành thắng lợi áp đảo trong Bầu cử Duma quốc gia Nga và rộng đường cho đề cử người kế nhiệm ông Putin vào Điện Kremlin năm 2008: Phó Thủ tướng đương nhiệm Medelev.
Tổng thống Nga V.Putin - một trong những nhân vật của năm 2007 |
5. Cựu Thủ tướng Pakistan, bà Benazir Bhutto thiệt mạng trong một vụ tấn công cảm tử. Pakistan chìm trong bầu không khí hỗn loạn và rơi vào một vòng xoáy bạo lực mới trước cuộc bầu cử.
6. Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu thành công vào phút chót tại Bali, Indonesia. Trong khi đó, thiên tai vẫn hoành hành trên khắp thế giới, gây nhiều thiệt hại về người và của. Nặng nề nhất là bão, lốc xoáy tàn phá Bangladesh và miền Trung nước Mỹ. Bão Sydr kèm lốc xoáy với sức gió lên tới 250km/h, cướp đi sinh mạng của trên 3.300 người Bangladesh. Còn lốc xoáy tàn phá 6 bang miền Trung nước Mỹ trong 24 giờ từ ngày 5 đến 6-5 đã xóa sổ cả một thị trấn ở bang Kansas.
7. Trung Đông tiếp tục là “chảo lửa” của thế giới với các vụ bạo lực xảy ra triền miên tại Iraq, làm Mỹ sa lầy sâu hơn tại nước này. Trong khi đó, thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine vẫn chưa làm nguội đi những giao tranh.
Cái chết của bà Benazir Bhutto được dự đoán sẽ gây ra một vòng xoáy bạo lực mới trước cuộc bầu cử |
8. Liên minh châu Âu (EU) thể chế hóa tổ chức 27 quốc gia thành viên của mình bằng Hiệp ước Lisbon được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ở Bồ Đào Nha. Hiệp ước này thay thế cho Dự thảo Hiến pháp EU bị bác bỏ trước đó.
9. Ông Yasuo Fukuda, Chính khách kỳ cựu 71 tuổi của đảng Dân chủ tự do Nhật Bản giữ cương vị Thủ tướng Nhật sau khi ông Shinzo Abe từ chức viện phần lớn lý do là vì sức khỏe kém và bị ảnh hưởng bởi một loạt các vụ bê bối về tham nhũng. Tân Thủ tướng Fukuda cam kết sẽ xây dựng lại niềm tin của công chúng.
10. Giá dầu và giá vàng tăng kỷ lục (gần 100 USD/thùng dầu và gần 850 USD/aoxơ vàng), trong bối cảnh đồng đô la Mỹ mất giá nghiêm trọng, tác động tới nền kinh tế nhiều quốc gia.
ANTĐ bình chọn