Thế giới vàng mắt vì vàng

ANTĐ - Vàng đang góp phần làm chao đảo nền kinh tế thế giới khi giá thứ kim loại quý là nguồn dự trữ chính của hầu hết các ngân hàng quốc gia trên thế giới lên tới mức cao nhất trong lịch sử vào ngày 9-8.

Thị trường tài chính toàn cầu đang chao đảo vì vàng và nợ công

“Cú sốc vàng” đối với nền tài chính và kinh tế toàn cầu. Giới kinh tế thế giới buộc phải thốt lên như vậy khi chứng kiến giá vàng leo thang với tốc độ chóng mặt chưa từng thấy, lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce, trong đó có thời điểm giá giao dịch trên thị trường châu Á được đẩy lên mức 1.768,5 USD mỗi ounce ngày 9-8.

Thế giới từng lên cơn sốt giá vàng vào đầu tháng 7 vừa qua khi giá vàng lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.500 USD/ounce. Thế nhưng, giá vàng sau đó không những không chững lại mà liên tiếp leo thang để lần đầu tiên phá mốc 1.700 USD mỗi ounce vào ngày 8-8 và vọt lên mức cao chót vót  1.768,5 USD/ounce.

Giá vàng nhảy nhót càng khiến giới đầu cơ thế giới “té nước theo mưa”, tạo ra sự hỗn loạn không chỉ trên thị trường buôn bán thứ kim loại quý hiếm này. Cơn sốt giá vàng phần nào đó còn tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như sự phục hồi mong manh của nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân bị giới đầu cơ thế giới thao túng thì việc giá vàng tăng vọt xuất phát chủ yếu từ sự lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ và châu Âu. Giá vàng kịch phát ngày đầu tuần (8-8) chính là hệ quả trực tiếp của việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Standard & Poor's (S&P) đánh tụt hạng tín nhiệm tín dụng của Mỹ từ mức AAA và tụt xuống AA+.

Đây là lần đầu tiên cường quốc kinh tế số một thế giới bị S&P đánh tụt hạng tín nhiệm tín dụng do lo ngại về mức thâm thủng ngân sách khổng lồ của nước Mỹ, hiện đã hơn 14.000 tỷ USD và sẽ còn tăng lên hơn 16.000 tỷ USD. Trước đó, thị trường tài chính toàn cầu đã nhiều phen phải chao đảo vì cuộc khủng hoảng nợ công hoành hành dữ dội tại châu Âu.

Vì thế, bất chấp mọi nỗ lực trấn an của Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng như nhiều nhà lãnh đạo các cường quốc kinh tế thế giới, giới kinh tế thế giới đang lo ngại về một cuộc khủng hoảng kép của nền kinh tế. Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) cảnh báo hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong và ngoài câu lạc bộ 34 nước giàu nhất thế giới này đều đang đứng trước nguy cơ suy thoái kép.

Sự ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu chính là tác nhân trực tiếp khiến thị trường cổ phiếu thế giới rơi vào cơn hoảng loạn mới ngày 9-8 với sự tụt dốc được đánh giá là thê thảm. Chỉ số Dow Jones trên thị trường Phố Wall giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2008, "xóa sổ" toàn bộ phần lãi có được từ tháng 10-2010 tới nay.

Nguy cơ suy thoái kép của nền kinh tế thế giới càng hiện lên rõ hơn khi giá dầu giao dịch ngày 8-8 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong năm qua do tâm lý lo ngại kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, kéo theo nhu cầu giảm sút với dầu mỏ và khí đốt. Giá dầu thô trên thị trường New York xuống còn 81,31 USD/thùng, mức thấp nhất trong năm nay.

Trong bối cảnh đó thì vàng được xem là nơi trú ẩn an toàn cho đồng vốn. Song chính thứ tâm lý và cách hành xử này đã tạo điều kiện cho giới đầu cơ thao túng giá vàng với những rủi ro khôn lường.