Thế giới trước nguy cơ chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hàng trăm người thiệt mạng và bị thương trong các cuộc khủng bố xảy ra liên tiếp ở thành phố Magdeburg (Đức) và New Orleans (Mỹ) vào thời điểm cuối năm 2024, đầu năm 2025 cho thấy khủng bố đang trỗi dậy mạnh mẽ. Thế giới đang đứng trước đòi hỏi phải nỗ lực chung tay trong cuộc chiến chống khủng bố.
Một cuộc diễn tập chống khủng bố của cảnh sát đặc nhiệm Hàn Quốc

Một cuộc diễn tập chống khủng bố của cảnh sát đặc nhiệm Hàn Quốc

Gia tăng các hành động cực đoan

Theo bà Amina Mohammed, Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ), số người thiệt mạng vì chủ nghĩa khủng bố trên thế giới đã lên tới 8.352 người trong năm 2023, tăng 22% so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ năm 2017. Trên các nền tảng mạng xã hội, sự thù hận và tư tưởng cực đoan đang gia tăng với tốc độ đáng sợ. Mới đây, liên minh tình báo Five Eyes (gồm 5 nước là Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand) cảnh báo số lượng trẻ em bị “cực đoan hóa” trên không gian mạng ngày càng tăng.

Theo Hội đồng châu Âu, cuộc khủng hoảng diễn ra ở Trung Đông đang thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan trên toàn thế giới cùng nhiều hậu quả liên quan. Thực tế cho thấy, từ khi Israel bắt đầu tấn công Dải Gaza vào tháng 10-2023, số lượng các vụ tấn công theo kiểu “sói đơn độc” nhân danh Nhà nước Hồi giáo (IS) khủng bố đã tăng đáng kể. Trong đó có vụ đâm hàng loạt tại một lễ hội ở Solingen, Đức; âm mưu nhằm vào các buổi biểu diễn của ca sĩ Taylor Swift ở Vienna (Áo); vụ đâm một người đàn ông Do Thái Chính thống ở Zurich (Thụy Sĩ)... Hiện các nhánh của IS được cài cắm ở nhiều nơi, tìm cách đẩy mạnh xu hướng cực đoan hóa, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh và sự ổn định của châu Âu.

Tình hình an ninh xấu đi ở khu vực Sahel, cận sa mạc Sahara cũng là điều đáng lo ngại, có thể gây tác động lan tỏa đến quốc gia ven biển Tây Phi và có khả năng là Bắc Phi. Hiện khu vực Sahel và vùng cận Sahara của châu Phi đã trở thành “điểm nóng” mới, với gần một nửa số người thiệt mạng do tấn công khủng bố trên toàn thế giới là ở khu vực này. Còn theo dữ liệu từ nhóm theo dõi khủng hoảng của Mỹ, hiện nay số lượng sự kiện bạo lực liên quan đến các nhóm thánh chiến ở Burkina Faso, Mali và Niger, những quốc gia nằm ở trung tâm Sahel, đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2021. Trung bình mỗi tháng có 224 vụ tấn công, tăng so với 128 vụ vào năm 2021.

Vẫn như trước đây, xung đột vũ trang, nghèo đói, tội phạm có tổ chức, trong đó có nạn buôn bán ma túy, là mảnh đất màu mỡ để các nhóm khủng bố hoành hành. Vùng Sahel là minh chứng rõ ràng cho nhận định này, với sự gia tăng đáng lo ngại các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc và cướp bóc. Không chỉ thiệt hại về người, ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa khủng bố còn được đo lường bằng hậu quả kinh tế nặng nề. Bất ổn chính trị, thiếu vốn đầu tư nước ngoài đã cản trở hoạt động kinh tế địa phương, gây thiệt hại tới hàng tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới.

Trong khi đó, các nhóm khủng bố liên tục đổi mới chiến thuật nhằm vượt qua các biện pháp an ninh. Chẳng hạn, chúng thường xuyên sử dụng máy bay không người lái để giám sát và tấn công, đặt ra một thách thức mới với lực lượng chống khủng bố. Được truyền cảm hứng từ tuyên truyền cực đoan, các cá nhân hoặc nhóm nhỏ khủng bố có thể thực hiện các cuộc tấn công mà không cần lệnh trực tiếp từ một tổ chức khủng bố lớn hơn. Những cuộc tấn công đơn độc này không thể dự đoán và rất khó ngăn chặn bởi chúng thường thiếu các dấu vết liên lạc mà các cơ quan tình báo dựa vào để ngăn chặn các âm mưu. Xu hướng tương lai có thể bao gồm các cuộc tấn công mạng tinh vi hơn nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng, hệ thống tài chính và mạng lưới của chính phủ.

Cần nỗ lực chung toàn cầu chống khủng bố

Thách thức từ chủ nghĩa khủng bố đang tăng lên. Đáng tiếc là hiện nay, thế giới vẫn còn gặp nhiều thách thức trong cuộc chiến chống khủng bố. Nghịch lý là cho đến nay, một định nghĩa được chấp nhận chung về chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa được thế giới thống nhất. Điều này gây khó khăn cho việc phối hợp hành động của các quốc gia. Không những thế, một số chủ thể quốc tế còn chủ ý lạm dụng thuật ngữ chủ nghĩa khủng bố để đạt lợi ích địa chính trị của họ.

Chung tay chống chủ nghĩa khủng bố đã trở thành đòi hỏi toàn cầu. Theo ông Imangali Tasmagambetov, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), chủ nghĩa khủng bố hiện có những đặc điểm mới và đang được sử dụng như một vũ khí trong chiến tranh lai nhằm gây ra chia rẽ giữa các dân tộc và giữa các tôn giáo trong xã hội. Càng ngày, hình thức tấn công khủng bố như vậy càng giống các hành động phá hoại. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra cho tất cả các nước là phát triển các công cụ hiệu quả để chống lại mối đe dọa này.

Trong vài thập kỷ qua, nhiều tổ chức khu vực khác nhau đã thành lập cơ cấu chống khủng bố để phối hợp nỗ lực của các quốc gia trong cuộc chiến chung chống khủng bố. Năm 2023, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết về Chiến lược chống khủng bố toàn cầu. Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên, LHQ và các tổ chức quốc tế, khu vực, tiểu khu vực đẩy mạnh nỗ lực thực hiện một cách công bằng trên cả 4 trụ cột của Chiến lược, bao gồm biện pháp giải quyết các nhân tố dẫn tới khủng bố; phòng chống khủng bố; xây dựng năng lực của các nước trong phòng, chống khủng bố và tăng cường vai trò của LHQ trong lĩnh vực này; bảo đảm tôn trọng quyền con người và luật pháp.

Trong bối cảnh những kẻ khủng bố đang thay đổi cách thức hoạt động trong kỷ nguyên kỹ thuật số, với xu hướng gia tăng sử dụng Internet để cực đoan hóa, chiêu mộ và lên kế hoạch cho các cuộc tấn công; sử dụng các mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin được mã hóa và web đen để truyền bá tư tưởng cực đoan, thế giới đã tăng cường đầu tư vào các biện pháp an ninh mạng tiên tiến và thu thập thông tin tình báo kỹ thuật số, tăng cường hợp tác với cộng đồng tình báo mạng quốc tế và thực hiện các quy định chặt chẽ hơn đối với nội dung trực tuyến.

Để chống lại sự gia tăng của khủng bố mạng và chủ nghĩa cực đoan trong thời đại kỹ thuật số, nhiều nước đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy bay không người lái và các công nghệ tiên tiến khác có thể cải thiện đáng kể khả năng giám sát và phòng thủ. Ví dụ, AI có thể phân tích lượng dữ liệu khổng lồ để dự đoán các mối đe dọa khủng bố tiềm ẩn. Máy bay không người lái có thể được sử dụng để giám sát trên không và trong một số trường hợp vô hiệu hóa các mối đe dọa. Đầu tư vào những công nghệ này rất quan trọng để ngăn chặn các chiến thuật khủng bố ngày càng phức tạp.

Các chiến lược chống khủng bố cũng đang tập trung vào giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng cực đoan hóa. Việc thu hút cộng đồng, đặc biệt ở những khu vực dễ bị tổn thương, thông qua giáo dục, cơ hội kinh tế và quản trị toàn diện có thể làm giảm sức hấp dẫn của các hệ tư tưởng cực đoan. Các chương trình chống cực đoan hóa tập trung vào việc phi cực đoan hóa và giáo dục, cải tạo những kẻ từng là khủng bố cũng đóng một vai trò quan trọng.

Trong thế giới đang tiến dần sang cục diện mới đa cực, đa trung tâm, sẽ có thêm cơ hội để phát triển sự đồng thuận quốc tế về chương trình nghị sự chống khủng bố. Vấn đề là phải nắm bắt lấy cơ hội này để có thêm nhiều nỗ lực chung toàn cầu.