Thế giới sẽ trả giá đắt nếu để châu Á thiếu vaccine Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
ANTD.VN - “Làn sóng” dịch Covid-19 tại châu Á đang làm gián đoạn lĩnh vực sản xuất, có thể gây ra hệ lụy là khiến kinh tế các nước thiệt hại lớn và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu” - Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS) Stephen Morrison nhận định.
Thế giới hiện đang đối mặt với số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trong khi nhiều quốc gia lại không có đủ vaccine (Ảnh minh họa)

Thế giới hiện đang đối mặt với số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trong khi nhiều quốc gia lại không có đủ vaccine (Ảnh minh họa)

Châu Á dẫn đầu thế giới về số ca mắc Covid-19 mới

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 22h30 ngày 4-7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 184.358.118 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.989.558 ca tử vong. Hiện vẫn còn hơn 11,6 triệu bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, hơn 168,7 triệu người đã hồi phục và xuất viện. Tính theo khu vực, châu Á đang là lục địa dẫn đầu thế giới về số ca mắc Covid-19, đứng thứ hai là châu Âu, đứng thứ ba thế giới là Bắc Mỹ, Nam Mỹ đứng thứ tư...

Nga là nước có số ca mắc mới theo ngày cao nhất khu vực châu Âu. Tại châu Á, Ấn Độ tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội khi cho phép mở cửa trở lại sân vận động và khu liên hợp thể thao không có khán giả từ ngày 5-7. Cơ quan Quản lý Thảm họa Delhi (DDMA) cho biết, đây tiếp tục là bước nới lỏng tiếp theo, phù hợp với thực tế trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 ở Delhi xuống dưới mức 100 ca/ngày và số ca tử vong chỉ còn dưới 10 ca/ngày.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới theo ngày cao so với nhiều nước trong khối. Quốc gia vạn đảo đã ghi nhận thêm 27.233 ca mắc mới và 555 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 2.284.084 và 60.582 ca. Nhằm giảm tốc độ lây lan trong nước, Bộ Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia thông báo từ ngày 6-7, tất cả các công dân nước ngoài nhập cảnh vào nước này sẽ phải trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine đầy đủ ngừa Covid-19.

Người phát ngôn cơ quan trên, ông Jodi Mahardi còn nêu rõ người nước ngoài còn phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 trước khi nhập cảnh vào Indonesia. Các nhân viên ngoại giao và quan chức nước ngoài sẽ được miễn trình giấy chứng nhận tiêm vaccine trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức, phù hợp với thông lệ quan hệ ngoại giao được các nước khác áp dụng. Trong khi đó, công dân Indonesia sẽ phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính nếu không có giấy chứng nhận tiêm chủng.

Tại Kuala Lumpur, Malaysia sẽ nhận được 1 triệu liều vaccine của hãng Pfizer do Mỹ hỗ trợ vào ngày 5-7. Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein cho biết, số vaccine này sẽ giúp hỗ trợ tiến trình tiêm chủng của Malaysia cũng như thúc đẩy Chương trình Tiêm chủng quốc gia vaccine ngừa Covid-19 mà Malaysia đang triển khai. Ông Hishammuddin nhấn mạnh Malaysia đánh giá cao sự hỗ trợ vô cùng to lớn của Mỹ thông qua Đại sứ quán tại Kuala Lumpur kể từ khi Malaysia bắt đầu đại dịch vào nãm 2020, về sự đóng góp vật tư y tế, thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) trị giá 250.000 USD. Ngoại trưởng Malaysia cho biết trong mục tiêu chung để tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vaccine ngừa Covid-19, Malaysia sẵn sàng thiết lập hợp tác toàn diện với Mỹ trong việc nghiên cứu, phát triển và phân phối vaccine.

Chính phủ Lào cũng thông báo tiếp tục kéo dài thời gian phong tỏa đến hết ngày 19-7 nhằm ngăn ngừa và kiểm soát dịch Covid-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các nước láng giềng đang có nhiều diễn biến phức tạp và biến chủng Delta nguy hiểm đã xuất hiện tại Lào. Đây là lần thứ 5 Chính phủ Lào gia hạn lệnh phong tỏa kể từ ngày 22-4 đến nay.

Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới Covid-19 tiếp tục ở mức trên 700 ca/ngày khiến nhà chức trách phải tăng cường cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch, nhất là ở khu vực Thủ đô Seoul và vùng phụ cận.

Những “nạn nhân” Covid-19 bị tổn thương nặng nề

Các nhà máy đông đúc ở châu Á dường như miễn nhiễm một cách tuyệt đối với virus SARS-CoV-2 khi nó lây lan qua hầu hết thế giới vào năm ngoái. Nhưng mọi điều đã hoàn toàn đổi khác vào mùa xuân năm nay khi nhiều khu vực ở châu Á phải đối mặt với các đợt bùng phát Covid-19 dữ dội bởi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào các nhà máy và các doanh nghiệp quan trọng khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa làm gián đoạn dòng chảy thương mại quốc tế vốn dĩ đã căng thẳng bởi đại dịch.

Sự bùng phát dịch bệnh buộc các nhà máy sản xuất trên khắp khu vực - từ Malaysia, Campuchia đến Đài Loan (Trung Quốc) phải tạm dừng sản xuất trong khi hàng nghìn công nhân phải đi kiểm tra và kiểm dịch. Mọi ngành sản xuất công nghiệp ở Thái Lan đều bị ảnh hưởng trong “làn sóng” dịch bệnh thứ 3 hiện nay, từ chế biển hải sản, đồ điện tử, cho tới dệt may. Trong khi, dịch bệnh đã lây lan tới tất cả nhà máy thuộc ngành sản xuất chíp bán dẫn tại Đài Loan. Chính phủ Malaysia áp dụng phong tỏa toàn quốc và hạn chế quy mô công nhân tham gia sản xuất tại các nhà máy….

Thực trạng đó đang gây áp lực lên lực lượng lao động toàn cầu, làm căng thẳng nguồn cung cũng như nhu cầu hàng hoá đang tăng trên toàn thế giới. “Kéo dài thời gian phong tỏa chắc chắn sẽ làm tê liệt toàn bộ lĩnh vực sản xuất cũng như đóng góp của nó cho chuỗi cung ứng toàn cầu” - Chủ tịch Liên đoàn Nhà sản xuất Malaysia Soh Thian Lai cảnh báo.

Hệ lụy của sự thiếu công bằng vaccine

Trong khi vừa phải đối mặt với “làn sóng” dịch bệnh ngày càng phức tạp, nhiều nước trong khu vực châu Á còn rơi vào tình trạng thiếu hụt vaccine. Thực tế, một số nước châu Á, trong đó có Thái Lan và Malaysia, thậm chí không đủ tiêu chuẩn nhận vaccine theo chương trình COVAX. Đài Loan (Trung Quốc) chật vật trong nỗ lực tìm kiếm nguồn cung vaccine và chỉ tạm dễ thở hơn khi hòn đảo này nhận 2,5 triệu liều vaccine từ Mỹ.
Nguồn cung vaccine thiếu hụt, cùng sự xuất hiện của biến chủng Delta, khiến khu vực châu Á bị lung lay thực sự nghiêm trọng. Còn Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng: “Thế giới hiện đang đối mặt với số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trong khi nhiều quốc gia lại không có đủ vaccine. Chúng ta đang trong cuộc chạy đua vì mạng sống loài người, nhưng đó lại không phải là cuộc chạy đua công bằng”.

Đòn giáng vào kinh tế toàn cầu

Khi nhiều nơi trên thế giới đã trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19, nhu cầu về mọi thứ từ ô tô đến thiết bị điện lại tăng vọt. Điều đó đã gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu, khi nhiều công ty không lường trước trước sự phục hồi của thị trường và buộc phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và thiết bị sản xuất. Có thể thấy rơ rệt trong ngành chíp bán dẫn. Apple và Ford - hai nạn nhân mới nhất của “làn sóng” dịch bệnh mới ở châu Á - cho biết sẽ thiệt hại hàng tỷ USD vì thiếu chíp, theo báo Nikkei Asia (Nhật Bản).

Trong khi đó, Hãng sản xuất ô tô Ford (Mỹ) cho hay phải cắt giảm đi 1,1 triệu xe trong năm 2021 vì thiếu lao động và nguồn cung thiết bị. Đông Nam Á đã thành công rực rỡ trong việc tạo ra sự cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, thị trường, sản xuất hàng hóa giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì thế nếu “làn sóng” dịch Covid-19 làm gián đoạn lĩnh vực sản xuất, nó sẽ khiến kinh tế các nước thiệt hại lớn, và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

“Khan hiếm vaccine và nguy cơ từ các biến chủng mới tiếp tục là mối đe dọa cho khả năng phục hồi của hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu. Không ai được an toàn cho tới khi tất cả đều an toàn” - ông Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khẳng định.

“Thế giới đang trong giai đoạn vô cùng nguy hiểm của đại dịch Covid-19 do sự xuất hiện biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Biến thể Delta hiện đã có mặt ở ít nhất 98 quốc gia trên thế giới và biến thể này vô cùng nguy hiểm, do nó vẫn biến đổi và đang “thống trị” ở nhiều quốc gia. Cần theo dơi các đột biến mới của virus SARS-CoV-2, tầm quan trọng của việc xét nghiệm lây nhiễm, phát hiện sớm, cách ly người nhiễm và điều trị, cũng như cần tuân thủ tất cả biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội. WHO đã có 3 tỷ liều vaccine được phân phối trên thế giới, song chưa đầy 2% trong số này được đưa tới các nước nghèo. Mặc dù các nước giàu, trong đó có Anh, Canada, Mỹ, Pháp... cam kết viện trợ 1 tỷ liều vaccine Covid-19, WHO ước tính thế giới vẫn cần tới 11 tỷ liều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng”.

Tedros Adhanom Ghebreyesus Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới)