“Thế giới quốc tế hóa, còn mình địa phương hóa”

ANTĐ - Cuộc đối thoại của các chuyên gia giáo dục với những góp ý thẳng thắn, thậm chí gây sốc khi đề cập đến điểm nóng của giáo dục đại học Việt Nam đang tạo hiệu ứng xã hội khá rộng? Trao đổi với PV báo ANTĐ, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng cuộc đối thoại này bước đầu đã gây được sự chú ý, tạo ra phần nào áp lực đổi mới giáo dục đại học.

“Thế giới quốc tế hóa, còn mình địa phương hóa” ảnh 1
Xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ đa dạng là khâu then chốt
để nâng cao chất lượng đào tạo đại học


- Tại hội thảo về cải cách giáo dục ĐH vừa diễn ra ngày 1-8, GS Ngô Bảo Châu chỉ rõ điểm yếu của giáo dục ĐH ở chính quy trình xây dựng đội ngũ giảng viên ngược với thế giới. GS có đồng tình với nhận định này?

- Tôi hoàn toàn đồng tình. Ý kiến của tôi trong một số bài trả lời báo chí, bài viết trước đây và ngay trong báo cáo tại hội thảo này ngẫu nhiên cũng trùng với ý kiến của GS Ngô Bảo Châu. Cách xây dựng đội ngũ giảng viên của các trường ĐH nước ta không phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay. Ở các trường ĐH phương Tây, rất hiếm khi một sinh viên tốt nghiệp ĐH lại được trường đó đào tạo tiếp sau ĐH mà phải đào tạo ở trường khác để lấy nguồn thông tin mới, lấy phong cách làm việc mới. Cán bộ giảng dạy cũng vậy, họ tuyển từ rất nhiều nguồn trên thế giới chứ không phải như phần lớn các trường ĐH Việt Nam chỉ tuyển sinh viên do mình đào tạo ra. Làm như vậy thì tư duy sẽ không mới, chưa kể có những thầy cô còn “cấy” điểm cho con cháu mình cao lên để giữ lại trường. Ngô Bảo Châu nói rất đúng. Trong khi các trường ĐH thế giới đang quốc tế hoá thì mình lại địa phương hoá, “tại chỗ” hoá.

- GS nghĩ sao khi có khả năng cuộc đối thoại này sẽ chỉ là cuộc độc thoại nếu những ý kiến đóng góp kia chỉ được tiếp thu ở mức độ giới hạn, thậm chí có thể hoàn toàn chìm vào im lặng?

- Cuộc đối thoại này mới được mở lần đầu và mới diễn ra vài hôm nay. Nếu nói nó tác động vào dư luận và các trường ĐH như thế nào thì tôi chưa thể nói được nhưng tôi nhận thấy rõ sự quan tâm của các nhà giáo, các nhà khoa học, một số nhà quản lý và dư luận báo chí. 3 buổi diễn ra đối thoại, lúc nào đại biểu trong hội trường cũng đông. Có thể ở đây có sự tò mò của một số người tham dự bởi sự có mặt của Ngô Bảo Châu cùng những gương mặt thành đạt ở nước ngoài về. Nhưng giả sử nội dung đối thoại không hấp dẫn thì người ta cũng bỏ về sau buổi thảo luận đầu tiên rồi. Là người tham dự từ đầu đến cuối, tôi thấy hội thảo diễn ra sôi nổi, có nhiều tham luận, nhiều bình luận giá trị. Các nhà khoa học trong nước cũng đem đến cho hội thảo nhiều tham luận hay, có tầm vóc, nhất là một số nhà khoa học trẻ. Tôi tin là hội thảo dần dần sẽ tạo ra sự lan toả. Những người có sáng kiến mở hội thảo này chắc là cũng không định dừng ở đây. Tôi cũng mong muốn các cơ quan, tổ chức về giáo dục của mình thường xuyên tạo ra những diễn đàn như vậy để những vấn đề của quốc sách hàng đầu này được quan tâm hơn, bàn thảo thấu đáo hơn. 

- Tại hội thảo, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cũng thổ lộ rằng ngay cả người có vị trí đứng đầu 2 ngành khoa học và giáo dục cũng không thể ký mức lương cho GS Ngô Bảo Châu. Điều này dẫn đến nghi ngờ rằng không dễ dàng xoay chuyển nền giáo dục đại học, dù có thể chỉ rõ điểm yếu của nó?

- Trường hợp cụ thể mà Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu có lẽ là giả định và cũng mang ý nghĩa tượng trưng thôi. Tôi hiểu Bộ trưởng muốn nói là thẩm quyền của ngay các vị đứng đầu cấp Bộ cũng có giới hạn, chứ chưa nói đến thẩm quyền của các trường ĐH. Các trường ĐH phải có quyền tự chủ về nhân sự, ví dụ mời GS nào, tuyển bao nhiêu giảng viên, trả lương bao nhiêu nhưng ở nước mình trường lại chưa được tự chủ về mặt tài chính và nhân sự nên chưa quyết được. GS Ngô Bảo Châu cũng nói rằng ở nước ngoài, trường ĐH mời một GS về là để phát triển một ngành đào tạo. Muốn vậy phải tạo điều kiện để vị GS phát triển ngành theo mong muốn của nhà trường và cam kết giữa hai bên, không thể coi họ như một viên chức bình thường được.

- Vậy GS có cho rằng những đóng góp của Nhóm Đối thoại giáo dục và các chuyên gia trong hội thảo này đã tạo ra áp lực nhất định về việc phải đổi mới giáo dục ĐH?

- Những người đến hội thảo này, cả Nhóm Đối thoại giáo dục từ nước ngoài về lẫn anh em trong nước, đều mang tâm huyết, kinh nghiệm của mình đóng góp cho sự phát triển giáo dục ĐH Việt Nam, phát triển đất nước. Tham dự cả 3 buổi đối thoại có đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT là Thứ trường Bùi Văn Ga, người phụ trách trực tiếp mảng giáo dục ĐH. 

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, mặc dù đang dự phiên họp thường kỳ của Chính phủ ở Hà Nội, cũng tranh thủ vào dự trọn vẹn buổi đối thoại đầu tiên. Qua phát biểu của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, có thể thấy lãnh đạo ngành giáo dục nhìn nhận hội thảo này một cách rất cầu thị, nghiêm túc. Thậm chí, qua cảm nhận cá nhân của tôi, có những lúc vị đại diện Bộ GD-ĐT không khỏi bức xúc trước một số ý kiến trong hội thảo và một số tít bài trên báo chí. Điều này cho thấy hội thảo đã tạo ra những áp lực nhất định. Mong rằng áp lực này sẽ biến thành hành động cụ thể của những người có trách nhiệm để giải quyết công việc chứ không bị bỏ qua như không ít trường hợp khác. Tôi hy vọng những đóng góp tâm huyết trong hội thảo này sẽ không bị nguội đi qua nhiều lớp sàng của bộ máy hành chính.  

- Xin cảm ơn GS!