Thế giới ngầm Lobby

ANTĐ - Tổ chức minh bạch quốc tế vừa lên tiếng cảnh báo về thực trạng hoạt động lobby đang thao túng các quyết sách của giới lãnh đạo châu Âu, đồng thời cho rằng nếu không cải cách luật vận động hành lang thì khó có thể ngăn chặn biến tướng tham nhũng nói trên.

Thế giới ngầm Lobby ảnh 1Ranh giới giữa Lobby và hối lộ rất mong manh

Vận động hành lang (lobby) được hiểu là những hoạt động hậu trường, qua đó những người vận động (là người chuyển tải quan điểm của một bộ phận dân cư trong xã hội) có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới những thành viên của cơ quan lập pháp, thuyết phục họ thực hiện hoặc không thực hiện hành vi lập pháp mới để đạt được kết quả như những người vận động hành lang mong muốn.

Là nơi tập hợp những nước có nền kinh tế phát triển, châu Âu là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động lobby vốn được luật pháp công nhận. Tại Brussels (Bỉ), nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu (EU), lobby hoạt động nhộn nhịp như một ngành công nghiệp. Thống kê cho biết có khoảng 3.000 hãng lobby với số nhân viên khoảng 15.000 người, tương đương với số nhân viên của EU. Các cuộc đấu trí trong vận động hành lang công khai cũng khó khăn và căng thẳng không kém gì các cuộc tranh cãi trong nghị trường. 

Tuy nhiên, một phần hoạt động vận động hành lang ở châu Âu đã bị biến tướng khi các lobbylist (nhà vận động hành lang) muốn chọn con đường ngắn nhất và ít tốn kém nhất để đạt được mục đích. Đó là việc đưa hối lộ bằng nhiều hình thức như thông qua việc quyên góp, ủng hộ quỹ cho các chiến dịch của các chính trị gia, các nghị sĩ… dẫn đến tình trạng tham nhũng nghiêm trọng trong giới lãnh đạo. 

Thực tế cho thấy vận động hành lang thường được giới hạn ở các công ty lớn và quản lý cao cấp. Những người có lợi thế tài chính sẽ dễ dàng tiếp xúc với các nghị sĩ quốc hội. Do đó, các chính sách có xu hướng ưu ái các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực mạnh để họ có thể tài trợ cho nhiều hoạt động vận động hành lang sau này. 

Một ví dụ điển hình cho việc này là sự kiện đang gây ra nhiều lời xầm xì xung quanh khoản đóng góp lớn 690 nghìn euro của gia đình Quandt/Klatten, người hiện đang sở hữu gần 1/2 cổ phần hãng xe sang BMW, cho đảng CDU của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Nhiều người cho rằng khoản đóng góp trên được chuyển cho CDU trùng hợp với quyết định của chính quyền Berlin mạnh mẽ can thiệp để ngăn việc áp dụng những biện pháp nghiêm khắc kiềm chế khí thải carbon đối với các nhà sản xuất xe hơi châu Âu, mà xe của các công ty Đức như Daimler, BMW, Volkswagen đứng đầu về khối lượng khí thải carbon trên mỗi km vận hành.

Các công ty lobby cũng thường tìm cách khai thác những kẽ hở luật pháp tại Brussels, trong đó có kẽ hở cho phép một số cựu quan chức chính phủ sau khi nghỉ việc có thể tận dụng các mối quan hệ sẵn có của họ. Không phải ngẫu nhiên mà các công ty Hoa Kỳ hay đưa ra thù lao “khủng” để chiêu mộ các chính trị gia châu Âu - bao gồm cả các quan chức hàng đầu của Ủy ban, Nghị viện và Hội đồng châu Âu - 3 trụ cột của EU làm việc cho họ.

Rõ ràng để đối phó với các lobbylist chuyên nghiệp, hệ thống luật pháp đầy đủ là điều cần thiết để ngăn chặn hình thức tham nhũng tinh vi. Vận động hành lang sẽ không dẫn đến việc lệch lạc của công tác lập pháp nếu nó được sử dụng đúng đắn, tức là như một kênh để nắm bắt các nguyện vọng và đòi hỏi của một bộ phận dân cư. Châu Âu đang cần những quy định chặt chẽ hơn nhằm không thể để vận động hành lang trở thành những hoạt động ngầm mờ ám mang tính mua chuộc, không minh bạch.