Thế giới mong manh hơn

ANTĐ - Thế giới như đang trở nên mong manh, dễ rạn vỡ hơn khi mà vừa có thể bị rơi vào các cuộc khủng hoảng kinh tế lại vừa dễ bị cuốn vào các cuộc xung đột, bất ổn vốn đang nổi lên hay tiềm ẩn khắp nơi.

Khủng hoảng nợ công khiến Tây Ban Nha và nhiều quốc gia châu Âu bất ổn với 

những cuộc biểu tình dẫn tới bạo động

Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ (ODNI) ngày 16-12 đã đưa ra dự báo về tình hình thế giới trong năm 2013 cũng như những năm sau đó vào thời điểm thế giới sắp chia tay năm 2012 với ngổn ngang khủng hoảng nợ công, suy giảm kinh tế cùng nhiều bất ổn do xung đột bạo lực ở Trung Đông và tranh chấp lãnh thổ ở châu Á. Theo ODNI, tình hình và cục diện thế giới sẽ được định hình trên cơ sở 6 xu hướng chính.

Sự hồi phục chậm chạp của nền kinh tế thế giới sau cuộc đại khủng hoảng và suy thoái năm 2008 và sau đó là suy giảm kinh tế cùng khủng hoảng nợ công, theo ODNI, sẽ tiếp tục là nhân tố hàng đầu chi phối tình hình thế giới trong tương lai. Muốn tránh “vết xe đổ” khủng hoảng, thế giới cần phải quyết liệt hơn trong việc kiềm chế các khoản nợ công ngày càng tăng tại các nước phát triển. 

Các quốc gia như Mỹ, các nước châu Âu tiếp tục vật lộn với suy thoái và khủng hoảng nợ công trong khi những cường quốc kinh tế mới như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil... tiếp tục trỗi dậy sẽ khiến cho thị phần toàn cầu của các tài sản tài chính sẽ được phân bổ đều hơn. Tuy nhiên, sự biến động giá cả hàng hóa sẽ tác động xấu đến Trung Quốc, Ấn Độ... những quốc gia vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu và xuất khẩu.

Khuynh hướng thứ 2, theo ODNI, đó là những biến đổi nhanh của thế giới về cả kinh tế, xã hội và môi trường trong khi hệ thống cùng pháp luật nhằm quản trị các lĩnh vực này chưa theo kịp sẽ tạo ra các lỗ hổng đáng lo ngại. Quản trị không tốt trong những lĩnh vực này, ví như tình trạng khan hiếm nước do chịu tác động xấu của biến đổi khí hậu, thậm chí có thể dẫn tới sự sụp đổ của một số chính phủ.

Bên cạnh đó, ODNI cho rằng 2 xu hướng tiếp theo là xung đột lợi ích và xung đột khu vực vốn là những nhân tố gây ra nhiều cuộc đụng độ, chiến tranh và bạo lực sẽ tiếp tục chi phối thế giới. Cạnh tranh để giành các nguồn lực hay nguy cơ mới nảy sinh như tấn công trên mạng Internet... rất có thể là những nguyên nhân làm gia tăng khả năng xung đột giữa các quốc gia, cộng đồng.

Song đáng lo ngại nhất vẫn là những bất ổn tại khu vực Trung Đông và tranh chấp lãnh thổ dẫn tới chạy đua vũ trang ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những nhân tố này không những không giảm bớt mà trái lại có thể còn trở nên đáng lo ngại hơn khi có những quốc gia vốn đã có nhiều tham vọng về lãnh thổ lại được tiếp sức bằng sức mạnh toàn cầu mới vượt trội so với các quốc gia láng giềng.

Hai nhân tố cuối cùng ảnh hưởng tới tương lai sắp tới của thế giới, theo ODNI, là ảnh hưởng của các công nghệ mới và vai trò siêu cường số một thế giới trong nhiều lĩnh vực như GDP, chi phí quân sự, năng lượng, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nghiên cứu và phát triển... Cơ quan tình báo này của Mỹ cho rằng, công nghệ mới sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của thế giới, trong đó đặc biệt là 3 lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ người máy và công nghệ nguồn lực.

“Chốt” lại những dự báo, phân tích về triển vọng thế giới, ODNI khẳng định Mỹ vẫn tiếp tục giữ vai trò siêu cường số một trong nhiều thập kỷ nữa song cảnh báo Trung Quốc sẽ có sức mua tương đương vượt Mỹ và năm 2050.