- 150 con cá voi mắc cạn ở Nhật Bản
- Nhật Bản sẽ tiếp tục đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại, phớt lờ lệnh cấm quốc tế
- Bất chấp bị phản đối, Nhật Bản vẫn tiếp tục săn bắt cá voi
Các thành viên Tổ chức Greenpeace áp sát tàu của Nhật Bản để phản đối việc đánh bắt cá voi
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trước ngày đầu tiên của năm mới 2019 đã chính thức thông báo nước này sẽ chính thức ra khỏi Ủy ban Săn bắt cá voi quốc tế (IWC) vào ngày 30-6-2019. Sau khi rút khỏi IWC, Nhật Bản sẽ cho phép ngư dân đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại ở các vùng biển gần nước này và thuộc vùng đặc quyền kinh tế, song chưa cho phép khai thác ở khu vực biển Nam Cực với lý do đây là khu vực phục vụ nghiên cứu khoa học.
Như vậy, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các tổ chức bảo vệ môi trường biển cũng như cá voi đã thất bại trong nỗ lực thuyết phục Nhật Bản ở lại Ủy ban IWC nhằm kiểm soát hoạt động đánh bắt cá voi của quốc gia này. Nhật Bản - một trong những quốc gia đánh bắt cá voi nhiều nhất trên thế giới vào năm 1951 đã gia nhập IWC - Ủy ban được thành lập năm 1948 theo Công ước Quốc tế về săn bắt cá voi nhằm bảo tồn, duy trì sự phát triển và quản lý hoạt động săn bắt loài này.
IWC ra đời trong bối cảnh hoạt động săn bắt cá voi diễn ra với quy mô rất lớn trên thế giới, được mô tả như là sự “tàn sát” với loại động vật to lớn nhất trên các đại dương, đặc biệt là các quốc gia như Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch mà chỉ riêng Nhật Bản đã đánh bắt tới khoảng 2.000 con cá voi mỗi năm vào thập niên 1950. Nhằm cứu cá voi khỏi thảm họa diệt chủng, từ khoảng 300.000 con cuối thế kỷ XIX xuống còn khoảng chỉ 10.000 con, năm 1986, IWC đã đạt được thỏa thuận cấm đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại trên toàn thế giới.
Trong suốt hơn 3 thập kỷ qua, Nhật Bản luôn tìm mọi cách vận động để nối lại hoạt động săn bắt cá voi với lý do sau thời gian dài cấm đánh bắt số lượng cá voi đã hồi phục tương đối dồi dào trên thế giới, thậm chí Nhật Bản còn không ít lần đe dọa rút khỏi IWC để khỏi phải chịu một sự ràng buộc nào. Đáp ứng nhu cầu của Nhật Bản, IWC đã cấp hạn ngạch (quota) cho nước này mỗi năm được đánh bắt khoảng 300 con cá voi để phục vụ mục đích “nghiên cứu khoa học”.
Dù đã đánh bắt tới 333 con cá voi vì mục đích “nghiên cứu khoa học” trong mùa săn cá voi 2017-2018, trong đó có 122 con đang mang thai, song Nhật Bản vẫn muốn đánh bắt nhiều hơn thế. Nhật Bản đã đưa ra rất nhiều lý do nhằm vận động cho việc đánh bắt cá voi với số lượng lớn hơn nhiều “quota” được cấp như đàn cá voi trên toàn cầu đã hồi phục dồi dào, nghiên cứu khoa học, truyền thống văn hóa…, song ai cũng biết lý do quan trọng nhất là nhu cầu tiêu thụ cá voi của người dân Nhật Bản.
Việc Nhật Bản rút khỏi IWC để mở đường cho ngư dân nước này nối lại hoạt động đánh bắt cá voi từ ngày 1-7-2019 khiến các quốc gia và tổ chức quốc tế bảo vệ cá voi trên thế giới, nhất là Australia và Tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) phẫn nộ. Trong thông báo chung được đưa ra bởi Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Môi trường Melissa Price, Chính phủ Australia cho biết nước này “cực kỳ thất vọng” trước quyết định rút khỏi IWC để quay lại đánh bắt cá voi thương mại của Nhật Bản. Tổ chức Greenpeace cáo buộc, Nhật Bản đã cố tình chọn dịp cuối năm đưa ra tuyên bố rút khỏi IWC để tránh sự chú ý và chỉ trích; đồng thời lo ngại những quốc gia khác như Na Uy hay Đan Mạch “noi gương” xấu của Nhật Bản.
Nhiều quốc gia và tổ chức bảo vệ môi trường biển đã kêu gọi có các biện pháp cấm tàu đánh bắt cá voi của Nhật Bản, đi đôi với việc thiết lập các khu vực bảo tồn cá voi tại các vùng biển lạnh sát Nam Cực, nơi sinh sống chủ yếu của cá voi toàn cầu, để bảo vệ loài động vật to lớn nhất đại dương cũng như thế giới này.