Thế giới làm nhà máy điện hạt nhân mất 10 năm, Việt Nam muốn làm 5-6 năm thì cần đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trên thế giới, để hoàn thành một dự án điện hạt nhân mất khoảng 10 năm, nhanh nhất cũng 7-8 năm, nên Việt Nam đặt mục tiêu làm trong 5-6 năm thì cần cơ chế đặc thù đủ mạnh…
Ông Trần Quốc Nam, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận phát biểu

Ông Trần Quốc Nam, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận phát biểu

Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận: 1.300 hộ dân đã sẵn sàng bàn giao mặt bằng

Sáng nay, 17-2, Quốc hội thảo luận hai nội dung: Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Phát biểu tại đây, thay mặt cho địa phương có dự án điện hạt nhân đặt trên địa bàn, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Thuận cho biết, từ khi có Nghị quyết 41 Quốc hội khóa XII năm 2009 về đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân đến nay đã hơn 15 năm, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn luôn sẵn sàng tâm thế để triển khai thực hiện dự án.

Suốt 15 năm qua, nhân dân vùng lõi của dự án với hơn 1.300 hộ, trên 5.000 nhân khẩu đang chờ đợi, sẵn sàng bàn giao mặt bằng nhà ở, đất sản xuất, sinh kế cho nhà nước để triển khai thực hiện dự án.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Điện hạt nhân quốc gia, toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của hai nhà máy phải hoàn thành trong năm 2025 để bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư. Thời gian qua, Ninh Thuận đã và tiến hành ngay các công việc với một tinh thần xuyên suốt, đó là việc gì làm được thì làm ngay, không chờ đợi” – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nói.

Cũng theo ông Nam, tại Tờ trình số 74 của Chính phủ kèm theo dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại khoản 9 Điều 3 liên quan đến tỉnh Ninh Thuận có 7 nội dung. Tỉnh đề nghị bổ sung thêm 5 nội dung, đặc biệt những nội dung này đều liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.

Đây là những nội dung rất quan trọng cần phải có để tỉnh thực hiện ngay công tác giải phóng mặt bằng. Bởi hiện nay, Luật Đất đai năm 2024 nếu thực hiện theo những quy định của luật thì chắc chắn một năm cũng không thể nào triển khai hoàn thành.

“Ninh Thuận vì cả nước và cả nước hoàn thành nhiệm vụ công trình đặc biệt quan trọng để đất nước Việt Nam ta phồn vinh, hạnh phúc” – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nói thêm.

Đại biểu Dương Khắc Mai phát biểu

Đại biểu Dương Khắc Mai phát biểu

Cũng phát biểu góp ý về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) chia sẻ, một cử tri trẻ đã nhắn tin cho ông trước kỳ họp thứ 8 của Quốc hội rằng: “Điện hạt nhân rẻ, ổn định, ít phát thải và công suất lớn. Xin đừng để tuột mất cơ hội làm chậm sự phát triển của đất nước".

Theo ông Mai, với nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, tăng nhanh của Việt Nam thì việc phát triển điện hạt nhân là một yêu cầu tất yếu, khách quan và hợp quy luật.

Để dự án này được thực hiện thành công, ĐB Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ, đánh giá toàn diện các rủi ro, có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng về mọi mặt, có chính sách quản lý và giải pháp trước mắt lẫn lâu dài đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả và bền vững.

“Đây là lĩnh vực có công nghệ chuyên sâu, đặc thù, phức tạp, trong khi phải nhìn nhận thực tế trình độ nước ta có thể nói chỉ ở mức cơ bản trong lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực phụ trợ có liên quan. Do đó, chắc chắn phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài cùng với đó là vấn đề nguồn nhân lực để đáp ứng cho dự án cũng là một vấn đề lớn, nếu không đảm bảo thì ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng cũng như vận hành nhà máy…” – ĐB Mai dẫn ví dụ.

Chúng ta không bắt đầu từ con số 0

Đồng quan điểm, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cũng bày tỏ sự thống nhất về việc Quốc hội ban hành nghị quyết về một số chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo bà Tú Anh, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án điện hạt nhân đầu tiên của nước ta. Tuy nhiên, chúng ta không phải bắt đầu từ con số 0. Trước tiên, nhà máy điện hạt nhân là một loại nhiệt điện, nhiều khâu về cơ bản là giống như các nhà máy nhiệt điện thông thường đã được vận hành. Hay về lò phản ứng hạt nhân, kinh nghiệm vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt an toàn tuyệt đối mấy chục năm qua cũng ít nhiều được vận dụng…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Quốc hội

Phát biểu giải trình vào cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên một lần nữa nhấn mạnh về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

“Đây là dự án có công nghệ phức tạp, chỉ một số ít quốc gia sở hữu và nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn. Thông thường trên thế giới, để hoàn thành một dự án điện hạt nhân quy mô tương tự thì thời gian từ khi phê duyệt dự án đầu tư đến vận hành trong khoảng 10 năm. Trong đó, dự án tiến độ nhanh nhất cũng từ 7 đến 8 năm và đều phải có cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện những dự án này.

Do tính chất phức tạp của dự án điện hạt nhân và lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2030-2031 rất cần có những cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh như trong dự thảo nghị quyết để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian thực hiện” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.