Thế giới hướng tới mô hình kinh tế tăng trưởng xanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tăng trưởng xanh đã trở thành chìa khóa then chốt cho phát triển bền vững, đảm bảo sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng, đồng thời bảo vệ và giữ gìn môi trường. Đây là mục tiêu mà các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang nỗ lực hướng tới.
Nông nghiệp xanh được xem là mô hình phát triển nông nghiệp chủ đạo trong tương lai

Nông nghiệp xanh được xem là mô hình phát triển nông nghiệp chủ đạo trong tương lai

Xu thế chung toàn cầu

Trên thế giới hiện nay, mục tiêu phát triển không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, mà còn phải bảo đảm không gây tổn hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai. Trong khi đó, theo báo cáo về Khoảng cách tuần hoàn năm 2023 công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) đầu năm nay, tỷ lệ vật liệu được luân chuyển trở lại sau khi hết vòng đời sử dụng (còn gọi là vật liệu thứ cấp) hiện chỉ chiếm 7,2% tổng số nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế toàn cầu, giảm so với mức 8,6% vào năm 2020 và 9,1% vào năm 2018.

Đây là bằng chứng cho thấy kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu mới. Trên thực tế, nền kinh tế toàn cầu hiện tiêu thụ khoảng 100 tỷ tấn vật liệu mỗi năm, tăng gần gấp đôi kể từ năm 2000, trong đó 90% số vật liệu không được tái sử dụng. Dự báo đến năm 2050, mức độ khai thác và sử dụng vật liệu sẽ tăng gấp đôi so với năm 2015, đe dọa nghiêm trọng đến sự sống trên Trái đất.

Trong bối cảnh đó, chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính (mô hình kinh tế tập trung vào việc tiêu thụ nguồn tài nguyên một lần và sau đó loại bỏ chúng dưới dạng rác thải) sang kinh tế tuần hoàn (mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của nguyên vật liệu và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường) đang là xu thế chung của toàn cầu.

Lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn là chú trọng đến tăng trưởng xanh, tức là tăng trưởng mà duy trì hoặc khôi phục lại chất lượng và tính toàn vẹn của môi trường sinh thái, đồng thời đáp ứng các nhu cầu của tất cả mọi người với mức thấp nhất có thể tác động đến môi trường. Đây được xem là cách tiếp cận tốt nhất để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực gây cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, làm biến đổi khí hậu.

Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đến năm 2030, nền kinh tế tuần hoàn toàn cầu có thể mang lại lợi ích kinh tế 4.500 tỷ USD và hỗ trợ hoàn thành 10/17 mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Nền kinh tế tuần hoàn giúp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của con người chỉ với 70% số vật liệu mà thế giới hiện đang khai thác và sử dụng, qua đó hạn chế tác động của các hoạt động của con người ở mức an toàn đối với hành tinh.

Hướng tới tăng trưởng xanh, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra các chính sách riêng biệt. Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện và đến năm 2030 nhu cầu điện trung bình sẽ giảm 15%. Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải như yêu cầu các công ty sản xuất ô tô chuyển sang các mẫu xe kết hợp sử dụng cả điện và xăng dầu, cùng với việc cải tiến các động cơ để tiết kiệm nhiên liệu.

Với tham vọng trở thành “quốc gia xanh nhất” tại châu Âu và trên thế giới, Đan Mạch đặt mục tiêu tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được cung cấp bởi các nguồn nhiêu liệu tái tạo. Nước này đã thông qua mức thuế đặc biệt với việc xử lý chất thải, bao gồm cả mức phí xử lý chất thải xây dựng. Anh thì tập trung vào các biện pháp như khuyến khích kinh doanh sử dụng năng lượng hiệu quả, cải thiện nhà ở và giảm hóa đơn tiền điện và sưởi ấm, thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện có lượng khí thải thấp…

Ở châu Á, Hàn Quốc đã thông qua Chiến lược tăng trưởng xanh từ năm 2008, tập trung vào nguồn năng lượng mới và tái sinh, năng lượng có hàm lượng carbon thấp, quản lý nước công nghệ cao, ứng dụng công nghệ LED, hệ thống giao thông tiết kiệm năng lượng và thành phố xanh công nghệ cao... Singapore thì có chiến lược phát thải thấp theo hướng xanh, đặt lối sống bền vững là một trong năm trụ cột của Kế hoạch xanh 2021-2030 được ban hành bởi 5 cơ quan: Bộ Giáo dục, Bộ Phát triển quốc gia, Bộ Môi trường và Bền vững, Bộ Giao thông, Bộ Thương mại và Công nghệ.

Sự lựa chọn tất yếu của Việt Nam

Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Phát triển bền vững lấy tăng trưởng xanh làm chìa khóa then chốt đã trở thành yêu cầu cấp bách, được Đảng và Nhà nước định hướng đẩy mạnh nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và bảo vệ, giữ gìn môi trường. Đây là lựa chọn dài hạn để đảm bảo cân đối, hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế; là quá trình chuyển biến về tư duy, nhận thức trong sản xuất, tiêu dùng và lối sống, trong tư duy hoạch định và thực thi chính sách.

Trước hết, để đến giữa thế kỷ này trở thành quốc gia phát triển, văn minh, hiện đại, Việt Nam phải thực hiện mục tiêu kép là phát triển nhanh và xanh, với mức tăng trưởng GDP duy trì ở mức 6 - 7%/năm, đồng thời phải đưa công nghệ xanh vào phổ cập trong hoạt động kinh tế. Thêm vào đó, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai và biến đổi khí hậu, muốn phát triển bền vững, Việt Nam phải quan tâm đến chiến lược tăng trưởng xanh.

Đi vào triển khai, Chính phủ đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn. Các nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam còn thể hiện sự hưởng ứng tích cực với nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của thế giới bằng cam kết mạnh mẽ của chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và quyết định tham gia Thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một số nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và đối tác quốc tế khác. Những cam kết này sẽ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, đồng thời đóng góp cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu.

Đi vào cụ thể, Việt Nam đã xây dựng khoảng 13.000 tiêu chuẩn và gần 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho cùng mục đích “xanh”. Doanh nghiệp cùng người tiêu dùng vừa là chủ thể, vừa là đối tác đều có thể tìm hiểu và thực hiện sản xuất, tiêu dùng bền vững đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn này. Trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam tập trung chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng ưu tiên, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để giảm tối đa tình trạng khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong lĩnh vực nông nghiệp ,Việt Nam chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, áp dụng các quy trình sản xuất thân thiện môi trường và an toàn với sức khỏe con người, chú trọng nông nghiệp công nghệ cao…

Với chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam có thể thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; đồng thời tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.