Thế giới đón Năm mới 2021 khác lạ thời đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hàng triệu người dân trên khắp thế giới đang chuẩn bị cho một đêm Giao thừa đón Năm mới 2021 khác lạ với mọi năm khi lệnh phong tỏa, hạn chế tập trung đông người và giới nghiêm được áp đặt ở hàng chục quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Sự kiện này đánh dấu một năm kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới lần đầu tiên đề cập đến một căn bệnh viêm phổi bí ẩn ở Trung Quốc, sau đó được xác định là Covid-19, đã giết chết hơn 1,79 triệu người và tàn phá nền kinh tế toàn cầu theo những cách chưa từng có.

Người dân Anh được khuyến cáo ở nhà

Tại Vương quốc Anh, quốc gia ghi nhận 981 trường hợp tử vong trong bối cảnh gia tăng các ca nhiễm liên quan đến một biến thể Covid-19 mới, màn bắn pháo hoa nổi tiếng trên sông Thames ở Thủ đô London đã bị hủy bỏ. Người dân được khuyến cáo ở nhà và đón Năm mới qua màn hình tivi nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

Giáo sư Stephen Powis, Giám đốc Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS), nói rằng việc ở nhà và tuân thủ các quy định phòng dịch khi đón Năm mới 2021 sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm và giảm áp lực cho các bệnh viện.

Ông nói trong một cuộc họp báo ở Phố Downing: “Chúng tôi biết đây là cuối năm, đó là thời điểm mà mọi người theo truyền thống muốn ăn mừng. Nhưng điều tối quan trọng là năm nay, mọi người tiếp tục làm theo hướng dẫn bằng cách ở nhà và không tụ tập”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng kêu gọi mọi người tuân thủ các quy định và “đón năm mới an toàn ở nhà”.

Pháp triển khai 100.000 cảnh sát và hiến binh

Pháp thông báo sẽ triển khai 100.000 cảnh sát và hiến binh để ngăn chặn việc tổ chức tiệc tùng, tụ tập đông người và đốt phương tiện giao thông vào ngày 31-12 như từng xảy ra trong những năm trước.

Màn pháo hoa ở Khải Hoàn Môn, Pháp sẽ không diễn ra vào đêm Giao thừa 2020-2021

Màn pháo hoa ở Khải Hoàn Môn, Pháp sẽ không diễn ra vào đêm Giao thừa 2020-2021

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin cho biết, các sĩ quan cũng sẽ thực thi nghiêm ngặt lệnh giới nghiêm từ 20h tối đến 6h sáng trên toàn quốc như một phần của “cuộc chiến chống tụ tập trái phép nơi công cộng và hiện tượng bạo lực đô thị”.

Tại Đức, quốc gia đang áp lệnh phong tỏa một phần, Thủ tướng Angela Merkel cho biết, 2020 là năm khó khăn nhất trong 15 năm lãnh đạo của bà, nhưng việc bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 khiến 2021 trở thành một năm của hy vọng.

Quảng trường Thời đại không mở cửa cho công chúng

Tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 20 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 336.000 người tử vong vì Covi-19 theo thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins, các thành phố cũng sẽ thay đổi cách thức đón mừng Năm mới.

Quả cầu pha lê nổi tiếng được lắp đặt ở Quảng trường Thời đại

Quả cầu pha lê nổi tiếng được lắp đặt ở Quảng trường Thời đại

Chính quyền thành phố New York đã thông báo rằng Quảng trường Thời đại sẽ không mở cửa cho công chúng, mặc dù quả cầu pha lê nổi tiếng đang được lắp đặt ở quảng trường này. Theo đó, sự kiện đếm ngược đón Năm mới 2021 tại đây vẫn sẽ được tổ chức và phát sóng trực tiếp, nhưng người dân không được phép tập trung trên quảng trường như mọi năm.

Sydney: Người dân đón năm mới qua tivi ngăn dịch Covid-19 lây lan

Tại Sydney, thành phố lớn nhất của Australia, nơi số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng hàng ngày, thay vì có mặt từ sớm ở bến cảng để giành vị trí đẹp thưởng thức màn bắn pháo hoa nổi tiếng lúc nửa đêm, mọi người đã được yêu cầu ở nhà và đón năm mới qua tivi để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan.

Khung cảnh vắng lặng ở bến cảng Sydney

Khung cảnh vắng lặng ở bến cảng Sydney

Nhưng ở New Zealand, quốc gia thành công trong việc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 sau đợt phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài 7 tuần, các kế hoạch tổ chức đêm Giao thừa đón Năm mới 2021 vẫn diễn ra bình thường.