Thế giới đắt đỏ và khan hiếm nguồn cung do đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sau hơn 1 năm đại dịch bùng phát và sự xuất hiện của vaccine phòng ngừa Covid-19, nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, nhưng không đồng đều. Giờ đây, rủi ro chính đối với các thị trường là lạm phát không kiểm soát được. Do thiếu hụt nguồn cung, giá cả các loại hàng từ lương thực, thực phẩm đến kim loại đều tăng.
Chi phí vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới trở nên đắt đỏ do dịch Covid-19

Chi phí vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới trở nên đắt đỏ do dịch Covid-19

Rơi vào tình trạng khan hiếm nghiêm trọng

Nhu cầu ô tô, hàng gia dụng và một số sản phẩm khác tăng mạnh dẫn đến sự tăng giá của hầu hết các loại hàng hóa này. Để đón đầu đợt tăng giá còn lớn hơn, các nhà sản xuất đã tổ chức dự trữ hàng hóa. Đồng, quặng sắt, thép, cà phê, lúa mì, ngô, đậu nành, gỗ xẻ, chất bán dẫn, nhựa, thùng carton để đóng gói hàng hóa rơi vào tình trạng khan hiếm nghiêm trọng và không thể bổ sung trong một thời gian dài.

Việc vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới cũng trở nên đắt đỏ hơn. Trong thời kỳ dịch Covid-19, giá cước vận chuyển container giữa châu Mỹ và châu Á qua Thái Bình Dương tăng gấp 3 lần, còn trên các tuyến đường xuyên Đại Tây Dương, giá đã tăng gần gấp đôi. Giá lương thực thế giới tăng tháng thứ 11 liên tiếp. Nguyên nhân của tình trạng này, theo các chuyên gia, là do giá đường, bơ, thịt, các sản phẩm từ sữa và ngũ cốc tăng mạnh.

Trong bối cảnh nguồn cung giảm và nhu cầu cao, giá ngô tăng 66,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chạm mức cao nhất vào năm 2013. Giá lúa mì thế giới tăng hơn 17% cao hơn so với tháng 4-2020. Giá thịt tăng 1,7% trong tháng 4-2021 và 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp giá thịt đi lên.

Giá đường tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu cao. Giá ngô, đậu và các loại cây trồng khác tăng do nhiên liệu thực vật lên ngôi. Một yếu tố khác khiến giá cả tăng cao là sự thiếu hụt lao động. Giá dầu cọ tăng 120% trong một năm qua và đạt mức kỷ lục. Hiện 1 tấn có giá hơn 1.090 USD. Malaysia và Indonesia, các nhà cung cấp dầu cọ chính, chiếm khoảng 84% thị trường thế giới. Chè Ấn Độ được dự báo sẽ tăng giá do dịch Covid-19 bùng phát ở đây…

Lạm phát trên thế giới gia tăng

Sự phục hồi của kinh tế toàn cầu làm giá kim loại tăng. Giá đồng tăng lên mức kỷ lục 9,75 USD/tấn. Theo các nhà phân tích tại Goldman Sachs và Trafigura, giá sẽ vượt mức kỷ lục năm 2011 là 10,19 nghìn USD và sẽ tăng đáng kể khi cầu vượt cung. Các chuyên gia tin rằng, giá kim loại này sẽ còn tăng với sự ra đời của năng lượng xanh và trong bối cảnh nguồn cung giảm. Giá nhôm và quặng sắt cũng tăng. Giá nhôm giao tháng 4-2021 gần đạt mức 2,4 nghìn USD/tấn. Giá quặng sắt đã vượt 170 USD/tấn, mức cao nhất kể từ năm 2011. Tình trạng khan hiếm chất bán dẫn đã xuất hiện vào năm ngoái, trong đó ngành công nghiệp ô tô bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vì chip được dùng cho cả hệ thống điều khiển động cơ và hệ thống hỗ trợ người lái.

Sự phục hồi kinh tế không đồng đều dẫn đến lạm phát gia tăng không kiểm soát được trên toàn thế giới. Vào cuối tháng 4-2021, lạm phát ở Mỹ đã tăng lên 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Cho đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì lãi suất ở mức 0,25%. Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã bắt đầu thắt chặt chính sách tín dụng và tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm lên 5%/năm. Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Nga, lạm phát ở nước này trong tháng 4-2021 giảm xuống 5,53%. CBR tin rằng, lạm phát sẽ giảm về mức 4% vào năm 2022.