Thế giới chung tay thu hẹp khoảng cách tiếp cận vaccine Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ triển khai một nền tảng chung nhằm giúp các quốc gia thu hẹp khoảng cách trong việc tiếp cận vaccine, phương pháp điều trị và công nghệ liên quan tới dịch bệnh Covid-19.
Nhiều quốc gia châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vaccine Covid-19 nghiêm trọng

Nhiều quốc gia châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vaccine Covid-19 nghiêm trọng

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) Daren Tang và Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala nêu rõ trong tuyên bố chung: “Chúng tôi sẽ triển khai một nền tảng chung về hỗ trợ công nghệ ba bên cho các nước liên quan tới nhu cầu của họ đối với công nghệ y khoa liên quan tới Covid-19”.

2,8 tỷ liều vaccine được sử dụng ở 216 quốc gia và vùng lãnh thổ

Cụ thể, nền tảng này sẽ hỗ trợ các quốc gia trong việc tiếp cận và ưu tiên hóa những nhu cầu chưa được đáp ứng đối với vaccine ngừa Covid-19, thuốc điều trị và các công nghệ có liên quan khác. Nền tảng này cũng sẽ giúp các nước tận dụng mọi sự lựa chọn sẵn có để tiếp cận những công cụ như vậy, trong đó thông qua hợp tác với các nước cũng đang đối mặt với những thách thức tương tự.

Theo thống kê, gần 2,8 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được sử dụng ở ít nhất 216 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở những nước có thu nhập cao nhất theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), cứ 100 dân thì có 76 liều vaccine được sử dụng. Trong khi đó, ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, tỉ lệ này là 1 liều/100 dân.

Trong khi đó, các chuyên gia lại cảnh báo đã xuất hiện một biến thể mới của virus SARS CoV-2 là Delta Plus, được đánh giá còn nguy hiểm hơn các biến thể trước đó. Sau khi xác định những ca nhiễm Delta Plus đầu tiên ở Maharashtra, Kerala và Madhya Pradesh ở Ấn Độ, Bộ Y tế nước này khuyến cáo 3 bang trên tăng cường các biện pháp ngăn chặn ở những khu vực bị ảnh hưởng, trong đó bao gồm cấm tụ tập đông người, xét nghiệm trên diện rộng, truy dấu thần tốc cũng như ưu tiên triển khai tiêm vaccine.

Nhưng biến thể mới cũng đã sớm được phát hiện ở nhiều bang khác như Punjab, Andhra Pradesh, Karnataka, Tamil Nadu và Jammu & Kashmir. INSACOG - một mạng lưới gồm 28 phòng thí nghiệm của Bộ Y tế Ấn Độ tham gia công việc giải trình tự gene, thông báo cho Chính phủ Trung ương ngày 22-6 rằng biến thể Delta Plus có 3 đặc điểm đáng lo ngại: khả năng truyền nhiễm cao hơn, bám chặt hơn vào các thụ thể của tế bào phổi và làm giảm khả năng đáp ứng của kháng thể đơn dòng.

Vaccine hiện tại có tác dụng đối với các biến thể đã biết

Theo các chuyên gia, Delta Plus có một đột biến gọi là K417N - lần đầu tiên được phát hiện trong biến thể Beta (nguồn gốc từ Nam Phi - cũng là một biến thể gây lo ngại). Điều đó, cùng với thực tế là Delta Plus cũng sở hữu tất cả các đặc tính khác của Delta, có thể làm cho biến thể mới nhất này trở nên dễ lây nhiễm hơn nhiều.

Giám đốc Viện Khoa học Y tế toàn Ấn Độ (AIIM) Randeep Guleria đánh giá, Delta Plus dễ lây đến mức chỉ cần đi cạnh một bệnh nhân nhiễm biến thể này không đeo khẩu trang thì cũng có thể bị mắc Covid-19. Ông Randeep Guleria đồng thời lưu ý mặc dù việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19 sẽ hỗ trợ đáng kể trong đối phó với biến thể mới, nhưng giới chức Ấn Độ lo ngại Delta Plus có cơ chế lẩn tránh hệ miễn dịch cũng như có khả năng chống lại các kháng thể đơn dòng.

Hiện có rất ít dữ liệu về Delta Plus và biến thể này cũng mới chỉ xuất hiện ở 9 quốc gia khác gồm Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Ba Lan, Nepal, Nga và Trung Quốc.

Tiến sĩ A.Fathahudeen - người đã điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 đánh giá các loại vaccine hiện tại dường như có tác dụng đối với các biến thể đã biết, nhưng không có gì đảm bảo những vaccine này sẽ có tác dụng đối với các biến thể mới. Có nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh dù đã được tiêm phòng Covid-19, nhất là những người mới chỉ tiêm một mũi đầu tiên. Tiến sĩ Fathahudeen cho rằng có thể trì hoãn và ngăn chặn bùng phát dịch với biến thể này bằng các biện pháp thích hợp như giải trình tự để theo dõi các đột biến và thực thi nghiêm ngặt các quy định an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Gần 2,8 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng ở ít nhất 216 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới

Gần 2,8 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng ở ít nhất 216 quốc gia và vùng lãnh thổ

trên thế giới

Vaccine của AstraZeneca, Pfizer hiệu quả với biến thể Delta, Kappa

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra năng lực của các kháng thể trong mẫu máu của người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine trong việc vô hiệu hóa các biến thể Delta và Kappa. Cụ thể, vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca và liên doanh Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức) vẫn có hiệu quả chống lại hai biến thể của SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tại Ấn Độ là Delta và Kappa.

Thông tin trên là kết quả một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford thực hiện và công bố trên Tạp chí Cell ngày 23-4, qua đó khuyến khích các nước đẩy mạnh chương trình tiêm chủng để phòng dịch Covid-19. Để có được kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra năng lực của các kháng thể trong mẫu máu của người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine trong việc vô hiệu hóa các biến thể Delta và Kappa. Tuần trước, Cơ quan Y tế công vùng England (PHE) của Anh cũng khẳng định các loại vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer Inc-BioNTech và AstraZeneca vẫn có hiệu quả bảo vệ người tiêm chủng cao (tới hơn 90%) để không phải nhập viện điều trị do nhiễm biến thể Delta.

Ngoài nghiên cứu về hiệu quả của các loại vaccine hiện có trong phòng, chống dịch Covid-19, các nhà khoa học của trường Đại học Oxford cũng đang phân tích các trường hợp tái nhiễm. Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy bệnh nhân Covid-19 do nhiễm biến thể Beta phát hiện lần đầu tại Nam Phi và biến thể Gamma tại Brazil sau khi được điều trị vẫn có nguy cơ cao tái nhiễm biến thể Delta. Ngược lại, biến thể Alpha hay còn gọi là B117 được phát hiện đầu tiên tại Anh lại có khả năng bảo vệ người khỏi bệnh trước nguy cơ tái nhiễm mọi loại biến thể. Do đó, Alpha có khả năng trở thành ứng cử viên tiềm năng để nghiên cứu và phát triển vaccine phòng ngừa biến thể mới một cách triệt để hơn.

Mỹ chuyển 3 triệu liều vaccine cho Brazil

Hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Brazil đang diễn biến phức tạp với hơn 18 triệu người nhiễm và hơn 500.000 người đã tử vong. Dịch bệnh cũng là nguyên nhân gây chia rẽ sâu sắc dư luận nước này trước cuộc bầu cử Tổng thống tại nước này vào năm 2022.

Tại một diễn biến khác, Mỹ sẽ chuyển 3 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của Hãng dược phẩm Johnson & Johnson cho Brazil, nước hiện đang có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao thứ 2 thế giới. Đây là một phần trong cam kết của Washington tài trợ 80 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước thế giới. Lô vaccine này sẽ được chuyển từ thành phố Fort Lauderdale của bang Florida, trên chuyến bay của Hãng Azul Airlines tới thành phố Campinas, Đông Nam Brazil.

Mexico thông báo sẽ tài trợ 400.000 liều vaccine phòng Covid-19 cho các nước thuộc Tam giác Bắc Trung Mỹ gồm Guatemala, Honduras và El Salvador. Bộ Ngoại giao Mexico cho hay số vaccine trên sẽ được chuyến bằng máy bay quân sự, trong đó Guatemala và Honduras mỗi nước sẽ nhận 150.000 liều, trong khi El Salvador được nhận 100.800 liều.

Theo thống kê, hiện mới chỉ có 3,8% dân số Guatemala được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong khi tỷ lệ này tại Honduras và El Salvador lần lượt là 4,9% và 22,3%. Cho tới nay, 3 quốc gia trên đã nhận được vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Sputnik V, Janssen và Sinovac.

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đã kêu gọi các nước chia sẻ số vaccine dư thừa, đồng thời cảnh báo các nước châu Mỹ sẽ phải mất nhiều năm để khống chế dịch Covid-19 nếu tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 vẫn ở mức độ hiện nay. PAHO cũng chỉ rõ mới chỉ có 10% dân số Mỹ Latinh và Caribe được tiêm chủng đầy đủ.