Thế giới chia rẽ sau những cáo buộc của Mỹ nhằm vào Iran

ANTD.VN - Sau vụ tấn công 2 tàu chở dầu ở khu vực vịnh Oman hôm 13-6 vừa qua, thế giới lại một lần nữa lo sợ trước những căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran, đặc biệt, kể từ khi chính phủ Mỹ lên tiếng cáo buộc Iran đứng đằng sau âm mưu tấn công trên. Cáo buộc này của Washington đã khiến các quốc gia trên thế giới chia rẽ giữa việc ủng hộ Mỹ hay phản đối. 

Tàu chở dầu bị tấn công khi di chuyển qua khu vực eo biển Hormuz

Vụ tấn công 2 tàu chở dầu

Như Reuters đưa tin, ngày 13-6-2019, các vụ tấn công bí ẩn nhằm vào 2 tàu chở dầu Kokura Courageous của Nhật và Front Altair của Na Uy ở vùng vịnh Oman đã khiến giá dầu tăng cao. Mặc dù không có thương vong về người do thủy thủ đoàn cả 2 con tàu đều được sơ tán, nhưng vụ việc đã gây lo ngại về khả năng xung đột quân sự tại khu vực. Cuộc tấn công trên đã nhắm tới không chỉ 2 tàu chở hàng thông thường mà cả huyết mạch của nền kinh tế Mỹ và thế giới. Vụ việc đã khiến Tổng thống Mỹ đe dọa đưa quân tới vùng vịnh Oman.

Trước động thái trên, Liên hợp quốc đã lên tiếng kêu gọi các bên bình tĩnh và hạ nhiệt căng thẳng. Các con tàu bị tấn công có điểm đến là châu Á, không có liên hệ với Mỹ, song Washington đã cam kết bảo vệ tuyến vận chuyển dầu qua vịnh Ba Tư. Kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990, Mỹ tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực để tiếp tục cam kết đó. Vịnh Oman nối với vịnh Ba Tư qua eo biển Hormuz rộng 34 km và 1/3 lượng dầu thô, 1/5 lượng khí tự nhiên của thế giới đi qua vùng biển này. Nếu eo biển Hormuz bị tắc nghẽn hoặc dòng chảy dầu thô bị gián đoạn vì nguyên nhân nào đó, lợi ích của Mỹ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công tàu chở dầu

Mỹ cáo buộc Iran

Theo Washington Post, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công, đẩy căng thẳng giữa 2 nước lên cao nhất trong 3 thập kỷ. Phía Iran đã phủ nhận toàn bộ những cáo buộc trên và nói đang bị vu oan. Tối 13-6, Lầu Năm Góc công bố đoạn video đen trắng, qua đó các quan chức Mỹ chỉ ra cảnh thủy thủ Iran gỡ bỏ mìn chưa nổ khỏi thân tàu Kokuka Courageous của Nhật. Dựa vào đó, phía Mỹ cho rằng, Iran đã gài mìn và đang cố phi tang. Kết luận này sẽ khó để Mỹ không phản ứng mạnh tay.

Hôm 16-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tái khẳng định, nước này đang cân nhắc nhiều phương án đối phó với khủng hoảng Iran, trong đó không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự. Tuy nhiên, vị quan chức ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh “Tổng thống Trump không muốn tiến tới chiến tranh”. Sau đó, nhóm cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump đã tiến hành họp bàn về khả năng triển khai thêm lực lượng quân sự tới Trung Đông. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã phê duyệt kế hoạch triển khai thêm 1.000 binh sĩ tới Trung Đông với mục đích phòng thủ.

Vị trí chiếc MQ-4C bị bắn hạ do Mỹ công bố

Phản ứng quốc tế

Trước nguy cơ sẽ phải tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm chống lại Iran, Mỹ đang tích cực kêu gọi sự trợ giúp của đồng minh và mới đây nước Anh đã đáp lời họ. Hãng thông tấn Al Masdar News cho biết, Anh đã quyết định gửi 100 binh sỹ thủy quân lục chiến đến khu vực vịnh Ba Tư để bảo vệ các tàu quân sự và tàu thương mại sau sự cố xảy ra gần đây ở vịnh Oman. Tương tự như những nhận xét đã được Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đưa ra trước đó, Bộ Ngoại giao Anh cáo buộc lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công.

Theo tờ The Sunday Times, Thủy quân lục chiến Anh từ căn cứ 42 Commando gần thành phố Plymouth sẽ thành lập nhóm đặc nhiệm số 19 để tuần tra khu vực vịnh Ba Tư từ căn cứ hải quân của nước này đặt tại Bahrain. Quyết định của Anh không gây ngạc nhiên vì từ lâu London vẫn được biết đến như một đồng minh quan trọng bậc nhất của Washington, chính sách của họ thường gắn với Mỹ “như hình với bóng”. Lực lượng Thủy quân lục chiến Anh được đánh giá là rất thiện chiến, có tính kỷ luật cao, sẽ đóng góp vai trò đắc lực trong liên minh quân sự chống lại Iran đang dần được hình thành.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cáo buộc đích danh Iran nhiều lần, nhưng tính tới nay, chỉ có Anh và Ả rập Xê út là các nước lớn hiếm hoi đồng tình với Mỹ. Một số quốc gia vẫn dường như vẫn khá thận trọng trước bằng chứng của Washington. SCMP dẫn nguồn tin chính phủ Nhật Bản nói rằng, Tokyo chưa cảm thấy lý giải của Mỹ đủ thuyết phục để cáo buộc Iran.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc  Antonio Guterres kêu gọi một cuộc điều tra độc lập. Bộ Ngoại giao Đức cũng tỏ ra hoài nghi với video mà Mỹ cung cấp và nhấn mạnh rằng, điều này chưa đủ để Berlin đưa ra đánh giá. Bên cạnh đó, một số nước lớn có quan hệ gần gũi với Iran như Trung Quốc và Nga đang kêu gọi các nỗ lực ngoại giao để làm xuống thang căng thẳng.

Hình ảnh đường bay của UAV Mỹ (xanh lá) và ranh giới lãnh hải Iran (xanh biển) do Tehran công bố

Động thái phía Iran

Sau khi Mỹ cáo buộc Iran đứng sau cuộc tấn công 2 tàu chở dầu, chính phủ Iran ngay lập tức lên tiếng phủ nhận. Tuy vậy vẫn có thể thấy rằng, căng thẳng giữa 2 bên đã tăng lên đáng kể. Hôm 20-6, Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ khiến tình hình khu vực Trung Đông trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Iran khẳng định, vụ việc xảy ra trong không phận của Iran khi chiếc máy bay Iran cho là chiếc RQ-4 Global Hawk đang bay tới cảng Iran Chabahar.

Dù Iran đã nhiều lần ra cảnh báo đây là khu vực không được phép xâm nhập, song phi cơ trên vẫn tiếp tục di chuyển trong tình trạng tàng hình, điều này đã vi phạm các quy tắc của hàng không quốc tế, buộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran phải tấn công. Tuy nhiên, giới chức Mỹ lại đưa ra một bằng chứng trái ngược cho thấy, chiếc máy bay bị bắn hạ khi đang bay ở không phận quốc tế. 

Trong một tuyên bố, ông Bill Urban - Người phát ngôn của Centcom (Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ tại khu vực Trung Đông) cho biết, một chiếc MQ-4C Triton đã bị bắn hạ vào sớm 20-5 (theo giờ địa phương) trên không phận quốc tế tại khu vực eo biển Hormuz, cách điểm gần nhất của bờ biển Iran khoảng 34km. MQ-4C Triton là một máy bay không người lái trị giá hơn 100 triệu đô la.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng rằng, “động thái này từ phía Iran là một quyết định vô cùng sai lầm”. Tuy nhiên sau đó, người đứng đầu Nhà Trắng lại dịu giọng khi nhận định, vụ bắn hạ máy bay có thể là một sự nhầm lẫn nào đó đến từ phía Iran. Theo tờ Guardian, Tổng thống Mỹ phát biểu với báo giới rằng: “Tôi có thể tưởng tượng một viên tướng của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã phạm sai lầm khi bắn hạ máy bay”.

Hiện những căng thẳng tại khu vực vịnh Oman vẫn đang được cả thế giới quan tâm. Sau 2 vụ tấn công liên tiếp xảy ra chỉ trong 1 tuần, rất nhiều khả năng sẽ có xung đột quân sự diễn ra tại đây. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, cả Mỹ và Iran dường như vẫn đang cố gắng để không đưa căng thẳng lên cao.