Thế giới cận kề cuộc chiến thương mại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đưa ra các chính sách áp đặt thuế mới nhằm vào các đối tác thương mại cùng phản ứng của các nước đang tạo nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thương mại toàn cầu với những hậu quả khó lường.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký biên bản ghi nhớ áp thuế nhập khẩu đối ứng với các nước

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký biên bản ghi nhớ áp thuế nhập khẩu đối ứng với các nước

“Từ khóa” nóng nhất trong thương mại quốc tế

Có thể nói thuế quan hiện là “từ khóa” nóng nhất trong thương mại quốc tế. Gắn liền với đó là các dự báo về các nguy cơ, nhỏ thì là “căng thẳng”, lớn có thể là “thương chiến”, giữa các nước liên quan và thậm chí là rủi ro với cả hệ thống thương mại toàn cầu. Tất cả đều bắt đầu từ những chính sách thương mại mới của ông Donald Trump.

Vừa quay lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump ngay lập tức thông báo áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ngoài các mức thuế hiện hành. Bên cạnh đó, ông công bố triển khai, sau đó hoãn một tháng mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và hàng nhập khẩu không phải năng lượng từ Canada.

Tiếp đó, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu mà “không có ngoại lệ hoặc miễn trừ nào”. Cũng theo sắc lệnh này, thép và nhôm nhập khẩu phải được “nung chảy và tạo hình” ở Mỹ, một yêu cầu được cho là nhằm hạn chế các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nga tràn vào Mỹ qua nước thứ ba. Thuế quan với thép và nhôm còn mở rộng với cả sản phẩm hạ nguồn sử dụng thép và nhôm sản xuất ở nước ngoài, bao thép kết cấu chế tạo và nhôm.

Chưa dừng ở đó, hôm 14-2, ông Trump ký tiếp biên bản ghi nhớ áp thuế nhập khẩu đối ứng với các quốc gia khác hiện áp đặt thuế với hàng hóa Mỹ. Ông gợi ý các nước hoặc giảm thuế nhập khẩu hoặc loại bỏ hoàn toàn thuế này nếu không muốn bị Mỹ áp thuế. Các nước có áp dụng hệ thống thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng bị coi là áp thuế nhập khẩu, việc chuyển hàng sang nước thứ 3 để né thuế sẽ không được chấp nhận. “Chúng tôi muốn một sân chơi sòng phẳng. Hệ thống thuế nhập khẩu đối ứng sẽ mang lại sự công bằng”, ông Trump cho biết trong cuộc họp báo trước thềm cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đang ở thăm Mỹ.

Trước mắt, Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ được yêu cầu chuẩn bị báo cáo chi tiết về hướng xử lý với từng quốc gia có quan hệ ngoại thương với Mỹ. Họ sẽ xem xét trước các trường hợp có thặng dư thương mại lớn nhất và áp dụng thuế nhập khẩu cao nhất với Mỹ. Thuế nhập khẩu đối ứng sẽ không có hiệu lực ngay mà có thể phải vài tuần hoặc vài tháng mới được áp dụng. Mục đích là nhằm cho phép các quốc gia có thời gian đàm phán các điều khoản thương mại mới với Mỹ.

Sau mức thuế quan 25% với nhôm và thép, ô tô nhiều khả năng là mục tiêu tiếp theo trong chiến lược thuế quan của chính quyền Trump. Những người ủng hộ ông Trump tin rằng các biện pháp thuế quan mới sẽ giúp đưa các nhà máy và việc làm trở lại nước Mỹ, đồng thời giảm thâm hụt thương mại của Mỹ hiện đã lên tới 1.200 tỷ USD trong năm 2024.

Trong hơn 3 thập niên kể từ giữa những năm 1990, thương mại thế giới đã chứng kiến sự phát triển ấn tượng chủ yếu nhờ vào hệ thống các quy tắc thương mại đa phương trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mà “ba chân kiềng” là “không phân biệt đối xử”, “minh bạch” và “tính có thể dự đoán trước”. Áp dụng trong trường hợp thuế quan, điều này có nghĩa là một nước không thể áp thuế cao hơn mức đã cam kết, không thể áp đặt các mức thuế khác nhau lên các đối tác vì các lý do kinh tế - chính trị, và cũng không thể đơn phương trả đũa trước hành động mà mình cho là không đúng của đối tác.

Trong khi đó, những biện pháp thuế quan của ông Trump đã phá vỡ các quy tắc quan trọng này, nhất là khi chúng được áp dụng mà chẳng cần viện dẫn (dù chỉ là hình thức) đến bất kỳ căn cứ pháp lý nào. Nếu đây là tiền lệ cho những hành động tương tự ở các khía cạnh khác hoặc với các công cụ khác, có thể dự đoán được thương mại thế giới sẽ bất ổn và bị tổn hại nghiêm trọng như thế nào trong lâu dài.

Những dấu hiệu leo thang đối đầu

Trên thực tế, các lệnh áp thuế mới đây của ông Trump đã dẫn tới những hành động trả đũa cũng bằng thuế quan từ các nước liên quan. Trung Quốc, như đã thấy, ngay lập tức tuyên bố tăng thuế thêm 10-15% lên một số loại khoáng sản, năng lượng, máy móc phương tiện của Mỹ từ ngày 10-2-2025, chưa kể các biện pháp phi thuế khác như điều tra chống độc quyền Google, khởi kiện ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Canada trước khi Mỹ hoãn lệnh áp thuế cũng đã dự kiến trả đũa bằng mức thuế bổ sung 25% lên khoảng 155 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Trong luật thương mại, cụm từ “cuộc chiến thương mại” thường đề cập đến một chuỗi các biện pháp áp thuế và đối phó leo thang. Với những gì đang diễn ra, thế giới đã nhìn thấy những dấu hiệu ban đầu của sự leo thang như vậy. Tuy nhiên, đã số các nước đều tìm cách tránh để tình hình phức tạp đến mức bùng nổ thành một cuộc chiến thương mại thực sự.

Trong cuộc họp trực tuyến khẩn cấp của các bộ trưởng thương mại EU tuần trước, dù vẫn có quan điểm “diều hâu” như của Pháp ủng hộ phản ứng nhanh chóng từ Ủy ban châu Âu, các nước thuộc phe “ôn hòa” như Đức, Italia và Hungary đều cho rằng “sẽ hợp lý hơn nếu chờ đợi các biện pháp tiếp theo và giữ liên lạc với phía Mỹ”. Họ muốn xem xét các biện pháp trả đũa cụ thể thay vì vội vàng đưa ra tuyên bố như cách làm của Mỹ.

Các nước châu Á thì tỏ ra thận trọng, ngoại trừ Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết sẽ đệ đơn khiếu nại lên WTO về mức thuế quan của Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Cheong In Kyo nói rằng mức thuế 25% của ông Trump đối với thép và nhôm nhập khẩu sẽ làm giảm nhu cầu thép của Mỹ và làm xói mòn lợi nhuận của các nhà xuất khẩu thép. Tuy nhiên, ông cho biết mức thuế này có thể tạo cơ hội cho các công ty Hàn Quốc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.

Để tránh căng thẳng với Mỹ, Ấn Độ tìm cách gia tăng mua hàng hóa của Mỹ. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Mỹ, hai nước đã thỏa thuận về việc Ấn Độ mua rất nhiều dầu lửa và khí đốt hóa lỏng của Mỹ. Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với việc Mỹ bán cho Ấn Độ các máy bay hiện đại và xe quân sự cũng đã được đề cập.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết sẽ chủ trì một hội nghị chuyên đề nhằm thúc đẩy động lực của doanh nghiệp tư nhân, trong đó đề cập các thách thức mà các công ty Trung Quốc phải đối mặt như căng thẳng leo thang với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Hội nghị có sự xuất hiện trở lại của tỷ phú Jack Ma - nhà sáng lập Alibaba, người từng đối mặt với sự phản đối của chính phủ và gần như biến mất khỏi công chúng trong nhiều năm kể từ năm 2020. Bên cạnh tỉ phú Jack Ma còn có Giám đốc điều hành Pony Ma của gã khổng lồ công nghệ Tencent, ông Lei Jun - giám đốc điều hành sản xuất của Xiaomi và ông Wang Xingxing - người sáng lập công ty robot Yushu Technology…

Riêng đối với Australia, Thủ tướng Anthony Albanese cho biết Mỹ đang cân nhắc miễn trừ thuế cho Canberra. “Về thuế quan, chúng tôi đã thảo luận về lập trường của Úc khi nói đến thuế quan, đặc biệt là đối với thép và nhôm. Tổng thống Mỹ đồng ý rằng một lệnh miễn trừ đang được xem xét vì lợi ích của cả hai nước chúng ta”, ông Albanese nói sau cuộc gọi điện với ông Trump.