Trong những ngày qua, thế giới đang dồn hết sự chú ý vào cuộc tấn công khủng bố ở Pháp mà dường như lãng quên đi “thảm sát đẫm máu nhất” trong lịch sử của Boko Haram, giết chết hơn 2000 người dân Nigeria vô tội. Cùng là thảm sát, thậm chí con số người chết kỷ lục ở Nigeria cũng không được quan tâm như một vụ khủng bố với số người thiệt mạng ít hơn rất nhiều. Vì sao lại xuất hiện "sự thiên vị" này, lý do là do đâu?
Thế giới bỏ quên thảm sát 2000 người ở Nigeria vì Charlie Hebdo?
Truyền thông mất cân bằng
Điều đầu tiên phải lưu ý đó là sự phủ sóng không đồng đều của các phương tiện truyền thông. Vụ việc này cũng đã dẫn đến cuộc tranh luận công khai về vai trò của truyền thông trong việc đưa tin các sự kiện cũng như lựa chọn mức độ quan trọng của sự kiện để đưa tin cho công chúng.
Trong khi Paris là một thành phố lớn, nổi tiếng và có hàng ngàn phóng viên được trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại, tất cả đều dễ dàng gửi thông tin về sự kiện Charlie Hebdo, thì Baga lại là một thị trấn ở phía cuối đông bắc Nigeria, trên bờ biển Chad. Không giống như Paris, khu vực này không an toàn cho các nhà báo khi các chiến binh Boko Haram vẫn tự do đi lại, và quân đội chính phủ vẫn đang đấu tranh để bảo vệ khu vực.
Boko Haram đã giết chết hơn 2000 người dân vô tội trong một vụ thảm sát đẫm máu
Khi Pháp biểu tình đoàn kết, mọi người trên thế giới đều có thể xem những hình ảnh trên máy tính bảng và điện thoại thông minh. Nhưng với một thị trấn xa xôi của Nigeria, không phải lúc nào cũng được kết nối Internet và có đầy đủ phương tiện truyền tải. Nhiều khi những chiến dịch tuyên truyền ở Nigeria lại vô hình chung liên kết các nhóm cực đoan bí mật lại với nhau.
Trước đó, truyền thông Nigeria cũng từng đưa tin tuyên truyền về chiến dịch “Bring back our girl” (tạm dịch là mang những cô gái của chúng tôi trở lại) của chính phủ. Tuy nhiên, chiến dịch này đã bị thất bại.
Sự thất bại này bị đổ lỗi do chính phủ Nigeria không có khả năng đối phó với Boko Haram, mặc dù đã có viện trợ quân sự từ Washington, cũng như vì tham nhũng chính trị và vi phạm nhân quyền trong đất nước. Nhiều người dân bày tỏ sự phản đối với các tổ chức chính trị đất nước khi họ nghĩ rằng chính phủ không hành động dứt khoát. Và một điều đáng buồn hơn, trong lúc đất nước hoạn nạn, Tổng thống Nigeria lại bày tỏ lời chia buồn với các nạn nhân trong cuộc tấn công Charlie Hebdo, chứ không phải cho những người bị giết bởi Boko Haram.
Động lực chính trị
Mặc dù sự bất lực của chính phủ Nigeria khi giải quyết Boko Haram là cái cớ để giải thích sự thờ ơ của thế giới đối với sự kiện thảm sát 2000 người, nhưng công bằng mà nói động lực chính trị cũng có vai trò trong việc này.
Thị trấn Baga tan hoang sau cuộc càn quét của Boko Haram
CNN lưu ý, sự chú ý của thế giới vào Charlie Hebdo và cuộc biểu tình đoàn kết dân tộc theo sau nó đã “làm lợi” cho Tổng thống đương nhiệm Pháp François Hollande, người mà trước các cuộc tấn công chỉ có một 13% tỉ lệ ủng hộ, đồng thời cũng sẽ làm tổn thương đối thủ của ông Hollande, lãnh đạo “mặt trận Quốc gia” bà Marine Le Pen.
Trong khi đó, Nigeria lại có vấn đề ngược lại. Wall Street Journal nói rằng những gì mà Boko Haram đang kiểm soát là thành trì của người Hồi giáo, đối lập với Tổng thống hiện tại Goodluck Jonathan, một người Kitô hữu. Do đó, tuyên truyền về đau thương của người Hồi giáo khi một người Ki tô hữu làm chủ đất nước sẽ không hề có lợi cho ông Jonathan trong cuộc bầu cử Nigeria vào tháng 2 sắp tới.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng truyền thông thế giới bỏ qua thảm kịch ở Nigeria và các mối đe dọa của Boko Haram là điều đáng bị lên án. Sau những hỗ trợ quốc tế và cuộc diễu hành đoàn kết ở Pháp, Đức Tổng Giám mục Nigeria Kaigama, nói với BBC rằng "Chúng ta cần tinh thần đó được lan truyền xung quanh. Không chỉ khi khủng bố xảy ra ở châu Âu, mà ngay cả khi xảy ra ở Nigeria hay những quốc gia khác”.