Thế giới ảo - hậu quả thật: Vô vàn ca khó đỡ, khó ngờ

ANTD.VN - Mạng xã hội là một phần rất quan trọng trong cuộc sống của giới trẻ, nó tương tự như sợi dây kết nối họ với thế giới bên ngoài. Khi nói đến từ “nghiện”, người ta thường nghĩ ngay đến rượu và ma túy. Tuy nhiên, trong vòng 20 năm trở lại đây, một loại nghiện mới đã xuất hiện - đó là “nghiện” mạng xã hội. 

Tự tử, mất việc, bỏ vợ vì… mạng xã hội

Một thiếu niên người Anh nghiện chụp ảnh “selfie” tới mức đã tìm cách tự tử vì cậu ta không thích bất kỳ bức ảnh nào mình chụp. Danny Bowman (19 tuổi), đã dành tới 10 tiếng mỗi ngày để chụp 200 bức ảnh của mình trên điện thoại iPhone. Chứng nghiện này trở nên tồi tệ đến mức cậu ta bỏ học. Sau đó cậu ta tìm cách kết liễu đời mình bằng cách uống thuốc quá liều, nhưng may mắn giữ được mạng sống do mẹ cậu ta kịp thời can thiệp.

“Tôi đã liên tục tìm kiếm một bức ảnh “selfie” hoàn hảo và khi tôi nhận ra mình không thể và tôi chỉ muốn tìm đến cái chết. Tôi đã mất bạn bè, sự nghiệp học hành, sức khoẻ và gần như cuộc đời của tôi”, Bowman kể lại với tờ Daily Mirror. Sau vụ việc của  Bowman, các nhà tâm thần học bắt đầu xem xét hành vi nghiện chụp ảnh “selfie” có thể gây ra vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. 

Trong khi đó, tại Trung Quốc, một thiếu niên bị cho là đã bị đánh đập đến chết tại một trung tâm cai nghiện internet hồi năm ngoái. Tân Hoa xã cho hay, Deng Senshan, 15 tuổi, tử vong khoảng chưa đầy một ngày sau khi bố mẹ đưa cậu đến trại cai nghiện internet ở tỉnh Quảng Tây. Các bạn học của Deng nói rằng, cậu bị giáo viên đánh đập.

Tân Hoa xã dẫn lời nhà chức trách địa phương cho biết, thi thể của Deng có nhiều vết thương. 4 nhân viên trung tâm đã bị bắt giữ để điều tra. Nghiện internet là một vấn đề xã hội nghiêm trọng ở Trung Quốc khi 200 triệu người sử dụng internet ở độ tuổi từ 15 đến 35. Học sinh trung học và đại học cũng tìm đến internet như một cách giải tỏa tâm lý vì phải đối mặt với áp lực rất lớn từ cha mẹ để thành công trong học tập. 

 Cũng vì “nghiện” Internet mà một nữ diễn viên ballet đã chia sẻ hình ảnh cánh tay mình đang chảy máu trước khi tự sát. Tallulah Wilson (15 tuổi), đã đắm chìm trong thế giới ảo khi em gặp khó khăn trong cuộc sống. Em tự tạo cho mình một nhân vật ảo trên mạng để nhận được sự quan tâm. Khi bị mẹ nói về việc tưởng tượng quá nhiều, Tallulah nói rằng “vì em được 18.000 người yêu quý trên mạng”. Ngày hôm sau, em rời nhà ở West Hampstead, tây bắc London (Anh) và bị tàu đâm tử vong vào cuối ngày hôm đó, ngày 12-10-2012. Trước đó, Tallulah thường xuyên vào các trang web bị cho là khuyến khích tự tử và hậu quả là cô đã lao mình vào đoàn tàu. 

Trong khi đó, vào tháng 3-2014, Jenna Betti, một bé gái 14 tuổi đã bị một tàu chở hàng ở Martinez, California (Mỹ) đâm phải sau khi em tìm cách nhặt điện thoại di động của mình rơi trên đường ray.

Trước vụ việc của Jenna Betti một tháng, một cô gái Ấn Độ 24 tuổi đã thể hiện sự phản đối với bố mẹ khi hai người cáo buộc cô là người “nghiện” Facebook bằng cách treo cổ tự sát. Sushma Goswami, 24 tuổi, đã trở nên nghiện mạng xã hội Facebook với hàng giờ liền ngồi trước máy tính. Em trai cô cũng như vậy.

Cả hai khiến bố mẹ vô cùng tức giận khi dành quá nhiều thời gian trực tuyến mà bỏ bê các công việc hàng ngày. Mỗi chị em Sushma Goswami đều có tới hàng nghìn bạn bè trên Facebook, mặc dù bình thường họ sống khá kín đáo. Sau cuộc đối đầu với cha mẹ, Goswami đã tự nhốt mình trong phòng và treo mình lên quạt trần tự sát.

Vì quá mải mê dùng Facebook, một nữ du khách đến thăm Australia đã bước nhầm vào vùng nước đang bị đóng băng khi đang đi bộ ra cầu tàu ở cảng vịnh Philip. May mắn cho cô là có người nhìn thấy và kịp thời báo cho cảnh sát. Trong khi đó, Larry Carlat từng là một biên tập viên cho một tạp chí nổi tiếng dành cho đàn ông, nhưng vì nghiện Twitter mà ông đã bị mất việc. Một tháng sau, Carlat cũng ly hôn do “nghiện” mạng xã hội này. Trong hơn 3 năm sử dụng Twitter với trên 30 Tweet mỗi ngày và trên 25.000 người theo dõi, cuối cùng Larry Carlat cũng tuyên bố sẽ từ bỏ mạng xã hội này và xóa bỏ tài khoản Twitter vĩnh viễn.

 “Nghiện” mạng xã hội đã gây ra nhiều hệ lụy cho giới trẻ tại nhiều quốc gia trên thế giới

 Cổ đông muốn Apple có biện pháp hạn chế trẻ em dùng iPhone

“Nghiện” mạng xã hội có thể không gây hại cho cơ thể như thuốc lá và rượu, nhưng nó lại có khả năng phá hoại lâu dài đối với cảm xúc, hành vi và các mối quan hệ của chúng ta. Chính vì thế, hai trong số các cổ đông lớn nhất của Apple đã yêu cầu “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ cần có biện pháp hạn chế tình trạng trẻ em dùng iPhone quá nhiều như hiện nay.

Theo tờ Wall Street Journal, Jana Partners LLC và Retirement System (California State Teachers) đã gửi thư yêu cầu Apple phát triển các công cụ giảm thời gian trẻ nhỏ dùng iPhone nhằm tránh ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của thế hệ tương lai. Bức thư trích dẫn nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra mối liên hệ giữa việc lạm dụng “smartphone” ở trẻ và nguy cơ tự tử tăng cao. 

Theo đó, những thanh thiếu niên Mỹ dùng smartphone quá 3 giờ/ngày có nguy cơ tự tử 35%, và trên 5 giờ là 71%. Tình trạng thiếu ngủ cũng thường gặp ở nhóm thanh thiếu niên sử dụng smartphone trên 5 giờ/ngày. Đặc biệt, những trẻ dành quá nhiều thời gian để đọc các bài viết trên mạng xã hội có nguy cơ bị phân tâm trong học tập và dễ bị trầm cảm hơn. Jana Partners LLC và Retirement System muốn  Apple phải có biện pháp tối ưu cách sử dụng iPhone, đồng thời giúp các bậc phụ huynh kiểm soát và giới hạn thời gian dùng iPhone của trẻ hiệu quả hơn.