Thẻ đầy ví, tiền rỗng không

ANTĐ - Để thu hút khách hàng, thời gian qua các ngân hàng đã không ngừng tung ra các chương trình khuyến mại phát hành thẻ ATM miễn phí. Điều này đã dẫn đến tình trạng có những khách hàng sở hữu hàng chục thẻ ATM nhưng sử dụng chỉ một vài thẻ, gây lãng phí không nhỏ…
 

Minh họa: LÊ PHƯƠNG

Một người sở hữu hàng chục thẻ ATM

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến giữa năm 2011, cả nước có gần 34 triệu thẻ thanh toán do các ngân hàng phát hành, gồm thẻ ATM, thẻ tín dụng... trong đó, thẻ ATM chiếm hơn 90%. Con số này là chưa đầy đủ bởi còn vô số thẻ ATM chưa sử dụng lần nào. Và trong thời gian tới, số thẻ ATM sẽ tiếp tục tăng lên do các ngân hàng vẫn đang trong quá trình chạy đua phát hành thẻ. Chị Vũ Thu Trang - nhân viên kế toán tại một công ty xây dựng ở Hà Nội than phiền: “Hiện nay trong ví của tôi lúc nào cũng có gần chục cái thẻ, gồm cả thẻ ATM và thẻ tín dụng, trong đó phần lớn là thẻ ATM.

Tuy vậy tôi chỉ thường xuyên sử dụng một thẻ. Ban đầu tôi cũng không có ý định làm nhiều thẻ ATM song do bị mời chào quá nhiệt tình, nhân viên các ngân hàng không những gọi điện thường xuyên cho tôi mà họ còn đến tận cơ quan để giới thiệu, quảng cáo. Cả nể, lại không muốn bị làm phiền thêm nên tôi thường nhận. Và thế là số thẻ ATM trong ví ngày một nhiều lên. Có những thẻ tôi đã kích hoạt, dù chưa sử dụng lần nào nhưng hàng tháng tôi vẫn phải trừ một khoản phí để duy trì tài khoản. Điều này khiến tôi có cảm giác như mình đang bị các ngân hàng móc túi”.

Còn theo anh Vũ Đình Trung - một kỹ sư xây dựng: “Ngay từ khi còn là sinh viên, do các ngân hàng phát hành thẻ ATM miễn phí đến tận trường mời mọc nên tôi đã mở tài khoản ở 4 ngân hàng nhưng hàng tháng chỉ sử dụng một thẻ với một vài lần rút tiền do bố mẹ ở quê gửi tiền cho. Đến khi đi làm, cơ quan lại trả lương qua thẻ ATM nhưng qua một ngân hàng mới nên vì nể tôi có thêm một thẻ ATM nữa. Cách đây 2 tháng tôi có 2 người bạn làm ở 2 ngân hàng khác nhau tiếp tục mời tôi làm thẻ ATM. Tuy không có nhu cầu song do bạn tôi nói cần mời được người làm thẻ để đảm bảo chỉ tiêu hàng tháng nên tôi miễn cưỡng nhận lời, thậm chí còn thuyết phục thêm mấy người ở cơ quan nhận thẻ. Đến nay tôi đã có 7 thẻ ATM trong ví, vứt đi không đành mà để lại thì cũng chẳng biết dùng vào việc gì. Đống thẻ này đã gây cho tôi khá nhiều phiền phức. Một lần khi về quê, vợ tôi nhìn thấy ví tôi có nhiều thẻ nên sinh nghi, nghĩ tôi có nhiều tiền làm “quỹ đen” đã giận dỗi hàng tháng trời. Tôi giải thích mãi cô ấy vẫn không chịu hiểu! Tôi nghĩ rằng để làm ra được một chiếc thẻ ATM các ngân hàng phải mất một khoản phí không nhỏ. Nếu khách hàng không có nhu cầu sử dụng thẻ thì chiếc thẻ đó đã trở thành rác, gây lãng phí lớn”…

Gây lãng phí lớn

Theo một đại diện của Hội Thẻ Việt Nam, số lượng thẻ ATM không được sử dụng hiện có thể lên tới 50%. Ngân hàng nào có lượng phát hành thẻ cao, khách hàng sử dụng thẻ thường xuyên thì số lượng thẻ không sử dụng cũng phải khoảng 30%. Đây là con số khổng lồ khi mà điều kiện sử dụng thẻ ở Việt Nam chưa thực sự trở nên phổ biến. Song, điều đáng nói là hầu hết các ngân hàng đều tham gia cuộc chạy đua phát hành thẻ, thậm chí còn huy động cả sinh viên và lực lượng lao động phổ thông đi tiếp thị phát hành thẻ. Điều này dẫn tới tình trạng có những công nhân lương tháng được vài triệu đồng nhưng trong túi cũng có tới dăm ba thẻ ATM, tổng số dư của hàng chục tài khoản chỉ là 500.000-600.000 đồng!

Theo ông Đặng Đình Thắng - một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do không ít ngân hàng xem việc phát hành thẻ là một trong những hoạt động hiệu quả nhằm quảng bá thương hiệu. Bên cạnh đó, việc phát hành thẻ ATM cũng được xem là một kênh huy động vốn lãi suất thấp của các ngân hàng. Bởi mỗi tài khoản của khách hàng phải có số dư tối thiểu là 50.000 - 100.000 đồng. Với mỗi thẻ, số dư này không lớn song nếu nhân với hàng triệu thẻ thì số tiền không hề nhỏ. Nguồn lợi này đã khiến các ngân hàng liên tục chạy theo số lượng, phát hành thẻ càng nhiều càng tốt. Một nguyên nhân nữa khiến việc sử dụng thẻ ATM không hiệu quả là do các ngân hàng đang áp dụng hình thức thanh toán thẻ ATM theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Mỗi đơn vị đầu tư một hệ thống với công nghệ riêng gây lãng phí cho chính ngân hàng mà còn gây bất lợi cho người sử dụng thẻ. Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng chỉ đầu tư đặt máy tại những vị trí thuận lợi nhất như siêu thị, bệnh viện, nhà hàng, trung tâm thương mại... mà bỏ quên các chợ, cửa hàng buôn bán trên đường phố. Và ngay cả khi mua hàng tại siêu thị, nếu thanh toán bằng thẻ, khách phải đến chỗ thanh toán thẻ ký xác nhận số tiền mua hàng vào chứng từ do máy in ra rồi mới được nhận hàng nên thường mất khá nhiều thời gian cho việc thanh toán. Vì vậy, dù có thẻ ATM nhưng khách hàng rất ngại và ít có điều kiện sử dụng.

Để thị trường thẻ phát triển bền vững và các thẻ ATM được phát hành ra đều được sử dụng hiệu quả, thay vì chạy theo số lượng thẻ ảo, mỗi ngân hàng cần không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ đi kèm, các thẻ ATM của ngân hàng ra đời sau cần được chú trọng đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, tiện ích và sự khác biệt để tạo niềm tin cho khách hàng hơn các thẻ đã phát hành trước. Ngân hàng nào có nhiều dịch vụ tiện ích qua thẻ, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng sẽ giữ chân được khách hàng. Có như vậy, số lượng thẻ ATM, thẻ tín dụng không được sử dụng mới dần dần được giảm bớt…

 Thẻ đầy ví, tiền rỗng không ảnh 2

Lãng phí không cần thiết

Ở những nước phát triển thẻ ATM hay thẻ visa giống như một chiếc ví điện tử, rất tiện lợi, khách hàng không cần mang theo tiền mặt để thanh toán và có thể kiểm tra những khoản chi tiêu của mình một cách đầy đủ, chính xác khi kiểm tra số dư tài khoản cá nhân trên máy tính. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, với mong muốn nhanh chóng phát triển số lượng thẻ, các ngân hàng đã đưa ra chỉ tiêu tối thiểu số thẻ phát hành mà các nhân viên ngân hàng phải đạt được, thậm chí không ít ngân hàng còn chi phần trăm cho các cộng tác viên để phát hành thẻ càng nhiều càng tốt. Các nhân viên này vì muốn đạt được doanh thu nên đã tìm mọi cách, thậm chí bỏ qua một số công đoạn để phát hành thẻ. Tôi cho rằng, lỗi này một phần là do ngân hàng chưa kiểm soát chặt chẽ các công đoạn khi phát hành thẻ, chưa xem xét yếu tố khách hàng có nhu cầu sử dụng thẻ thật sự hay không mà chỉ lo cho lợi ích, doanh số thẻ phát hành của ngân hàng mình. Việc này chẳng khác nào như sim điện thoại rác tràn lan trong thời gian qua.

Anh Dương Huy Hoàng (Giám đốc phát triển kinh doanh - Công ty Du lịch SaPa)

 
Không nên phát hành thẻ đại trà

Nếu khách hàng chỉ dùng thẻ để rút tiền lương của mình chứ không dùng để thanh toán và tài khoản luôn rỗng thì việc phát hành thẻ ATM không đem lại lợi ích đáng kể cho ngân hàng lẫn tiến trình giảm thanh toán không dùng tiền mặt. Phần lớn những khách hàng tham gia mở thẻ ATM trên thực tế không có nhu cầu sử dụng. Hiện nay, thói quen thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong đời sống người dân nên việc dùng thẻ ATM như một cách thay thế cho cách thanh toán bằng tiền mặt xem ra vẫn chưa được người dân chọn lựa. Do vậy, trước khi ngân hàng phát hành thẻ đến khách hàng nên xét đến yếu tố mức thu nhập bình quân, nhu cầu sử dụng thẻ để thanh toán của cá nhân đó có thực sự phù hợp khi phát hành thẻ hay không. Khi điền vào bảng thông tin cá nhân, ngân hàng nên đưa ra những câu hỏi như: Khách hàng đã sử dụng thẻ ATM của ngân hàng nào trước đó chưa, có nhu cầu sử dụng thêm không, lý do tại sao… Nếu khách hàng không đưa ra những thông tin đủ để thuyết phục ngân hàng phát hành thẻ thì cũng nên đưa ra lời khuyên để khách hàng có lựa chọn hợp lý, tránh tình trạng phát hành thẻ một cách bừa bãi, đại trà, không có chất lượng như hiện nay.

Chị Phạm Thanh Thúy (Nhân viên ngân hàng)