Thay vì đánh thuế mua nhà thứ 2, nên xem xét điều tiết thuế đất?

ANTD.VN - Việc đánh thuế nhà ở thứ 2 sẽ tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực, thay vào đó nên điều chỉnh thuế đất phù hợp để vừa giải quyết yêu cầu tăng thu cho ngân sách, vừa kích thích sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS), tránh đất bỏ hoang, dùng sai mục đích.

Đề xuất mở rộng cơ sở thuế để tăng thu cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh hiện nay được nhiều chuyên gia đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên đề xuất đánh thuế nhà ở thứ 2 đang nhận được những ý kiến phản hồi từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Họ cho rằng nhà nước chỉ nên điều chỉnh thuế đất thay vì đánh thuế nhà ở thứ 2. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc đánh thuế nhà ở thứ 2 cần nhưng chưa phù hợp vào lúc này.

Đánh thuế nhà ở thứ 2 gây hiệu ứng tiêu cực cho thị trường BĐS

Mới đây, Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó có việc đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên để hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí. Thông tin này khiến nhiều ý kiến lo ngại việc đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên sẽ tác động xấu tới thị trường bất động sản (BĐS). Chưa kể, việc áp dụng sắc thuế này sẽ khiến thị trường BĐS vừa khởi sắc sẽ trở nên trầm lắng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, các sắc thuế và phí không chỉ riêng ở các bất động sản mà kể cả các ngành khác đều rất quan trọng, bởi nó đảm bảo nguồn ngân sách Nhà nước. Việc đánh thuế và phí cũng giúp cho điều tiết thị trường, nếu thị trường quá nóng thì tăng phí để giảm bớt sức nóng ảo. Hiện, thị trường BĐS đang rất ổn định, chỉ mới phục hồi được mấy năm sau một thời gian khủng hoảng dài.

Vì vậy, những sắc thuế và phí gì đưa ra trong thời điểm này đều phải rất thận trọng. Nếu ta đánh thuế cao thì nguồn cung sẽ giảm đi, đánh thuế nhà ở thứ 2 sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhà cho thuê. Ở các nước châu Âu, thị trường nhà ở cho thuê chiếm tới 70%, trong khi ở Việt Nam chúng ta mới chỉ chiếm 10%. Còn nếu đánh thuế nhà ở thứ 2 để tránh đầu cơ lại chưa phù hợp

Ông Trần Như Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường, cho rằng cần làm rõ mục tiêu của việc đánh thuế nhà ở thứ 2. Nếu nói đánh thuế nhà ở thứ 2 giúp sử dụng đất đai hiệu quả hơn thì còn nhiều điều cần phải bàn. Hiện chúng ta đang để nhiều dự án sử dụng đất sai mục đích, dẫn đến hiệu quả không cao.

Liên hệ với chính sách đánh thuế nhà ở thứ 2 của Singapore, ông Trung cho rằng, điều kiện, hoàn cảnh và chính sách nhà ở của Singapore khác hoàn toàn với chúng ta. Toàn bộ phần vốn đầu tư nhà ở là từ nhà nước, cộng với chính sách nhà ở của Singapore rất thành công nên người dân và người nước ngoài đua nhau mua nhà thứ 2, thứ 3. Vì vậy Singapore đã đánh thuế nhà thứ 2 là 3%, nhà thứ 3 là 5%, thậm chí cao hơn nữa.

Đồng quan điểm này, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cho biết việc đánh thuế nhà ở thứ 2 khó thực hiện ở Việt Nam. Nếu đánh thuế nhà ở thứ 2 sẽ “giết chết” thị trường nhà cho thuê, vì người mua nhà thứ 2 bị đánh thuế, người thuê nhà sẽ phải chịu phần tăng giá. Như vậy sẽ rất khó khăn với người thuê nhà bởi chủ yếu là người có thu nhập thấp.

Nên điều chỉnh thuế đất hợp lý thay vì đánh thuế nhà thứ 2

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, nếu yêu cầu để tăng thu cho ngân sách nhà nước – đây là điều chính đáng, thì nên xem xét việc điểu chỉnh thuế nhà đất thay vì tập trung vào việc đánh thuế nhà ở thứ 2 trở nên. Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện tại, việc đánh thuế nhà ở thứ 2 sẽ tác động tiêu cực tới thị trường. Nếu thị trường nhà đất rơi vào, khủng hoảng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực.

 “Chúng ta đang vội vã học hỏi Singapore trong đánh thuế nhà ở thứ 2. Nhưng ở Singapore khác Việt Nam khi nhà ở cùng một nguồn cung của nhà nước, do đó chính phủ mới có thể áp thuế. Nếu muốn kêu gọi đầu tư hiệu quả trên đất không nên đánh thuế nhà. Tôi ủng hộ không đánh thuế nhà, chỉ đánh thuế đất với ý nghĩa khẳng định sự hiện hữu của chủ sử dụng ở đây, đảm bảo các công tác hạ tầng” - GS. Đặng Hùng Võ, chuyên gia BĐS nêu quan điểm.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, nên cải cách chính sách đánh thuế sử dụng đất, nhất là đất phi nông nghiệp, không nên đánh thuế trên giá trị của đất. Muốn cải thiện, nuôi dưỡng nguồn thu phải thay đổi toàn diện. Còn đánh thuế giá trị đất với khu vực nông thôn hầu như không đáng kể.

Về thuế nhà ở thứ 2, ông Hà cho rằng chưa phù hợp, bởi để chống đầu cơ cần sửa đổi thuế thu nhập cá nhân trong BĐS, các quy định đánh thuế nhà phải chặt chẽ, thời gian giữ và bán nhà khác nhau phải thuế khác nhau. Những đất bỏ hoang, không sử dụng cần phải áp thuế cao để tránh lãng phí. Những nhà, đất cho thuê đã nộp thuế thu nhập cá nhân, nên khi cho thuê việc đánh thuế nhà ở cần được giảm.

Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cũng cho rằng, hiện Nhà nước đang đánh thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện mức thấp. Điều này chưa đủ để chủ đất đất sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và chưa chống được đầu cơ. Ngoài ra, tại nhiều quốc gia trên thế giới, thuế BĐS được coi là một nguồn thu ngân sách lớn, đồng thời hạn chế đầu cơ BĐS. Nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Hoa Kỳ áp dụng thuế BĐS cao hơn Việt Nam.