Thầy thuốc hải quân 20 năm bám biển

ANTĐ - Trên nhà giàn Phúc Tần C, quần đảo Trường Sa, trong căn phòng rộng chưa đầy chục mét vuông, tôi gặp Trung tá Trần Văn Du, bác sỹ Quân y - người chăm lo sức khỏe cho cán bộ chiến sỹ chốt giữ vùng Nhà giàn thềm lục địa phía Nam Tổ quốc và các ngư dân hoạt động đánh bắt, bám biển suốt hai mươi năm qua.

20 năm ngủ chòng chành

So với các đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa, việc lên nhà giàn khó khăn hơn nhiều, không gian cũng chật chội hơn nhiều, bởi tất cả mọi sinh hoạt của cán bộ chiến sỹ nhà giàn, đều tập trung ở một cái… “chuồng chim khổng lồ” nhô lên trên mặt biển, ở độ cao vài chục mét.

Căn phòng của Trung tá, bác sỹ Quân y Trần Văn Du nằm ở mé ngoài của khu nhà giàn hình lục giác. Trong căn phòng chưa được chục mét vuông ấy, anh kê được chiếc giường cá nhân, chăn màn gấp vuông vức như quy định của lính; chiếc bàn làm việc; chiếc tủ đựng quần áo đủ chỗ cho vài ba bộ… Và cẩn trọng nhất, được dành nhiều không gian nhất, đó là tủ thuốc với đầy đủ các dụng cụ đồ nghề… Câu chuyện của anh Du thu hút tôi hơn cả: tính đến năm 2014, thời gian anh công tác trên nhà giàn tròn 20 năm, với số lượng các nhà giàn anh “kinh qua” lên đến con số hàng chục: từ Tư Chính, Quế Đường đến Phúc Tần…, và mỗi một địa danh nhà giàn, lại được chia thành nhiều nhà giàn khác.

Sinh năm 1971, quê ở Giao Thủy, Nam Định – cũng là vùng biển, Trần Văn Du theo học trường Trung cấp Quân y 1 (Sơn Tây). Năm 1995, anh được phân công công tác ở Tiểu đoàn DK1. Từ đó đến nay, cuộc sống của anh gắn bó với các nhà giàn. Dù hoạt động ở lĩnh vực khác, nhưng anh cũng “hưởng” theo chế độ như cán bộ, chiến sỹ Hải quân, một năm về phép một lần. Hai con của anh, cháu lớn sinh năm 1995 đang theo học năm thứ hai đại học. Để tiện công việc, anh thuyết phục chị đưa hai con vào Bình Dương sống. Hiểu công việc của chồng, chia sẻ nỗi vất vả, gian nan của người lính Quân y hải quân, vợ con anh chấp nhận rời xa quê hương.

Anh Du cho biết, trách nhiệm của anh là đảm bảo sức khỏe cho các cán bộ, chiến sỹ của nhà giàn mà mình được phân công; ngoài ra, các ngư dân đánh bắt xa bờ, các trường hợp ốm đau, tai nạn lao động… trên biển, anh đều sẵn sàng hỗ trợ. Tủ thuốc của anh có đầy đủ các loại thuốc thiết yếu đảm bảo đủ cho cán bộ, chiến sỹ trong một năm. Những bệnh cơ bản thường gặp, anh Du có thể xử lý trực tiếp tại nhà giàn. Các trường hợp bệnh hiểm nghèo, cần máy móc, phương tiện kỹ thuật…, anh sẽ làm các biện pháp sơ cứu ban đầu, sau đó sẽ có tàu chuyển lên “tuyến trên” là đảo Trường Sa lớn, nơi đó có đầy đủ các phương tiện, máy móc cần thiết khác.

Trung tá Quân y Trần Văn Du trong căn phòng nhỏ bé trên Nhà giàn Phúc Tần C

Những chuyến cấp cứu bằng bè

Hai mươi năm ròng rã và liên tục, với anh, nó không còn dừng lại ở những khó khăn gian khổ thông thường. Trung tá Trần Văn Du tâm sự: Cái vất vả, khó khăn của bất cứ cán bộ, chiến sỹ nào trên biển cũng mang đặc thù chung. Nhưng sự vất vả, khó khăn của người thầy thuốc “tác nghiệp” trên biển, thì đúng là không lời nào tả xiết. Năm 2004, anh Du gặp một ca hiểm nghèo, đó là bệnh nhân Hảo, 43 tuổi, quê Quảng Ngãi, một ngư dân đánh bắt xa bờ. Anh Hảo bị lưỡi câu móc vào làm đứt khoeo chân. Tàu ngư dân phải chạy ròng rã mấy ngày mới đến được khu vực Nhà giàn có bác sỹ chốt làm nhiệm vụ. Khi đó, bệnh nhân mất máu nhiều, và có nguy cơ hoại tử…

Thời điểm cuối năm, biển động, tàu chạy rì rì vài chục hải lý một giờ, có những giờ phải chạy âm lý (chưa được 1 hải lý/h) do sóng to gió lớn. Để sang được tàu có bệnh nhân, anh Du mang hết đồ đạc, y cụ vào một chiếc túi, bọc ni-lon để tránh sóng biển làm ướt; rồi “tăng bo” bằng một chiếc bè từ tàu ngư dân thả sang. Cứ như thế, họ kéo dây thừng để đưa bè có bác sỹ vào. Ca đó, bác sỹ Du phải khâu hơn 30 mũi cho bệnh nhân. Sóng to gió lớn, tàu chòng chành, tàu ngư dân phải tập trung người để giữ chặt không cho bệnh nhân quẫy đạp vì đau đớn, và cũng để hạn chế tối thiểu sóng gió đánh nghiêng tàu khiến bác sỹ khâu chệch các mũi khâu…

Một trường hợp khác, tháng 7-1996, anh Du điều trị cho một thủy thủ trên tàu HQ 622 bị cắt đứt một ngón tay do tời neo xiết vào. Lần đó, anh Du sang tàu có chiến sỹ bị thương bằng một chiếc phao bè. Lênh đênh mất cả giờ đồng hồ, chiếc phao bè của anh mới áp được mạn tàu. Và cũng lại phải huy động mấy chiến sỹ khác giữ chặt hai bên, một người cầm dụng cụ để phụ giúp anh Du làm các nghiệp vụ sơ cứu cần thiết cho người gặp nạn… Chuyến đó, anh Du phải theo tàu vào đất liền cùng với người bệnh, vì lo sợ trên đường đi, bệnh nhân chuyển biến xấu sẽ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng…

Những kỷ niệm “tác nghiệp” của anh Du, có lẽ là những câu chuyện mà chưa một bác sỹ nào trên đất liền gặp phải. Đương nhiên, bởi những lý do khách quan, do địa hình, do thời tiết… quy định. Thế nhưng, những câu chuyện anh kể, dẫu rất ngắn gọn, chúng tôi cũng đủ cảm nhận được những nguy cấp tại thời điểm xảy ra sự việc, để cảm phục việc anh làm. Cảm phục người chiến sỹ hải quân sống trên sóng gió với tấm lòng trung kiên, vững chãi như chính những nhà giàn sừng sững giữa biển khơi.