10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng:

Thay thế ngay cán bộ cửa quyền, quan liêu

ANTĐ - Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng của Hà Nội vẫn còn mặt hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng nhấn mạnh, muốn nâng cao hiệu quả công tác này đòi hỏi phải làm quyết liệt, đồng bộ.

Thay thế ngay cán bộ cửa quyền, quan liêu ảnh 1

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao tặng Bằng khen cho 9 đơn vị có thành tích về công tác phòng, chống tham nhũng - Ảnh: Phú Khánh

Khám phá hàng trăm vụ tham nhũng 

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của thành phố Hà Nội sáng 15-3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng của thành phố đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. So với 5 năm trước, tham nhũng tại một số lĩnh vực đã từng bước được kiềm chế.

Từ năm 2006 đến nay, UBND TP đã chuyển đổi công tác hơn 3.100 cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng; xử lý 9 trường hợp về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong đơn vị mình quản lý.

Cũng trong thời gian này, thành phố đã triển khai 3.101 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm lên tới 2.542 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 1.415 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 1.127 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi và đưa vào quản lý 2.439ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 223 cá nhân, 272 tập thể, chuyển cơ quan điều tra 38 vụ.

CATP Hà Nội đã thụ lý điều tra, khởi tố 214 vụ với 563 bị can liên quan đến tham nhũng. Trong đó, đã khởi tố 201 vụ với 540 bị can, đình chỉ điều tra 6 vụ với 6 bị can, tạm đình chỉ điều tra 4 vụ với 9 bị can; kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 192 vụ với 520 bị can… 

Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng ở Thủ đô vẫn còn hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Báo cáo tham luận của CATP Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội… tại hội nghị cho thấy, tình hình tội phạm tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp.

Thay thế ngay cán bộ cửa quyền, quan liêu ảnh 2

Hà Nội sẽ tập trung cải cách hành chính để hạn chế điều kiện phát sinh tham nhũng

Không tạo kẽ hở cho tham nhũng

Dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc của Hà Nội trong việc tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cũng như những kết quả trong công tác này mà thành phố đã làm được. Theo Phó Thủ tướng, phải kiên trì, kiên quyết thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiến hành đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, hướng tới mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.

Về những giải pháp cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, Hà Nội cần tập trung rà soát và hoàn thiện hệ thống thể chế để làm sao không tạo kẽ hở cho tham nhũng, không cho các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi tham nhũng. Về công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, phải kiên trì triển khai đến từng cán bộ, công chức viên chức, các tầng lớp nhân dân.

Một trong những giải pháp quan trọng là phải đẩy mạnh cải cách hành chính, chính quyền điện tử, công dân điện tử… Đặc biệt, “phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh tình trạng cửa quyền, hách dịch, trên bảo dưới không nghe; kiến nghị của mọi người dân phải được xử lý, mọi việc phải được giải quyết theo đúng quy chế làm việc. Hà Nội cần làm mạnh công tác này. Cán bộ nào không đáp ứng công việc, cửa quyền, quan liêu, vòi vĩnh… thì cần thay thế, nếu nghiêm trọng thì phải cho ra khỏi bộ máy, xử lý kỷ luật nghiêm” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng,               Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan đơn vị của thành phố quán triệt và triển khai nghiêm túc, toàn diện các nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ của mình, quyết tâm đạt được những mục tiêu “kiểm soát tiến tới ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng”.

Trong đó, phải lấy phòng ngừa tham nhũng là phương hướng chính; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng phải kịp thời, kiên quyết, triệt để. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu 5 giải pháp mang tính đột phá mà thành phố cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, gồm: cải cách hành chính; công khai, minh bạch công tác lãnh đạo, điều hành của bộ máy chính quyền; mở rộng dân chủ, đa dạng hóa các kênh giám sát của nhân dân; quy trách nhiệm của từng cá nhân, người đứng đầu; thực hiện đồng bộ công tác cải cách tư pháp. 

Riêng về cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TP  Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ tập trung mạnh vào cải cách thủ tục hành chính để góp phần hạn chế, xóa bỏ những điều kiện nảy sinh tham nhũng.