Thầy lang Trần Thiện Lục và Gió Tuy Hòa

ANTĐ - Cuộc gặp mặt giới thiệu Gió Tuy Hòa tại Hà Nội thật ấm áp với nhà văn kiêm... "Thầy lang" Trần Thiện Lục (hiện ông đang ngồi bốc thuốc cứu người trên phố Lê Duẩn, Hà Nội) bởi bên anh có rất đông các nhà văn, nhà thơ: Đỗ Kim Cuông, Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Ngô Thế Oanh, Mai Nam Thắng, Nguyễn Thế Khoa, Tân Linh... cùng những người bạn, những đồng đội cũ và cả những người bệnh cũ được anh chữa lành, giờ đến với anh như ân nhân...

 Cuốn sách viết về mảnh đất Tuy Hòa, Phú Yên trong cuộc chiến tranh chống Mỹ oanh liệt và đau thương. Nói như nhà văn Lê Minh Khuê: "Cuộc sống bình thường cứ diễn ra. Và chiến tranh cứ ngày càng khốc liệt. Không ai có thể hình dung sao người ta có thể đi lại, đánh giặc, yêu nhau, cưới hỏi,  sinh con đẻ cái, liên hoan tưng bừng khi bắn được con thú rừng, chăm sóc nhau trong cơn sốt rét, chôn cất đồng đội… Không thể hình dung được nhưng tác giả thì viết như là chuyện rất tự nhiên. Anh là người trong cuộc. Là một phần của cuộc chiến đấu của xã Phụng. Anh đặt ra vấn đề vừa lớn lao vừa bình thường: nếu chờ hết chiến tranh mới sống thì không thể có cuộc chiến tranh nhân dân. Vừa sống vừa đánh giặc. Sống hết lòng như mọi con người trên hành tinh - và đánh giặc để bảo vệ đất đai quê nhà".

Nhân vật chính của “Gió Tuy Hòa” là Nguyễn Thị Mai, cô gái đất Tuy Hòa, với tất cả những nét đẹp vốn có của những cô gái xứ này: da trắng, tóc dài, dịu dàng, nhưng họ lại phải chịu đựng sự khắc nghiệt của chiến tranh, dũng cảm kiên cường bám trụ chấp nhận sống và chết vì đất nước, quê hương. Có lẽ lối viết tự nhiên và xúc động của tác giả đã nâng nhân vật Mai lên hàng những nhân vật văn học có sức biểu tượng của người mẹ Việt Nam, trong chiều dài cuộc chiến mất - còn giải phóng đất nước.

Trần Thiện Lục là người trong cuộc và vì thế những trang viết ngồn ngộn tư liệu chiến tranh tựa những ghi chép bởi sự nồng nhiệt và chân thật.  Có lẽ vì thế mà không khí cuộc sống hơi thở của chiến tranh với những bi hùng của nó lôi cuốn người xem. Trong lời tựa cuốn sách nữ nhà văn Lê Minh Khuê đã khái quát tâm thế nhà văn: "Những năm tháng chiến đấu ở Phú Yên đã cho Trần Thiện Lục một món quà: khả năng tái hiện cuộc chiến tranh nhân dân ở vùng đất này. Anh đã làm được một việc thật lớn, thật tình nghĩa với vùng đất đã che chở mình". Tiểu thuyết có hàng trăm số phận, nhưng cái kết mở ra nhiều lời giải mà tác giả chưa viết. 

Trần Thiện Lục dân họ Trần, quê Nam Định, bỗng dưng đi chiến đấu mà thành nhà văn và làm người con của Phú Yên từ sau khi qua khoa Sử ĐH Sư Phạm Hà Nội năm 1964. Chiến tranh cùng những bi hùng, mất mát và mâu thuẫn của nó đã dằng xé tâm can anh và đó là lý do của những cuốn tiểu thuyết đầy đặn về miền đất Phú Yên đó là tập Bên gốc me già,  bây giờ là Gió Tuy Hòa và anh còn ấp ủ những cuốn khác mà một trong số ấy là cuốn tâm huyết với anh có cái tên dự kiến: Thăm thẳm Vũng Rô... Anh vẫn đang tiếp tục viết và viết như một cách trả nợ với mảnh đất Phú Yên - Tuy Hòa từng cưu mang che chở anh những ngày ác liệt...