Thay khớp vai nhân tạo cứu một giáo viên không phải cắt cụt cánh tay

ANTD.VN - Khi đang giảng bài thì giáo viên Đinh Mạnh Hà (Bắc Ninh) thấy tay phải đau nhói, tưởng bị gãy xương cổ tay nên đến viện khám thì được chẩn đoán u xương cánh tay. Bệnh nhân rơi vào tình trạng chán nản vì nghĩ đến viễn cảnh phải cắt cụt tay…

Sau phẫu thuật, cánh tay trái của bệnh nhân đang dần hồi phục chức năng

Theo hồ sơ bệnh án, đầu tháng 11 vừa qua, bệnh nhân Đinh Mạnh Hà (xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với chẩn đoán gãy cổ xương cánh tay. Bệnh nhân cho biết, trước đó đang giảng bài (bệnh nhân là giáo viên) và viết lên bảng thì thấy tay phải đau nhói nên đến cơ sở y tế ở địa phương thăm khám.

Ban đầu, bệnh nhân được chẩn đoán gãy xương cổ tay. Sau khi chụp Xquang, bệnh nhân được chẩn đoán “u xương đầu trên xương cánh tay”, muốn điều trị dứt điểm có thể phải cắt cụt cánh tay. Đây là ca bệnh rất khó nên bệnh viện tuyến tỉnh đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện 108.

TS.BS Nguyễn Việt Nam, Trưởng Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật - Viện Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện 108 cho biết, xác định bệnh nhân bị khối u đầu trên xương cánh tay, qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định chỉ định thay khớp vai nhân tạo bởi đây là phương pháp duy nhất để cứu được chức năng cánh tay trái, giúp bệnh nhân không phải cắt cụt tay.

Thay khớp vai nhân tạo là kỹ thuật khó hiện chỉ có một số ít bệnh viện chấn thương chỉnh hỉnh lớn trên cả nước thực hiện được. Kíp mổ của Bệnh viện 108 đã cắt bỏ toàn bộ khối u đầu trên xương cánh tay của bệnh nhân Hà và tiến hành thay bằng khớp vai nhân tạo. Ca phẫu thuật đã thành công. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, cánh tay đã cử động được gần như bình thường.

Theo TS. Nguyễn Việt Nam, bệnh u xương xảy ra khi các tế bào xương phát triển không kiểm soát, tạo thành một khối mô hay được gọi là khối u. Bệnh có thể làm suy yếu và làm gãy xương khi va chạm. Hầu hết, bệnh nhân bị bệnh không có biểu hiện rõ ràng. Bệnh nhân chỉ đau nhức, ê mỏi, không cảm thấy đau. Bệnh nhân chỉ được phát hiện mắc bệnh trên hình ảnh chẩn đoán sau khi chiếu, chụp.