Thầy giáo trồng rau sạch, làm lồng chim mưu sinh mùa dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sinh ra trong một gia đình Khmer tại ấp Phước An, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, do gia đình thuộc nghề nông nên từ nhỏ thầy Trịnh Quang Bình, giáo viên trường Tiểu học và THCS Phú Tâm, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã quen thuộc với công việc ruộng, vườn. Hàng ngày sau mỗi buổi lên lớp dạy học, thầy Bình lại là một nông dân chính hiệu.

Tận dụng mảnh đất trống ở sát bên nhà, thầy Bình đã lên luống trồng rau sạch nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bà con và để kiếm chút mưu sinh cho gia đình trong mùa dịch bệnh.

Thầy Bình gieo hạt trên luống

Thầy Bình gieo hạt trên luống

Thầy Bình mua hạt giống với đủ loại rau, như giống cải ngọt, cải xanh, rau muống, khổ qua... rồi lựa từng hạt chắc trước khi đem gieo trồng. Với diện tích gần 300m2 đất trống sát bên nhà, thầy Bình đã lên hơn 10 luống đất trồng xen kẽ các loại rau này.

Theo thầy Bình, nghề trồng rau tuy dễ mà khó vì nếu không biết cách, không có kinh nghiệm cũng sẽ thất bại bởi nếu không biết gieo trồng thì hạt giống sẽ chết sau thời gian gieo trên luống. Thầy Bình rút ra kinh nghiệm là sau khi mua hạt giống về phải ủ qua một đêm cho hạt giống ấm lên thì gieo mới có kết quả tốt nhất.

Thầy Bình cho biết: “Mình học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và tìm hiểu thêm thông tin trên mạng, nên sau khi gieo trồng hạt giống mọc rất đều và ít khi bị chết. Bên cạnh đó việc lựa chọn cây giống cũng phải kỹ nếu hạt lép nhiều quá thì cây sinh trưởng rất kém. Rau trồng không sử dụng thuốc trừ sâu hay chất hóa học nên bà con rất yên tâm sử dụng”.

Theo thầy Bình, mỗi lứa rau, trừ chi phí giống, phân bón, thầy còn lời khoảng hơn 2 triệu đồng. Cứ 21 ngày là có thể thu hoạch 1 lứa rau. Mỗi luống rau cho thu hoạch khoảng 30 - 40 kg.

Rau sạch nên lúc nào cũng có nhiều đơn đặt hàng liên hệ trước để đặt mua. Đang mùa dịch, nhưng thầy Bình chỉ bán cho bà con ở giá tầm khoảng 10.000 đồng/1 kg.

Chị Mỹ Linh, một tiểu thương bán rau ở chợ Phú Tâm, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) cho biết, rau thầy Bình trồng là loại rau sạch, rất xanh tươi và rất giòn, chính vì thế mà mỗi lần thầy Bình thu hoạch rau chị thường lấy từ vài chục đến cả trăm kí để bán dần cho khách.

‎Không chỉ có nhiều kinh nghiệm với nghề trồng rau, thầy Bình còn có khiếu với nghề làm lồng chim để bán cho khách theo yêu cầu.

Thầy Bình cho biết, nghề làm lồng chim đòi hỏi trước tiên là cái sự đam mê và không được nóng tính, bởi quá trình làm đòi hỏi rất là nhiều công đoạn khó khăn từ việc tạo vòng tròn, đến việc khoan những lỗ nhỏ li ti để xỏ nan, nếu quá nóng, quá vội vàng thì khó thành công như mình mong đợi.

Theo thầy Bình, để làm được một cái lồng chim hoàn hảo thì phải mất ít nhất từ 3 - 4 tiếng đồng hồ từ việc cắt vòng bằng nhôm và tạo cho vòng thật tròn, đến việc khoan lỗ trên vòng tròn và cắt bẻ nan, canh đo khoan lỗ cho núm gỗ trên lồng chim thì hết sức vất vả vì chỉ cần canh sai một chút thì cái lồng sẽ méo mó không còn thẩm mỹ khiến khách hàng sẽ chê và không bán được.

Mỗi cái lồng chim làm ra được chỉ bán ở mức giá dao động khoảng 160.000 đồng/cái, trừ hết chi phí còn lời khoảng từ 60.000 - 70.000 đồng. Nếu dành hết thời gian để làm thì một ngày được khoảng 3 cái lồng chim, thu nhập cũng tạm ổn trong mùa dịch. Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thầy Bình chỉ làm theo yêu cầu của khách đặt hàng, đến khi nào hết giãn cách xã hội mới đem giao cho họ. Thầy Bình cho biết, mình lời ít nhưng nhờ làm số nhiều, kiếm chút mưu sinh lo cho gia đình trong mùa dịch là tốt lắm rồi.

Khi chúng tôi hỏi dựa vào đâu mà thầy có thể làm ra được những sản phẩm đẹp như thế, thầy Bình cho biết là do tự học, tự làm mãi thành quen. Lúc đầu xem qua những hình ảnh trên mạng sau đó phác họa theo ý tưởng để làm.

Gần 20 năm trong nghề dạy học, ngoài việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, thầy Bình còn mang lại nhiều thành tích như đạt danh hiệu lao động tiên tiến ở nhiều năm liền; đạt giải nhất, nhì cá nhân môn bi sắt trong hội thao ở địa phương; được bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc. Thầy cũng đã bốn lần tham gia hiến máu tình nguyện để giúp đỡ người bệnh...

Là một giáo viên dạy học nhưng bản thân mình có nhiều năng khiếu lại giỏi giang nên nhiều người thường gọi vui thầy Bình là thầy giáo có nhiều tài lẻ. Mỗi lần như thế, thầy chỉ nở nụ cười và đáp lại câu nói hiền hòa "nếu như mọi người cố gắng thì cái gì cũng sẽ đạt được".