Thầy giáo khuyết tật được yêu thích nhất

ANTĐ - Thầy Đào Thanh Hương, thầy giáo làng của Đa Lộc - Hậu Lộc - Thanh Hóa - một thầy giáo nghèo bị tật nguyền do nhiễm chất độc da cam, khuyết đôi chân và cánh tay trái nhưng cũng là một thầy giáo được học trò yêu thích nhất.

Đứa bé mập mạp chừng 10 tuổi đang cặm cụi viết nắn nót từng chữ lên chiếc bảng treo trên tường ngoài phòng khách đơn sơ, một đứa trẻ khác đang ngồi trong lòng mẹ chìa cánh tay về người bố, có dáng đi nghiêng nghiêng từ trong nhà ra… ôm lấy đứa con vào lòng cưng nựng. Người bố ấy là thầy giáo Đào Thanh Hương. 

Ước mơ làm thầy và bản quyết tâm thư

Ngôi nhà ống mới được hai vợ chồng tích cóp chút tiền xây lên cách đây không lâu giúp gia đình thầy giáo nghèo không phải lo chạy bão trong mùa nước lũ, chiều rộng ước chừng được hơn 4m chiều dài chạy dọc tính cả công trình phụ may ra được hơn 10m.

Trong ngôi nhà nhỏ ấy, thầy Hương tâm sự với chúng tôi về những ngày tháng khó nhọc đã trôi qua trong cuộc đời. Nhưng chính từ những khó nhọc ấy đã thôi thúc người thầy xứ Thanh vượt lên số phận. Có thất vọng, có đau đớn, có than trách cho số phận của mình nhưng cuối cùng thì cũng có những ngày vui khi đã vượt qua được chính mình, vượt qua tất cả những lúc gian khó nhất của cuộc đời để theo đuổi ước mơ làm thầy giáo.

Thầy Hương nhớ lại cảm xúc khi biết mình đỗ vào trường CĐ Sư phạm (nay là ĐH Hồng Đức) với số điểm khá cao. Đó là một niềm vui bất ngờ bởi giấc mơ làm thầy không dễ ai có được nhất là đối với một người tật nguyền phải khó khăn lắm mới đi học được. Nhưng niềm vui chưa qua, nỗi lo đã đến.

Một thông báo của trường báo về là không chấp nhận sinh viên khuyết tật vào khoa sư phạm khiến cậu học trò Đào Thanh Hương bàng hoàng tưởng như đất trời sụp đổ, tưởng như mọi thứ trước mắt biến mất trong phúc chốc, 12 năm nỗ lực học hành, vượt lên tật nguyền, vượt qua mọi trở ngại và hơn hết là ước mơ được một lần đứng trên bục giảng phút chốc như bong bóng xà phòng bởi một quyết định hết sức lạnh lùng. 

Nhớ lại, để thực hiện ước mơ của mình, ngay từ nhỏ cậu bé Đào Thanh Hương đã phải chịu những khó khăn, đau đớn mà những đứa trẻ khác không bao giờ biết đến. Tập đi trên đôi chân khuyết tật cho đến khi đôi chân bầm dập, tứa máu sau những lần vấp ngã. Đi được thì lại phải tập đạp xe cũng bằng đôi chân không trọn vẹn ấy để tự mình đến trường. Ngày đầu đến trường thì bị ngất đi khi phải đạp xe đường dài. Bao đau đớn về thể xác và những mặc cảm về số phận nhưng không làm cậu học trò đó nản chí mà còn càng tăng thêm sự kiên trì để thực hiện ước mơ  của mình.

Không chịu chấp nhận số phận, không buông xuôi, cậu học trò Đào Thanh Hương quyết định viết “Quyết tâm thư” gửi lên Ban giám hiệu nhà trường và điều kỳ diệu đã xảy ra, thí sinh bị từ chối vì tật nguyền đã được nhận học. Mừng vì được học và được khẳng định mình, Đào Thanh Hương đã nỗ lực học tập trong hai năm và đều đạt được kết quả tốt, tiếp tục được nhà trường cho học tiếp. Sau đó là ra trường với tấm bằng loại giỏi.

Thầy giáo được yêu thích nhất

Đồng cảm với những số phận bất hạnh như mình và hiểu được cái đau đớn, mặc cảm trong mỗi số phận tật nguyền. Ngay từ thời còn là sinh viên, không ngại khổ, ngại khó người sinh viên tật nguyền này đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện “không có tiền nhưng có tấm lòng”, hoạt động trong một trung tâm tình thương của tỉnh nhà, dạy miễn phí cho các em học sinh nghèo và bị khuyết tật, học sinh nghèo đến từ các vùng nông thôn, có em bị mồ côi cha mẹ… Chính vì thế mà ngay từ khi còn trên ghế nhà trường người thầy giáo khuyết tật này đã được bao người biết đến với tấm lòng lương thiện và nghị lực vượt lên chính mình.

Ngày ra trường được sự quý mến và giúp đỡ của những thầy cô giáo cũ và sự giúp đỡ của chính quyền xã mà thầy Đào Thanh Hương được nhận vào dạy học tại trường THCS Đa Lộc. Ngày đầu tiên được đứng trên bục giảng chính thức, được dùng kiến thức mình có truyền đạt cho những em học sinh đã làm người thầy giáo xứ Thanh này xúc động tột cùng: “Mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng giáo án nhưng cái cảm giác lần đầu được chính thức đứng trên bục giảng khiến cho tôi bồn chồn xúc động, thật may là tiết học rất thành công, giáo viên dự giờ và các em học sinh vỗ tay nhiệt tình khiến tôi sung sướng đến mức muốn hét lên”.

Sau nhiều năm công tác tại trường, những nhiệt huyết thầy bỏ ra được đáp lại bằng sự thành công của những em học sinh, đỗ cấp 3, rồi ĐH rồi ra trường và thành công trong sự nghiệp và mỗi khi có dịp những cậu học trò nhỏ ngày nào lại tìm về người thầy giáo cũ. Sau nhiều năm công tác tại trường, thầy giáo Đào Thanh Hương đã  được các em học sinh bầu chọn là người thầy được yêu thích nhất, điều đó đã phần nào an ủi được mặc cảm trong thầy và giúp thầy tiếp tục vươn lên. Thầy Đào Thanh Hương cũng là một trong 16 tấm gương tiên tiến của Đoàn, được nhận giải thưởng của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, là tấm gương yêu nước của tỉnh, nhiều năm là giáo viên giỏi huyện…

Thầy Hương luôn được học trò quý mến bởi không chỉ truyền đạt cho các em kiến thức trên bục giảng mà tấm gương của thầy còn cho các em học sinh thế hệ tiếp theo một nghị lực sống. Thầy Hương cũng luôn gần gũi chia sẻ với các em học sinh. Có lần, một cô học trò bị áp lực và khủng hoảng đối với gia đình nên có ý định muốn tự tử. Bằng sự nhạy cảm và tinh tế của một người thầy, bằng sự đồng cảm của một người đã vượt qua bao khó khăn, thầy Đào Thanh Hương đã giúp cho cô bé từ bỏ suy nghĩ tiêu cực và trở lại với cuộc sống bình thường.

Nhắc đến người thầy đầy nghị lực mang trong mình ngọn lửa đam mê thì không chỉ học sinh yêu mến mà nhiều đồng nghiệp của thầy Hương cũng vô cùng cảm phục. Cô Nguyễn Thị Hiền, đồng nghiệp của thầy Hương chia sẻ: “Để đi được đến ngày hôm nay thầy Hương đã trải qua bao sóng gió, ngay từ lúc mới sinh cho đến khi tìm được hạnh phúc gia đình thì những gì thầy bỏ ra khiến cho đồng nghiệp chúng tôi cảm phục”. 

 

Hạnh phúc trọn vẹn

Mối tình đẹp với người đồng nghiệp cùng tên Hương đã khiến cho thầy Hương bỏ qua mặc cảm về ngoại hình và tìm đến hạnh phúc. Cuộc tình đẹp ấy đã vượt qua sự phản đối mãnh liệt của gia đình, một cuộc sống mới đầy dãy bấp bênh của đôi vợ chồng trẻ lại thử thách họ. Vợ chồng mới lấy nhau, nhà cửa không có,  hai vợ chồng nhiều đêm phải ẵm đứa con đầu lòng chạy bão suốt mùa mưa lũ. Cái thuở ấy dù đã qua 5 năm rồi nhưng mỗi lần nhắc lại vẫn là những ngày tháng khó quên.

Sau bao sóng gió ông trời đã nở nụ cười với họ và giành cho người thầy đầy nghị lực này hai chữ “công bằng”. Cuộc sống dần khá hơn, một cháu trai kháu khỉnh nữa ra đời sau 6 năm phấn đấu cho hạnh phúc gia đình.

Hỏi về cảm xúc hiện tại thầy Hương chia sẻ: “So với cách đây hơn 5 năm thì bây giờ mình thấy hạnh phúc lắm, không phải lo chạy bão mỗi khi bão về, không phải lo về kinh tế bấp bênh. Dù sức khỏe bây giờ không còn được như trước, mỗi khi trái gió trở trời thì lại đau các khớp, nhưng cuộc sống cũng dần ổn định hơn, có hai vợ chồng hiểu nhau, thương nhau, hai đứa con khỏe mạnh đối với mình đây là thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời”.

Và để có được hạnh phúc của ngày hôm nay, người thầy ấy đã phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt.