Lật lại vụ Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong Hàn Quốc (2):

Thấy gì sau vụ Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong?

ANTĐ - Sau khi đảo Yeonpyeong bị pháo kích, chính phủ Hàn Quốc đã có sự chuẩn bị nghiêm túc để giáng đòn trả đũa chí tử vào Triều Tiên. Chỉ nhờ sự ngăn cản tích cực của chính phủ Mỹ và Tổng thống Obama mới làm nguội những cái đầu nóng ở Seoul để nhà cầm quyền Hàn Quốc từ bỏ kế hoạch này.

Trong những năm gần đây, giới quân sự Hàn Quốc đã thay đổi thái độ về chuyện nên phản ứng ra sao với khả năng xung đột vũ trang giữa miền Bắc và miền Nam. Những cuộc xung đột như vậy tiếp diễn liên tục trong suốt 60 năm kể từ sau Hiệp định đình chiến ký năm 1953. Một phần những xung đột này đã được lên kế hoạch và xảy ra khi một bên cho rằng gia tăng căng thẳng trên bán đảo sẽ có lợi, còn trong nhiều trường hợp, xung đột xảy ra một cách ngẫu nhiên.

Biên giới phân định giữa 2 miền Bắc và Nam của Triều Tiên có tên gọi kỳ quặc là "khu phi quân sự" lại chính là một trong những địa bàn mang tính quân sự hóa bậc nhất hành tinh. Ở đó, đối chọi nhau là toàn bộ đội quân khổng lồ luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, không thể tránh khỏi đôi lúc xảy ra sự cố tình cờ hoặc mất tự chủ, rồi qua thời gian sẽ dẫn đến vụ đọ súng hoặc xung đột khác.

Cần có đánh giá đúng về quân đội Hàn Quốc, cho đến gần đây, họ phản ứng với những sự cố như vậy một cách cực kỳ điềm tĩnh. Tất nhiên, nếu phía bên kia vô tình hay cố ý khai hỏa nhắm vào quân đội Hàn Quốc, thì họ cũng chẳng chịu nhún nhường. Tuy vậy Bộ tư lệnh Hàn Quốc luôn theo dõi để đảm bảo rằng động thái ứng phó với sự cố như vậy là theo tỷ lệ tương xứng vì không ai muốn dấy lên một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới bởi tất cả đều hiểu rằng phản ứng thái quá với một sự việc nhỏ có thể tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cuộc chiến lớn.

Quân đội Hàn Quốc phản ứng với những sự cố như vậy một cách cực kỳ điềm tĩnh

Điều hết sức dễ hiểu là do quá trình huấn luyện và thế giới quan quân sự được giảng dạy, các quân nhân là những người mà khi nhận một đòn tấn công của đối phương là ngay lập tức sẽ muốn giáng trả vài ba hoặc thậm chí là mười đòn đáp trả cùng lúc. Vì vậy, việc từ đó đến nay chính phủ Hàn Quốc không để tồn tại tinh thần như vậy trong quân đội nước mình là một điều hết sức đáng khen ngợi.

Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy vài năm lại đây tình hình đã thay đổi. Có vẻ như Seoul đang bắt đầu cho rằng, sự kiềm chế tương tự không hẳn là chính sách hợp lý nhất trong điều kiện đương đại. Đã không chỉ một lần chúng ta nghe đại diện chính giới Seoul tuyên bố rằng, trong trường hợp có cuộc tấn công mới từ phía Triều Tiên thì phía Hàn Quốc cũng sẽ đáp lại mạnh hơn, bằng đòn tấn công trả đũa phi đối xứng.

Như xác nhận trong cuốn hồi ký mới xuất bản của cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates, những tuyên cáo đó không phải là lời đe dọa suông. Giới quân sự Hàn Quốc cho rằng cảnh báo trước về sự sẵn sàng giáng đòn đáp trả không thể tránh khỏi, sẽ khiến người Bắc Triều Tiên từ bỏ những hành động khiêu khích. Lối tư duy này có thể hàm chứa logic nhất định, nhưng nhìn chung trạng thái sẵn sàng chiến đấu của phía Hàn Quốc hiện gây không ít bất an.

Vị trí của đảo Yeonpyeong


Trước hết, không phải tất cả các xung đột vũ trang đều là kết quả của sự khiêu khích có ý thức, mà nhiều khi xảy ra một cách tình cờ. Ngoài ra, khi phải đối mặt với phản ứng đáp trả phi đối xứng vượt qua hành động hạn chế của họ (cố ý hay vô tình đều không quan trọng), phía Triều Tiên sẽ không chịu chấp nhận mất thể diện, mà lại quyết định phải dạy cho Seoul một bài học. Kết quả có thể là đòn phản công từ Triều Tiên sẽ dẫn tới leo thang xung đột hơn nữa.

Hàn Quốc là quốc gia có nền công nghiệp phát triển, các cơ sở công nghiệp và nhân lực kỹ thuật cao của họ đều đặt ở các vị trí rất tập trung, chỉ cần Triều Tiên sử dụng các loại tên lửa hành trình tầm trung của họ là có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đây là kết cục mà cả Mỹ lẫn Hàn Quốc đều hết sức lo ngại. 

Người Triều Tiên cũng hiểu rằng, xét về tổng thể, quân lực của Triều Tiên vẫn không sánh được với liên quân Mỹ-Hàn, nếu thực sự nổ ra chiến tranh, chỉ dùng ý chí không thể đánh bại được vũ khí hiện đại, lực lượng quân sự thông thường của Triều Tiên có thể thiệt hại rất lớn. Vậy nên, về phía Triều Tiên, có thể khẳng định họ cũng không hề muốn xảy ra chiến tranh mà đơn thuần là một sự “cương lên bất đắc dĩ”.

Chiến tranh sẽ là sự thất bại của cả 2 bên


Trong tình huống xấu nhất, chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên, cả 2 bên đều là những kẻ thất bại. Họ đều biết rằng với những vũ khí tiên tiến có độ hủy diệt ghê gớm, không ai có thể lường trước điều gì có thể xẩy ra khi mật độ dân cư và các cơ sở kinh tế của các bên đều tập trung vào những khu vực trọng điểm trong tầm nhìn thấy.

Trong chiến tranh hiện đại, kể các bên mạnh hơn cũng không thể tự coi là chiến thắng hoàn toàn. Chỉ cần sơ sẩy một chút, thắng lợi của họ cũng phải trả giá rất đắt. Vì vậy, trước những hành động khiêu khích của đối thủ, họ không thể tỏ ra là kẻ hèn yếu, nhưng cũng không dám đẩy hành động trả đũa lên quá mức độ cho phép. Vì vậy, tuy hai miền Triều Tiên suốt ngày hục hặc nhưng không dễ để chiến tranh có thể bùng phát.

Một thực tế không chối cãi là chính sách kiềm chế trước đây và hiện nay của Hàn Quốc đã thể hiện hiệu quả nhất định giúp cho các xung đột giữa 2 bên không leo thang thành chiến tranh toàn diện. Trong điều kiện bình yên tương đối, Hàn Quốc đã có thể thực hiện điều thần kỳ kinh tế, vượt lên bỏ lại Triều Tiên ở xa phía sau. Điều này chứng tỏ, sự kiềm chế đã mang lại lợi ích không chỉ cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, mà còn là bàn đạp thành công cho lợi ích của quốc gia của Hàn Quốc.

Xem kỳ 1: Mỹ “cứu” Triều Tiên thoát đòn không kích của Hàn Quốc như thế nào?