Thấy gì qua phiên tòa xử ổ nhóm ‘tín dụng đen’, chỉ có 1/89 người bị triệu tập đến tòa?

ANTD.VN - Ngày 25-11 vừa qua, TAND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự liên quan đến các bị cáo trong đường dây “tín dụng đen” xuyên quốc gia. Tuy nhiên sau khi mở tòa, đại diện Viện KSND tỉnh đã đề nghị hoãn phiên xét xử, vì… chỉ có 1/89 người bị triệu tập có mặt.

Thấy gì qua phiên tòa xử ổ nhóm ‘tín dụng đen’, chỉ có 1/89 người bị triệu tập đến tòa? ảnh 1

Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm, ngày 25-11-2019

Lãi suất cho vay trên 200%/năm

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thanh Hóa, khoảng tháng 7-2017, Nguyễn Cao Thắng (SN 1984, quê Hải Phòng, trú ở phường 15, quận 10, TP. HCM) và Nguyễn Đức Thành (SN 1984) đã góp mỗi người 1 tỷ đồng lập công ty Tài chính Nam Long (trụ sở chính tại  phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM).

Công ty này không đăng ký kinh doanh, do Nguyễn Đức Thành làm Giám đốc chỉ đạo mọi hoạt động cho vay, thu nợ, lợi nhuận chia làm 2 phần, mỗi phần 50% để tái đầu tư, 50% lợi nhuận còn lại chia đôi.

Với gói vay 41 ngày, mỗi ngày người vay phải trả số tiền gốc và lãi là 3% tổng số tiền vay. Với gói vay 50 ngày, mỗi ngày người vay phải trả cả gốc và lãi là 2,5% tổng số tiền vay; ngoài ra còn gói "lãi đứng" với mức lãi suất từ 1%/ ngày.

Công ty Nam Long hoạt động từ tháng 9-2017 đến 3/2018 thì Thành quyết toán, báo lỗ 200 triệu đồng, rồi đề nghị Thắng mở rộng mô hình kinh doanh mới.

Những đối tượng chính trong vụ án

Thắng yêu cầu Thành phải chuyển 1 tỷ đồng để góp vốn cho Công ty Nam Long với mức lãi suất 6%/tháng; đồng thời giao cho anh vợ là Trần Hồng Phong (SN 1985, trú ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng) làm kế toán, quản lý việc chi tiêu.

Để thu hút khách vay, Thành chỉ đạo đồng bọn đăng thông tin trên mạng hoặc trực tiếp tìm hiểu nhu cầu vay vốn của những người dân trên địa bàn rồi chủ động đến gặp gỡ, đề xuất việc cho vay với thủ tục nhanh gọn. Chỉ trong một thời gian ngắn, công ty Nam Long đã hình thành "chân rết" ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, công ty này núp bóng dưới hình thức hoạt động của Công ty CP Tư vấn đầu tư và kỹ thuật xây dựng Thành Nam, hoạt động trên lĩnh vực xây dựng. Mức lãi suất mà các đối tượng cho vay từ 185% đến 205%/năm.

Quá trình đấu tranh, cơ quan tố tụng làm rõ số tiền mà các đối tượng đã cho bị hại vay là hơn 16,3 tỷ đồng, và số tiền mà các đối tượng đã thu lời bất chính là hơn 5 tỷ đồng.

Đánh đập nhân viên đến chết

Ngoài lãi suất cực cao dành cho người vay, Nguyễn Đức Thành cùng các “trợ lý” đã soạn quy chế của công ty với những quy định hết sức tàn khốc.

Tháng 7-2018, anh Nguyễn (SN 1999, quê quán Yên Thế, Bắc Giang) là nhân viên của Công ty Nam Long. Sau khi thu tiền khách hàng, Minh đã “cầm” hơn 16 triệu đồng cùng chiếc xe máy của công ty bỏ trốn.

Hai đối tượng cầm đầu đường dây phạm tội

Ngày 8-7, Thành gọi điện cho Ngô Văn Chương và Nguyễn Thành Long đến nhà tìm Minh nhưng không gặp. Tối hôm sau, Thành cùng một số đàn em tiếp tục đi tìm và tóm Minh ở địa bàn huyện Sóc Sơn, lập tức đưa về chi nhánh Công ty Nam Long ở Sóc Sơn. Trong nhiều ngày, nam nhân viên này bị di chuyển qua nhiều địa điểm, bị hành hung và đến 10h ngày 19-7, thấy anh M. kêu khó thở, các đối tượng đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá. Vừa nghe bác sĩ nói nạn nhân có dấu hiệu tim ngừng đập, các đối tượng đã bỏ trốn. Nạn nhân M. sau đó đã tử vong.

Lần lượt sau đó, các đối tượng chính trong vụ án bị bắt giữ và ra đầu thú. Từ đây, manh mối đường dây “tín dụng đen” kinh hoàng đã phát lộ.

Quy định đối với những người có trách nhiệm phải đến Tòa

Trở lại phiên xét xử sơ thẩm ngày 25-11 vừa qua do TAND tỉnh Thanh Hóa khai mở. Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Đức Thành (SN 1988, quận 1, TP.HCM); Đoàn Minh Cương, Trần Văn Phiên (SN 1991); Bùi Văn Chung (SN 1992), Nguyễn Thành  Long (SN 1988), Vũ Văn Thanh (SN 1989), Ngô Văn Chương (SN 1988), Đặng Việt Hà (31 tuổi, quê quán Kinh Dương, Hải Phòng); Đào Anh Tài (trú tại quận Bình Thạnh, TP.HCM); Nguyễn Văn Lữ (quận Hải An, Hải Phòng) và Mai Quang Anh (An Dương, Hải Phòng); Vũ Văn Hoàng (SN 1994), Đồng Văn Tùng (SN 1989); Trần Hồng Phong (SN 1985), Nguyễn Cao Thắng (SN 1984).

Các bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội “Giữ người trái phép”, “Cố ý gây thương tích”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

TAND tỉnh Thanh Hóa đã triệu tập 89 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, tuy nhiên, tại phiên tòa, chỉ có 1/89 người có mặt. Vì có quá nhiều người vắng mặt, đại diện Viện KSND tỉnh Thanh Hóa, người bào chữa đã đề nghị Hội đồng xét xử cho hoãn phiên tòa để bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan.

Trao đổi quan điểm về vấn đề này, Luật sư Trịnh Văn Tuyến (Văn phòng Luật sư Giang Thanh - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, việc hoãn phiên xét xử là cần thiết và đúng luật nhằm bảo đảm quyền lợi cho các bên.

“Cần phải thấy rằng, hoãn phiên tòa là việc phiên tòa sẽ được chuyển sang một thời gian khác vì có lý do chính đáng theo luật quy định”, Luật sư Trịnh Văn Tuyến chia sẻ phân tích, theo quy định tại Điều 294 - Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, các trường hợp được phép hoãn phiên xét xử gồm: Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa; cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại; cần định giá tài sản, định giá lại tài sản. Cùng với đó là nếu có một trong các căn cứ sau đây thì việc Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm quyết định hoãn tòa là cần thiết và đúng pháp luật.

Đó là phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa; phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa; không có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán để thay thế; Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế.

Tiếp đến là bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; người bào chữa được chỉ định vắng mặt; người phiên dịch, người dịch thuật vắng mặt mà không có người khác thay thế. Ngoài ra, HĐXX có thể căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để hoãn phiên tòa nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ; người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án và người giám định, người định giá tài sản vắng mặt tại phiên tòa.

Về thời gian hoãn phiên tòa thì theo Điều 297 - Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời gian hoãn phiên tòa không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Nghĩa là trong thời hạn 30 ngày, HĐXX sơ thẩm phải đưa vụ án ra xét xử trở lại.

Dù vậy, phiên tòa vẫn có thể được xét xử trong các trường hợp: bị hại; đương sự; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; người làm chứng; người giám định; người định giá tài sản vắng mặt (tùy từng trường hợp cụ thể) mà đã có đầy đủ lời khai tại giai đoạn điều tra.

Tiếp nữa là người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt; người bào chữa chỉ định vắng mặt và bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người này; người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị là bị hại, đương sự vắng mặt không vì lý do bất khả kháng...

Tóm lại, khi phiên tòa hình sự mở ra lần đầu mà bị cáo hoặc đương sự vắng mặt thì HĐXX cần thiết phải quyết định hoãn tòa nhằm bảo đảm quyền lợi của các bên và để bảo đảm nguyên tắc trong xét xử là công khai, khách quan, toàn diện.

Ở lần xét xử kế tiếp, nếu bị cáo hoặc đương sự vẫn vắng mặt (cho dù đã được triệu tập hợp lệ) thì căn cứ vào tình hình thực tế của vụ án, HĐXX sẽ quyết định tiếp tục xét xử hoặc hoãn tòa, đồng thời áp dụng những biện pháp cần thiết là tạm giam (đối với bị cáo tại ngoại) hoặc áp giải đương sự đến phiên tòa.