Thấy gì qua 2 mô hình “sống chung với Covid-19” ở Anh và Singapore?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hơn 1 năm rưỡi sau đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia trên thế giới đang bắt đầu chấp nhận rằng Covid-19 sẽ khó biến mất, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng cao đã cắt giảm đáng kể số ca nhập viện và tử vong. Xác định “chung sống với đại dịch”, Singapore và Anh hiện được coi là điển hình cho những thử nghiệm để thoát khỏi nạn dịch này.
Singapore và nhiều nước đang sẵn sàng “sống chung với Covid-19”

Singapore và nhiều nước đang sẵn sàng “sống chung với Covid-19”

Lộ trình và giải pháp “thay đổi cuộc chơi”

Tháng 6-2021, các nhà lập pháp Singapore đã tiết lộ lộ trình hướng tới trạng thái “bình thường mới” trong một bức thư đăng trên Straits Times, trong đó chỉ ra mức độ bao phủ vaccine cao là trọng tâm trong kế hoạch của Chính phủ Singapore, dù không chắc liệu có đạt được mức bao phủ 90 hoặc 95% dân số cần thiết cho khả năng miễn dịch cộng đồng hay không. Lá thư vạch rõ sự khác biệt triệt để với mô hình “không lây nhiễm” trước đây ở quốc đảo 5,69 triệu cư dân này.

Các nhà chức trách của Singapore tin rằng, Covid-19 vẫn sẽ lưu hành, nhưng với tỷ lệ rất thấp. Vì thế, họ thay đổi cách tiếp cận, chuyển từ việc giám sát các ca bệnh hàng ngày sang tập trung vào kết quả y tế như “bao nhiêu người bị ốm nặng, bao nhiêu người trong phòng chăm sóc đặc biệt, bao nhiêu người cần được đặt nội khí quản”.

“Có vẻ như việc mở cửa đất nước ngay lập tức về mặt kinh tế là một điều tốt, nhưng nếu kết quả cuối cùng là một làn sóng lây nhiễm khác mà tôi nghĩ có thể xảy ra ở Anh, thì về lâu dài, nó sẽ rất tồi tệ về mặt kinh tế”

David Matchar (Giáo sư tại Trường Y Duke - Đại học quốc gia Singapore)

Dale Fisher, Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học quốc gia Singapore cho biết, khi có nhiều người được tiêm chủng ở Singapore, số ca nhiễm sẽ ít được quan tâm hơn. Người đã tiêm chủng nếu chẳng may lây nhiễm sẽ được cách ly tại nhà, các triệu chứng sẽ chủ yếu là nhẹ. Với những người xung quanh cũng được tiêm vaccine, nguy cơ lây truyền sẽ thấp. Khi đó, Covid-19 sẽ được điều trị như một dạng bệnh ít nghiêm trọng hơn, giống như cúm hay thủy đậu…

Nhiều tuần sau, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đưa ra một lưu ý tương tự, dự đoán rằng Covid-19 sẽ “trở thành một loại virus mà chúng ta học cách sống chung, như chúng ta đã từng làm với bệnh cúm”. Ông Johnson đã công bố kế hoạch dỡ bỏ hầu hết tất cả các hạn chế, bao gồm quy định bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vào ngày 19-7. Thời điểm đó, Anh đã triển khai chương trình tiêm chủng rộng rãi, 66% dân số trưởng thành đã được tiêm 2 liều vaccine, giảm hẳn số ca bệnh nặng.

“Mở cửa trở lại” thế nào cho đúng?

Khoảng 40% dân số Singapore hiện đã được tiêm liều vaccine thứ hai và quốc gia này đang tiến đến mục tiêu tiêm vaccine cho 3/4 toàn bộ dân số vào ngày 9-8. Không giống như Vương quốc Anh, thanh thiếu niên trên 12 tuổi ở Singapore cũng được đưa vào các số liệu tiêm chủng. Singapore hiện đang ghi nhận trung bình 26 ca Covid-19 mới mỗi ngày; vẫn chưa có ngày mở cửa trở lại chính thức.

Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nói với Bloomberg vào ngày 9-7 rằng, lộ trình của Singapore đã khác biệt đáng kể so với cách tiếp cận “vụ nổ lớn” của Vương quốc Anh. “Tôi nghĩ điều quan trọng là đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, đồng thời duy trì cả các biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu. Cán cân sẽ thay đổi nhưng các biện pháp giảm thiểu và ngăn chặn sẽ không bị từ bỏ. Thay vào đó, việc mở cửa trở lại của Singapore sẽ diễn ra từ từ, từng bước một và không có gì gọi là “vụ nổ lớn”. Chúng tôi muốn đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Ong Ye Kung cho biết. Theo quan chức Singapore, việc họ mở cửa trở lại sẽ không giống như kiểu của Anh: Tháo khẩu trang ra và hãy tổ chức tiệc tùng.

Trong khi đó, quyết định mở cửa trở lại là biện pháp chống dịch mới nhất gây chia rẽ dư luận Anh. Trong khi nhiều người trong Đảng Bảo thủ cầm quyền ủng hộ cách tiếp cận của Thủ tướng Johnson thì các nhà khoa học cảnh báo rằng sức khỏe của hàng triệu người đang bị đe dọa, vì khoảng 17 triệu người vẫn chưa được tiêm chủng, nên chưa thể đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng.

Hôm 16-7, số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày ở Anh vẫn là gần 52.000 trường hợp và 49 ca tử vong. Nhiều người đang theo dõi “canh bạc” mở cửa trở lại ở Anh vào ngày 19-7. Hơn 100 bác sĩ và nhà khoa học vào tuần trước đã cảnh báo rằng, quyết định đó là quá sớm, có thể ảnh hưởng đến những người trẻ chưa được tiêm chủng. Họ cho biết thêm, chiến lược này sẽ tạo ra “mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện của các biến thể kháng vaccine gây nguy hiểm cho Vương quốc Anh và toàn thế giới”.

“Chúng tôi tin rằng chính phủ đang bắt tay vào một thử nghiệm nguy hiểm và phi đạo đức. Chúng tôi kêu gọi họ tạm dừng kế hoạch từ bỏ các biện pháp nới lỏng vào ngày 19-7”, các bác sĩ và nhà khoa học Anh viết. Họ cho rằng, Vương quốc Anh là một trong số ít quốc gia trên thế giới có được nguồn vaccine dồi dào, nhưng lại lãng phí công cụ chống dịch quan trọng này với việc mở cửa trở lại sớm.

“Có vẻ là điều đáng tiếc khi Vương quốc Anh không thể chờ đợi lâu hơn một chút như Singapore, và thay vào đó họ đang chọn đánh cược vào lợi ích của chương trình vaccine được coi là “tuyệt vời và hiệu quả” của họ”, Tiến sĩ Oliver Watson, một nhà nghiên cứu mô hình hóa đường truyền Covid-19 tại Đại học Hoàng gia London nhận định.