Thay đổi mạnh cách tính lương hưu

ANTĐ - Theo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì tới đây, để được hưởng mức lương hưu bằng 75% tiền lương, người lao động sẽ phải đóng BHXH  đủ 30 năm (với nữ) và 35 năm (với nam). Cùng đó, công thức tính lương hưu cũng sẽ thay đổi… Chiều 5-8, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH - Bộ LĐ-TB&XH, Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Thay đổi mạnh cách tính lương hưu ảnh 1
Người lao động được khuyến khích kéo dài thời gian đóng góp
để duy trì mức hưởng lương cao (ảnh minh họa)


- Vì sao Luật BHXH (sửa đổi) lại điều chỉnh tăng thời gian đóng BHXH lên 5 năm so với hiện nay thì mới được hưởng mức lương hưu tối đa?

- Trước hết phải thấy rằng, chính sách BHXH hiện hành ở nước ta đang được đánh giá có mức hưởng cao hơn nhiều so với mức đóng góp. Cụ thể, mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là 22%, nhưng mức hưởng tối đa lên đến 75%, gần như cao nhất thế giới. Hiện tại đa số các nước trên thế giới quy định thời gian hưởng lương hưu tối đa chỉ vào khoảng 50-60%, trong khi thời gian đóng BHXH lên đến 40 năm. Chính mức đóng BHXH thấp, thời gian đóng ngắn trong khi thời gian hưởng ngày càng dài với mức hưởng cao khiến quỹ hưu trí đang dần cạn kiệt.

Việc khuyến khích người lao động kéo dài thời gian đóng góp để duy trì mức hưởng lương hưu cao là giải pháp mang tính khả thi nhất và đảm bảo mối tương quan với quy định của các nước trong khu vực cũng như thế giới. Vì vậy, trong Luật BHXH sửa đổi, bắt đầu từ năm 2018 sẽ sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo lộ trình tăng dần hàng năm từ 15 năm lên 20 năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương hàng tháng để tính lương hưu. Để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% thì người lao động cần có thời gian đóng BHXH là 35 năm (với nam) và 30 năm (với nữ), thay vì đóng 30 năm (với nam) và 25 năm (với nữ) như hiện nay. Đồng thời tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1-2%.

- Nhiều lo lắng cho rằng với cách tính mới này, quyền lợi của người hưởng lương hưu sẽ giảm. Hơn nữa, với độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay thì rất khó cho người lao động có thể đóng đủ số năm để được hưởng mức lương hưu tối đa?

- Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, từ năm 2010 đến nay số người hưởng lương hưu có trên 30 năm đóng BHXH (với nam) và 25 năm đóng (với nữ) chiếm 70%. Điều này cho thấy tác động của việc điều chỉnh trên sẽ ảnh hưởng đến gần 30% số người khi không đủ thời gian đóng góp BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa 75%. 

Dù vậy, cùng với những dự kiến sửa đổi Luật BHXH về mở rộng đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc với hợp đồng lao động dưới 3 tháng (giúp người lao động có cơ hội tham gia BHXH sớm hơn), hạn chế đối tượng hưởng lương hưu trước tuổi, khi đó thời gian đóng BHXH của người lao động chắc chắn sẽ được kéo dài.

- Ngoài vấn đề lương hưu, trong Luật BHXH (sửa đổi), quyền lợi chung của người lao động sẽ thay đổi như thế nào, thưa bà? 

- Chắc chắn sẽ có rất nhiều quyền lợi của người lao động được tăng thêm khi tham gia BHXH nếu Luật BHXH được ban hành trong thời gian tới. Chẳng hạn, người lao động sẽ được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi và nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày. Dự thảo Luật BHXH sửa đổi còn bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được hưởng chế độ thai sản (5 ngày với trường hợp vợ sinh thường, 7 ngày nếu vợ sinh mổ), tạo thuận lợi cho lao động nam thực hiện trách nhiệm đối với gia đình, đồng thời mở rộng điều kiện hưởng thai sản đối với lao động nữ mang thai nhưng thai không bình thường phải nghỉ việc. Hay Luật cũng bổ sung thêm quy định người đang hưởng lương hưu ra nước ngoài để định cư sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần…

Đến 2020 đạt 50% người lao động tham gia BHXH

Tại buổi tọa đàm về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 5-8, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, Luật BHXH sửa đổi lần này theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Đặc biệt, để đảm bảo sự bình đẳng trong tham gia và hưởng thụ chính sách BHXH, Luật sẽ sửa đổi theo hướng không phân biệt khu vực làm việc tham gia đóng góp vào quỹ BHXH. Ngoài các đối tượng lao động có quan hệ lao động, Nhà nước sẽ hỗ trợ để các đối tượng lao động khu vực phi chính thức, người nông dân cũng được tham gia BHXH.