Thay đổi cách tính chỉ tiêu tuyển sinh đại học

ANTD.VN - Theo dự thảo mới về cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ thêm tiêu chí kiểm định nhưng lại bỏ tiêu chí sinh viên ra trường có việc làm.

Việc thay đổi tiêu chí xác định chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT đang gây tranh cãi khi nhiều trường cho rằng tiêu chí tính diện tích sàn xây dựng trên đầu sinh viên đã không còn phù hợp.

Thay đổi cách tính chỉ tiêu tuyển sinh đại học ảnh 1Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học

Chưa kiểm định không được tăng chỉ tiêu

Theo dự thảo, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ căn cứ trên các tiêu chí như số sinh viên chính quy/giảng viên quy đổi theo từng khối ngành; diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo/sinh viên chính quy; yêu cầu về chủng loại và số lượng học liệu, trang thiết bị tối thiểu của các hạng mục công trình theo yêu cầu của chương trình đào tạo.

Bộ GD-ĐT cũng bổ sung tiêu chí kiểm định để kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh. Các cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề (trừ ngành đào tạo mới được mở ngành trong năm tuyển sinh). Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, dự thảo cũng quy định cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước. Như vậy, các trường chưa được kiểm định vẫn phải giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh để tập trung nâng cao chất lượng.

Bộ GD-ĐT cũng đưa ra giới hạn tăng không quá 110% chỉ tiêu so với năm trước, tuy nhiên, những trường đại học uy tín lại đang có xu hướng giảm chỉ tiêu để nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đề án tuyển sinh của ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, năm 2018, trường dự kiến tuyển 3.205 chỉ tiêu, trong đó bậc đại học có 2.995 chỉ tiêu, bậc cao đẳng (CĐ) 210 chỉ tiêu, giảm gần 150 chỉ tiêu ở cả 2 bậc. Năm 2018, tổng chỉ tiêu của Đại học Bách khoa Hà Nội tương đương năm trước. Số lượng ngành cũng không thay đổi nhưng có hai ngành mới được tách ra đứng độc lập, đó là Cơ khí động lực và Kỹ thuật ô tô - dự báo là sẽ có sức hút lớn trong tình hình hiện nay. 

Đáng chú ý, đối với các ngành đào tạo giáo viên, việc xác định chỉ tiêu sẽ dựa trên nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo và địa chỉ sử dụng nhân lực sau khi đào tạo của địa phương, của các tổ chức giáo dục, có các minh chứng kèm theo. 

Không nên bỏ tiêu chí sinh viên ra trường có việc làm

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, việc Bộ GD-ĐT không đưa tiêu chí sinh viên ra trường có việc làm vào xác định chỉ tiêu của các trường đại học trong dự thảo lần này là không hợp lý. Bởi, tiêu chí thực tế này nói lên được chất lượng của một trường đại học. Nếu bỏ qua tiêu chí này, các trường sẽ đào tạo tràn lan vượt quá nhu cầu thực tế của xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều trường thắc mắc về cách tính của Bộ GD-ĐT khi vẫn lấy tiêu chí sàn xây dựng để xác định chỉ tiêu. Theo đánh giá của một số chuyên gia tuyển sinh, tiêu chí này của Bộ đưa ra là lạc hậu, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, tiêu chí sàn xây dựng để xác định chỉ tiêu là không phù hợp vì hạn chế sự sáng tạo của các trường. Hiện nay, việc đào tạo tín chỉ, sinh viên học cả ngày ở trường, ngoài ra, các trường đang tiến tới đào tạo online thì việc xác định mỗi sinh viên bao nhiêu mét vuông xây dựng không còn phù hợp với thực tế.

Theo đánh giá của một số chuyên gia tuyển sinh, tiêu chí sàn xây dựng để xác định chỉ tiêu mà Bộ GD-ĐT đưa ra là lạc hậu, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, tiêu chí sàn xây dựng để xác định chỉ tiêu là không phù hợp vì hạn chế sự sáng tạo của các trường.