Thầy cô cần dạy từ chuyện nhỏ, những điều rất cụ thể và con người

ANTĐ - Khẳng định những chính sách đổi mới giáo dục đang đi đúng hướng, có hiệu quả. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phải có giải pháp cụ thể cho những yếu kém còn tồn tại. Cần thay đổi từ cách tổ chức khai giảng; cách giáo dục đạo đức, tình yêu Tổ quốc cho học sinh…
Thầy cô cần dạy từ chuyện nhỏ, những điều rất cụ thể và con người ảnh 1

Khai giảng phải thực sự là ngày hội của học sinh

Cả nước nên khai giảng cùng một ngày

Đánh giá cao những kết quả mà ngành giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua song tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới toàn quốc, ngày 12-8,  Phó Thủ tướng 

Vũ Đức Đam đã đi sâu phân tích những hạn chế của ngành. “Trong xã hội hiện có rất nhiều bức xúc như nạn bạo lực trong trường học, biểu hiện xuống cấp về đạo đức... Trong đó, có trách nhiệm rất lớn của ngành giáo dục. Nếu thầy cô giáo không gương mẫu thì dù tuyên truyền thế nào đi chăng nữa cũng vô tác dụng” - Phó Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng nêu ví dụ: “Trong khi Bộ GD-ĐT cấm dạy thêm, học thêm thì giáo viên vẫn cứ làm. Như thế, thầy cô làm sao giáo dục được học trò về sự trung thực, tôn trọng pháp luật?”.

Về giải pháp khắc phục hạn chế của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thầy cô cần dạy học sinh từ những câu chuyện nhỏ, những điều rất con người và cụ thể. Chẳng hạn như giáo dục thể chất, hiện nay, học sinh bị cận thị và thể trạng thấp còi nhiều. Trước đây, có hoạt động thể dục đầu giờ và giữa giờ, nhưng hiện nay, các hoạt động này đã bị cắt. Phó Thủ tướng đồng ý với việc khôi phục tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và đưa võ cổ truyền Việt Nam vào chương trình giáo dục thể chất trong các cấp học phổ thông. “Trước đây, mỗi khi học thể dục xong, học sinh đều hô to: “Rèn luyện thân thể bảo vệ Tổ quốc, rèn luyện sức khỏe thống nhất đất nước”. Những bài học yêu nước ấy rất cụ thể, thấm vào học sinh từ rất nhỏ” - Phó Thủ tướng gợi ý. 

Phó Thủ tướng cũng chưa hài lòng khi “chúng ta nói tất cả vì học sinh nhưng thực tế chưa thực sự làm được”.  “Khai giảng là ngày hội của các cháu nhưng nhiều năm nay, ngày giờ khai giảng lại phụ thuộc vào lãnh đạo đến. Nắng hay mưa vẫn phải chờ nghe lãnh đạo phát biểu. Hãy thống nhất cả nước cùng khai giảng một ngày, tổ chức khai giảng hợp lý với việc hát Quốc ca, chào cờ, đọc thư Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn sau đó là phần hội của học sinh” - Phó Thủ tướng nêu ý kiến.

Tiếp tục đổi mới đồng bộ 

Nhìn lại năm học 2014-2015, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh đến những nỗ lực của ngành giáo dục cả nước trong việc thực hiện đổi mới đánh giá học sinh, thi cử. Tuy vậy, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận những hạn chế và  những nội dung đổi mới trên cần tiếp tục khắc phục trong năm học tới. Cụ thể, khi triển khai Thông tư 30 về đánh giá học sinh, ở thành phố và những nơi lớp học có sĩ số nhiều hơn quy định, giáo viên rất vất vả trong việc đánh giá.

Công tác quản lý ở một số trường chưa thay đổi kịp thời với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực cho giáo viên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch chia sẻ, một trong những ấn tượng mạnh của ông về đổi mới giáo dục là việc triển khai kỳ thi THPT quốc gia. “Ban đầu, dư luận và ngay cả Quốc hội cũng băn khoăn, lo lắng, nhưng Bộ GD-ĐT đã rất cầu thị, lắng nghe ý kiến xã hội. Đến nay, kỳ thi này đã làm được 3 việc: Tỷ lệ tốt nghiệp THPT gần với chất lượng thực; tạo thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển và cuối cùng là tạo điều kiện cho phân luồng” – ông Trịnh Ngọc Thạch nhận xét. Bộ trưởng Bộ GD-DT Phạm Vũ Luận khẳng định, với cá nhân ông, chuyển động ấn tượng nhất là sự thay đổi thái độ, nhận thức; chuyển từ việc coi học sinh là người bị động, giáo viên là người chủ động sang tạo sự chủ động cho học sinh, vì quyền lợi học sinh, tạo thuận lợi cho xã hội, thí sinh và nhận phần khó về mình.

Năm học mới, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tiếp tục đổi mới đồng bộ hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. 

Sẽ điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia 

Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã đảm bảo thi gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân. Tuy nhiên, việc tổ chức thi vào đầu tháng 7 là thời gian nóng nhất trong năm gây vất vả, ảnh hưởng sức khỏe của thí sinh.

Do đó, Bộ sẽ nghiên cứu điều chỉnh thời gian phù hợp. Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm công tác ra đề thi, tổ chức thi để hoàn thiện các khâu của kỳ thi trong những năm sau. Công tác truyền thông cũng cần được đẩy mạnh để hướng dẫn cho thí sinh đăng ký và nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo đúng thời gian quy định, nhất là đối với các ngành học, các trường có sơ tuyển.