Thấu cảm chuyện kể của cô gái bị lạm dụng từ năm 8 tuổi

ANTĐ - Đọc những trang viết đầy đau thương về Sandy  - người con gái bị lạm dụng tình dục từ khi lên 8 tuổi bởi chính một người thân trong gia đình trong cuốn “Cát hay là ngọc”, không ít người xót xa, thấu cảm để rồi thầm mong cho cô gái nhỏ bé ấy ngày càng trưởng thành sau tấn bi kịch khủng khiếp của cuộc đời. 

Sandy là một trong rất nhiều nạn nhân của nạn xâm hại tình dục (*Ảnh được sự cho phép công bố của tác giả cuốn sách)

Cô gái sống “bên lề cuộc đời”

 Cuộc đời Sandy - nhân vật chính trong cuốn tự truyện “Cát hay là ngọc” khiến nhiều người ám ảnh.  Cô gái miền Tây, tên thật là Nguyễn Thị Bích Ngọc này không được sống êm đềm như những người con gái khác. Cha cô mất trong tù khi chưa kịp biết mặt con, mẹ cô bỏ đứa con bé bỏng lại cho ông bà ngoại để kiếm kế sinh nhai. Cô lớn lên trong thân phận của một đứa trẻ bị  hắt hủi và chịu cả những trận đòn roi từ chính người thân trong gia đình. Lên 8 tuổi, cô bị chính người thân của mình xâm hại tình dục.

Kẻ khốn nạn đó đã hành hạ cô suốt 10 năm trời, nhưng cô gái nhỏ bé không thể làm gì khác ngoài việc nín nhịn, chấp nhận tiếp tục sống chung một mái nhà với hắn, bởi cô không còn nơi nào khác để quay về. Đến người mẹ mang nặng đẻ đau ra cô cũng chỉ coi cô như một công cụ để kiếm tiền, sẵn sàng bán rẻ con vào nhà chứa để đổi lấy vài đồng bạc nhơ nhớp. 19 tuổi, cô tiếp tục chịu sự bạo hành về thể xác từ người mà cô gọi là bạn trai và cô nhận ra, chưa bao giờ anh ta yêu cô. 

Đọc cuốn sách, khó có ai tưởng tượng rằng câu chuyện có thật trong xã hội đương đại bởi nó quá khốc liệt, quá đau thương đối với một cô gái trẻ. Không có gia đình là một nỗi đau, nhưng cuộc đời của Sandy đúng bi kịch hơn ở chỗ, cô sống trong gia đình nhưng không được thừa nhận, có gốc gác nhưng bị ruồng rẫy, có người thân nhưng không được chở che, bao bọc mà nhẫn tâm chà đạp cô.

Quá khứ bị bạo hành, bị lạm dụng những tưởng đã đẩy cô xuống bùn đen, nhưng Sandy đã không gục ngã. Cô chọn cách đóng lại quá khứ và trưởng thành theo cách của mình. Đó là trở thành một giáo viên tiếng Anh và tích cực tham gia vào nhiều dự án từ thiện. Mới đây, cô nhận được học bổng và trải qua khóa đào tạo ngắn hạn tại Philippines. Và hơn thế nữa, Sandy cũng đang bước vào “vườn hồng tình yêu” với một anh chàng người Mỹ, một người thực lòng yêu thương và chấp nhận cô. 

Dũng cảm nói lên sự thật

 “Nếu nhìn Sandy, sẽ không ai biết cô ấy đã có một quá khứ đau thương như vậy” - nhà văn Hòa Bình, một trong hai người chấp bút cho cuốn tự truyện “Cát hay là ngọc” cho biết. Lần đầu gặp Sandy trong một sự kiện nhân chuyến thăm Việt Nam của Nick Vujicic, ấn tượng đối với chị đó là một cô gái “nhanh nhẹn, hoạt bát và không nề hà bất cứ việc gì”. Nhưng khi càng tiếp xúc với Sandy, chị mới nhận ra cô gái ấy có lối hành xử khá kỳ lạ, thường xuyên cảnh giác, đề phòng với những người xung quanh - hệ quả không thể tránh khỏi của những năm tháng bị bạo hành triền miên. 

Thời điểm ấy, Sandy đã trải qua một thời gian lăn lộn, phiêu bạt kiếm sống ở Thái Lan với không ít đắng cay, tủi nhục để khi trở về Việt Nam, cô tìm đến sự giúp đỡ của nhà văn Hòa Bình và Cỏ (tên thật là Nguyên Thảo, đồng tác giả cuốn sách) để đưa câu chuyện của mình ra ánh sáng.

“Lần đầu tiên khi cô ấy quyết định kể  toàn bộ sự thật với tôi, tôi đã mất ngủ cả đêm. Khi nói chuyện với tôi, Sandy cũng rất hoang mang vì cô ấy không biết vì sao một người xa lạ lại sẵn lòng giúp mình. Cô ấy trông thì mạnh mẽ nhưng rất mong manh, dễ đổ vỡ. Đến nay, những tổn thương tâm lý vẫn chưa thôi ám ảnh Sandy, nhưng thay vì sống với những “ung nhọt” trong quá khứ, cô ấy chọn cách cất lên tiếng nói của mình” - nhà văn Hòa Bình tâm sự.

Cũng theo chị, điều lo lắng nhất của Sandy khi quyết định công bố cuốn sách này, đó là làm sao để tự bảo vệ mình. Những vụ bạo hành khủng khiếp đã diễn ra cách đây 10, 20 năm, nếu không nắm và thu thập những chứng cứ rõ ràng trong tay,  Sandy sẽ rất khó để đối diện với những kẻ đã bức hại cô. Đó cũng là áp lực của chính nhà văn Hòa Bình cũng như Nhà xuất bản Phụ nữ trên con đường đưa sự thật ra ánh sáng. 

Đọc “Cát hay là ngọc”, độc giả sẽ cảm nhận đây không phải là một cuốn tự thuật thông thường, mà đậm đà chất liệu văn học, hơi thở của cuộc sống. Không nhằm phô bày sự thật trần trụi, bi lụy, đây là cuốn sách thực sự hấp dẫn, đáng đọc và đáng trân trọng.

Không chỉ mong tìm được sự thấu cảm từ người đọc, những người làm nên cuốn sách này cũng gửi lời nhắn nhủ tới rất nhiều cô gái hay ông bố, bà mẹ có những đứa con là nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục, hãy dũng cảm cất lên tiếng nói chính đáng để bảo vệ chính mình, bảo vệ người thân của mình.